| 25-03-2021 | 07:55:20

Nỗ lực nâng tầm thương hiệu Việt - Kỳ 2

Kỳ 2: Cần “cú hích” thay đổi tư duy

 Thực tế trong thời gian qua, bên cạnh việc tiến hành các hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp (DN) Việt cũng luôn có ý thức tìm kiếm cơ hội hợp tác, vươn ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, các DN Việt Nam khi hội nhập thường phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư và kết nối mở rộng thị trường.

 Ngành sản xuất chủ lực cần tăng cường các khâu thiết kế, tiếp thị để khẳng định thương hiệu Việt thay vì gia công. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Rochdele Spears (TX.Tân Uyên)

 Giữ vững giá trị

Thực tế, nhiều DN hiện chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc đang mông lung về cách xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt, đặc biệt là đối với DN xuất khẩu nông sản với số vốn hạn chế. Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Lâm Viên, cho rằng giữ vững và đi sâu vào bản chất thương hiệu được rất nhiều, đó là lòng tin của khách hàng đối với sản phẩm. Một sản phẩm khi gắn với thương hiệu của quốc gia sẽ tăng niềm tin đối với người dùng, giá trị vô hình không thể đo đếm được bằng tiền. Từ giá trị tinh thần, chủ DN, đội ngũ cán bộ, nhân viên nỗ lực hơn nữa để tạo ra những sản phẩm tốt . Đó là lý do ông Nguyễn Lâm Viên kiên quyết bảo vệ thương hiệu Vinamit thay vì bán cho các đối tác nước. Bên cạnh đó, phải biết tạo thị trường và đủ sức để theo đuổi “cuộc chơi”, chấp nhận sự khốc liệt của thương trường mới vẫy vùng được trên “biển lớn”. Ông Viên cho rằng chỉ những sản phẩm của người đi sâu, tinh tế, độc đáo, đáp ứng được tiêu chuẩn thị trường mới có thể đi đường dài.

Chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh, thể hiện qua các yếu tố: Con người, DN, sản phẩm, năng suất lao động và chú trọng phát triển bền vững. Một trong những yếu tố quan trọng là DN phải có tầm nhìn toàn cầu, lấy thị trường khu vực và toàn cầu như một phép thử để có sự vươn cao, vươn xa. Xây dựng năng lực cạnh tranh luôn đi cùng với xây dựng thương hiệu để khẳng định thương hiệu mang giá trị Việt”.

Điều cơ bản, khi muốn thâm nhập vào thị trường nào cần hiểu rõ tiêu chuẩn của thị trường đó. Cùng là sản phẩm hữu cơ (organic), nhưng tiêu chuẩn của Mỹ có thể khác với tiêu chuẩn của châu Âu. Đáp ứng được tiêu chuẩn, nhưng nếu DN không kiên trì, đeo bám và tạo ra thị trường cũng sẽ không có nhà phân phối nào bán giúp, nhà phân phối chỉ bán những mặt hàng có người mua. Khi manh nha có thị trường, phải biết thâu tóm bằng giải pháp “lỗ có kế hoạch”, sau đó mới tính tới lợi nhuận.

Nhìn lại đối với ngành gỗ xuất khẩu, hiện Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu. Trong đó, Bình Dương là địa phương đứng đầu cả nước với gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, song điều đáng nói là các DN trong nước đa phần làm hàng gia công, thay vì làm hàng mang thương hiệu Việt Nam. Theo tìm hiểu của phóng viên tại một đơn vị sản xuất thuộc ngành gỗ có vốn FDI trên địa bàn, nếu xuất bán thành phẩm mang thương hiệu Việt đem lại lợi nhuận 100%, làm hàng gia công chỉ có được 25% tổng giá trị. Hạn chế lớn nhất của ngành này là sự phát triển không đồng đều ở các khâu, đặc biệt là ở công đoạn đầu trong chuỗi giá trị bao gồm sản xuất nguyên liệu, thiết kế mẫu mã. Điều này đã cản trở sự phát triển, giảm giá trị gia tăng ở khâu sản xuất. Đó là chưa kể, mạng lưới xuất khẩu và tiếp thị vẫn đang là điểm yếu lớn trong chuỗi giá trị của ngành gỗ. Thách thức của các DN gỗ lúc này nằm ở việc, họ có thể chuyển sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn bằng cách nâng cấp năng lực cạnh tranh của mình hay không?

Hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho rằng để giải quyết những vấn đề vừa đặt ra cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước đối với cộng đồng DN. Cộng đồng DN rất cần sự hậu thuẫn của chính sách, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực cũng như tạo điều kiện để hình thành khu, cụm công nghiệp chuyên ngành cho ngành gỗ, quy tụ thành mạng lưới chuỗi cung ứng từ nghiên cứu thiết kế, cho đến sản xuất nguyên phụ liệu và các sản phẩm ngành, phân phối, marketing… Như vậy, có thể tin tưởng rằng, ngành gỗ Việt Nam sẽ tiến xa hơn nữa trên thị trường toàn cầu.

Việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu buộc Việt Nam phải có chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia nói riêng cũng như thương hiệu sản phẩm nói chung để cạnh tranh với các quốc gia đã sớm có “tên tuổi” trên thị trường quốc tế. Theo lãnh đạo ngành công thương, hiện nay, để hỗ trợ cho các DN xuất khẩu phát triển bền vững, tỉnh giao cho ngành triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp chủ lực theo hướng bền vững, bao gồm các đề án phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành xuất khẩu chủ lực, tăng năng lực sản xuất, nâng giá trị hàng hóa. Đồng thời với đó, ngành công thương cũng đưa ra chương trình hỗ trợ DN như đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, đẩy mạnh giao thương trực tuyến. Trong năm 2021, ngành công thương đã hỗ trợ DN ngành gỗ thông qua các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các chương trình của các bộ, ngành... Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương cũng ghi nhận, ủng hộ những đề xuất của BIFA, gợi ý thêm một số phương pháp thực hiện cụ thể hơn.

 Theo báo cáo Thương hiệu quốc gia 2020 của hãng định giá thương hiệu Brand Finance, Việt Nam nổi lên là “thiên đường” sản xuất mới tại Đông Nam Á, có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới, với 29%, tăng đến 319 tỷ đô la Mỹ. Đây là một dấu mốc đáng nhớ của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến triển vọng GDP, lạm phát và bất ổn kinh tế của tất cả các nước trên thế giới.

 TIỂU MY

Chia sẻ