Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Họ bảo cũng muốn mình chỉ là một “nữ nhi thường tình”, không phải lo toan cuộc mưu sinh. Họ bảo ai mà không mong được “núp bóng tùng quân” nhưng cuộc sống khó khăn, những khúc ngoặt của cuộc sống khiến họ phải bươn chải để lo cho người thân...
Nghiêng vai phụ chồng
Hỏi, chị có sợ độ cao không khi ngồi trên sàn nhà cao tầng để buộc sắt, đổ bê tông, chị nói không. Hỏi có mệt mỏi lắm không khi phụ nữ đi làm phụ hồ, chị nói: “Mệt, khổ lắm chứ nhưng quen rồi. Mình phải đi làm phụ chồng nuôi mẹ già, 2 con nhỏ chứ mình ảnh làm việc lo sao xiết? Mình ở nhà chơi không sao đành?”.
Chị Mỹ Dung cố hết sức để làm công việc nặng nhọc của nam giới
Chị tên là Đỗ Thị Mỹ Dung, sinh năm 1979, nhà ở An Sơn, TX.Thuận An. Trước, chị cũng làm việc nhẹ nhàng là bóc vỏ hạt điều nhưng sau ngày xí nghiệp hạt điều giải thể chị “loay hoay tìm việc khác mần ăn” nhưng tìm mãi không ra. Đi làm công nhân ở mấy công ty cũng không được vì... mù chữ! Không thể ở nhà chơi không được, chị xách gói theo chồng làm phụ hồ. Anh Nguyễn Văn Sĩ, chồng chị làm thợ hồ 10 năm ăn lương “thợ chính” với 170.000 đồng/ngày. Chị làm... thợ phụ, sức yếu hơn nam giới được trả công 100.000 đồng/ngày. Nắng làm, mưa nghỉ. Cứ thế, chị theo đời thợ hồ đến nỗi da cháy đen sạm, tay chân ngày một thô nhám hơn. Nhưng chị vẫn cười tươi như hoa mỗi khi có ai bắt chuyện. Bởi, chị đã “phụ giúp chồng lo gánh nặng gia đình”.
Kém may mắn từ khi còn nhỏ, nhà nghèo, mẹ mất khi mới 3 tuổi, anh em đông nên chị Mỹ Dung chỉ học hết lớp một nên giờ không nhớ chữ nào hết. Lấy chồng người cùng thôn ấp cũng thuộc diện khó khăn, nhà neo người nên chị lại tiếp tục vất vả. Sinh hai đứa con gái nhưng chị nói: “Đứa nào tôi cũng nghỉ có vài tháng, con chững chạc là nhờ bà nội chăm để đi làm kiếm tiền lo cho gia đình”. Đến khi sinh đứa thứ 2, chị càng ở cữ ngắn ngày hơn để đi làm kiếm tiền.
Lam lũ từ nhỏ nên chị không nề hà bất cứ chuyện gì. Trong đám thợ hồ gần chục người đang làm chỉ có mình chị là nữ nhưng chị luôn cần mẫn, làm đủ mọi công việc từ cắt sắt, buộc sắt, đưa gạch... theo yêu cầu của mấy thợ chính. Đi làm, chị yên tâm vì có mẹ chồng ở nhà lo chuyện nhà cửa và “còn đi chợ, nấu ăn được”. Lương nhận theo tuần nhưng theo chị Mỹ Dung thì: “Tuần nào hết tuần ấy chị à vì đâu chỉ lo ăn uống cho 5 nhân khẩu lớn nhỏ trong nhà mà còn đủ thứ chuyện tốn tiền từ hiếu hỷ, bệnh tật. Với lại, nghề này đâu phải làm cả tháng 30 ngày. Những ngày mưa phải nghỉ ở nhà, rầu lắm chứ!”.
Hỏi chị có mơ ước gì cho cuộc sống, cho tương lai, chị cười hiền: “Mong con cái học giỏi, mẹ chồng khỏe mạnh, chồng mình thì biết thương vợ con, lo cho gia đình như trước nay vẫn thế”. Không nghĩ gì cho mình à? Không, có gì đâu mà... nghĩ. Cuộc sống cứ... trôi vậy thôi! À có, tôi cũng mong có chút vốn liếng, kiếm nghề buôn bán cho bớt vất vả nhưng nhà nghèo, con nhỏ, có dành dụm được gì đâu... Chị Mỹ Dung vừa tâm sự vừa lấy nón quạt để xua tan bớt cái nắng nóng mùa hè...
Và gánh nặng cả gia đình
Khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được chị Phan Phú Thị Kiều Nga nói về mình. Bởi theo chị, có gì đâu, tôi cũng bình thường như mọi người. Làm một công việc không đủ thì xoay sang làm thêm nghề rửa xe máy để có tiền lo cho cả nhà.
Chị sinh năm 1974, có vẻ già dặn hơn so với tuổi. Ngày trước, khi người anh trai chưa bị tai nạn, mẹ chị - bà Nguyễn Thị Một chia căn nhà ra làm đôi. Con trai bà là Phan Phú Hùng (sinh năm 1972) rửa, sửa xe máy. Chị Kiều Nga thì mở quán cắt tóc, gội đầu, làm móng tay móng chân. Theo bà Một, nhà nghèo, không có tiền cho con, chỉ có căn nhà nhỏ mặt tiền (số 1178 Cách Mạng Tháng Tám, Phú Thọ, TX.TDM) để dành cho con cái làm nghề kiếm tiền sinh sống. Những người con khác đã có gia đình thì ở riêng, cũng yên bề gia thất cả.
Nhưng sự lo toan, sắp đặt của người mẹ cho con bỗng dưng tiêu tan khi một lần, anh Hùng rửa xe cho khách quen xong đi giao xe và về lại tiệm thì bị tai nạn giao thông. Chị Kiều Nga bàng hoàng nhớ lại: “Còn có mấy bước nữa tới nhà mà anh tôi bị đụng xe. Anh bị hất văng giữa đường và máu ộc ra quá nhiều. Cả nhà hoảng hồn đưa anh đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tai nạn làm anh bị thương tật đến 84%. Sau tai nạn, anh thành ra người nghễnh ngãng, không được bình thường như trước. Số tiền thuốc thang cho anh cũng rất nhiều nên cả nhà phụ vào giúp mỗi người một ít”...
Thương anh trai bị tai nạn không làm ăn được để lo cho 2 đứa con còn nhỏ, chị Kiều Nga tự nguyện cùng chị dâu chăm sóc cháu. Thế là ngoài đứa con gái của mình, chị chăm thêm 2 đứa cháu nhỏ. Chị dâu bận chăm sóc chồng nên mọi chuyện trong nhà do chị Kiều Nga cáng đáng. 4 năm qua, chị ly hôn với chồng nên cuộc sống càng khó khăn bởi phải bươn chải lo cho 7 nhân khẩu trong nhà. Thế là ngoài công việc cũ của một người phụ nữ bình thường là uốn tóc, gội đầu cho khách, chị mở lại tiệm rửa xe, thay nhớt và mình làm luôn thợ chính, em dâu làm thợ phụ.
Những ngày đầu mới vào nghề, tay chân chị bị “nước ăn” đến nhợt nhạt. Một ngày lúi húi xịt nước, lau chùi, xịt khô mấy chiếc xe tối đến cả người ê ẩm. Nhưng cuộc sống với những nhu cầu của người thân thúc bách khiến chị quên hết mệt mỏi để ngày hôm sau lại tiếp tục xịt, rửa xe máy. Hễ có khách đến làm đẹp, chị phục vụ tận tình. Hễ có khách đến rửa xe chị cũng cần mẫn làm cho kỹ để khách vừa lòng còn quay lại lần sau. Có nhiều người đến vừa rửa xe, vừa làm đẹp thì chị gọi thêm em dâu ra rửa xe để mình lúi húi làm móng chân, gội đầu với giá cả bình dân. Rửa xe thì 12.000 đồng/chiếc. Chị Kiều Nga cho biết: “Ngày nhiều rửa hơn chục chiếc, ngày nào ít chỉ vài chiếc cộng thêm một ít từ tiệm cắt tóc, gội đầu là tất cả nguồn thu nhập của gia đình. Nhiều ít gì thì cũng tính toán chi li, tiết kiệm để lo cho cuộc sống của mẹ, vợ chồng anh chị, 2 cháu và 2 mẹ con tôi”.
Đổi lại sự hy sinh vất vả của họ là cuộc sống bình yên của người thân. Chị Kiều Nga khoe những đứa cháu và con gái mình đều học giỏi, luôn yêu thương, kính trọng và biết nghe lời chị. Với chị Mỹ Dung, việc học của hai con là quan trọng hơn hết mọi thứ trên đời. Hai con gái chị, đứa 13 tuổi, đứa 11 tuổi luôn ý thức được mình phải biết yêu thương bà, ba mẹ và phải học thật giỏi. Bởi chị thường nói với con: “Mẹ nghèo, không được học hành, mù chữ nên giờ các con phải học luôn phần mẹ”. Hai bé gái con chị thật ngoan và chăm học khiến chị “về nhà thấy con ngồi học bài là khỏe liền dù cả ngày có mệt nhọc cỡ nào”...
QUỲNH NHƯ