| 10-04-2024 | 08:34:28

Nỗ lực phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng

 Với điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, huyện Bắc Tân Uyên đang là một trong những địa phương dẫn đầu về năng suất, chất lượng cây ăn trái có múi của tỉnh. Huyện đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị.

 Khách tham quan sản phẩm rượu bưởi sản xuất tại xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên

Tăng cường quảng bá

Chợ phiên “Nông sản an toàn và trưng bày sản phẩm tiêu biểu - OCOP năm 2024” và triển lãm thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng nhân dịp chào mừng kỷ niệm 10 năm Bắc Tân Uyên hình thành và phát triển (1.4.2014 - 1.4.2024) một lần nữa cho thấy các lĩnh vực kinh tế của huyện đang chuyển mình mạnh mẽ.

Tại triển lãm, người xem được thấy những thành quả vượt bậc của người nông dân, ngành nông nghiệp, trong đổi mới, hội nhập tích cực. Đến nay, cam, bưởi, quýt không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân trong huyện, mà nó còn là sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng ngon, ngọt, sạch và an toàn của vùng đất này. Sự tin dùng của khách hàng trong những năm qua chính là sự ghi nhận và tin tưởng của người tiêu dùng.

Chị Trịnh Thị Tuyết Nhung, tổ 2, ấp Đá Bàn, xã Đất Cuốc, cho biết triển lãm rất ý nghĩa, sinh động. Qua triển lãm, người dân có thể hiểu rõ hơn những thành tựu phát triển của huyện trong mọi lĩnh vực. Tại đây, người tiêu dùng còn thấy những sản phẩm chất lượng “made in Bắc Tân Uyên”, thực sự rất tự hào. Điều này chứng tỏ người nông dân đã bắt kịp sự lựa chọn thông thái của người tiêu dùng để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, nâng mức cạnh tranh trên thị trường.

Chị Nguyễn Huỳnh Tường Vi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Định, cho biết xã chọn những mặt hàng nông sản, sản phẩm tiêu biểu của hội viên trực tiếp sản xuất như cam, ổi, quýt, mật ong, nghệ viên… để giới thiệu tới khách hàng. Ngoài ra còn có những sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường như mít ruột đỏ, rượu bưởi, tinh dầu bưởi, dầu gội chiết xuất từ vỏ bưởi… Đây là những sản phẩm đã khẳng định chất lượng thông qua các cơ quan chức năng, được khách hàng đón nhận, sức tiêu thụ khá tốt.

Tạo nền tảng phát triển

Từ định hướng của tỉnh phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị cùng những chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất tạo đà cho toàn ngành nông nghiệp địa phương phát triển. Từ năm 2014 đến nay, huyện Bắc Tân Uyên đã triển khai 6 dự án về điện, 194 công trình giao thông và hàng chục dự án về thủy lợi với số vốn tập trung đầu tư rất lớn nhằm phục vụ cho phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển vùng chuyên canh cây trồng, cây ăn trái nói riêng.

Bên cạnh đó, công tác khuyến nông, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển nông nghiệp cũng được huyện quan tâm. Cụ thể, hàng năm huyện phối hợp tổ chức từ 15- 20 lớp tập huấn, chuyển giao 3-5 mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho bà con nông dân. ..

Thời gian qua, tận dụng lợi thế sẵn có, người nông dân trên địa bàn huyện cũng đã thay đổi tư duy, cách làm từ sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ… Từ đó, xuất hiện nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, áp dụng thành công khoa học kỹ thuật, tạo năng suất cao đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tập trung nhiều là tại các xã Đất Cuốc, Tân Mỹ, Thường Tân, Lạc An, Tân Định và Hiếu Liêm.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết nhằm hướng tới thị trường bền vững, bảo vệ quyền lợi và xây dựng thương hiệu cho các loại trái cây đặc trưng của địa phương, thời gian qua, cùng với các sở, ngành của tỉnh, huyện sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, nông dân. Huyện đẩy mạnh xây dựng vùng cây ăn trái và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là tập trung hướng dẫn phát triển cây ăn trái có múi theo hướng VietGAP, hữu cơ.

Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ các đơn vị cây giống, đầu tư mở rộng quy mô, chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu. Từ đó đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Ngoài ra, huyện cũng tham gia tìm đầu ra sản phẩm cho người dân, hỗ trợ các đơn vị tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành trong cả nước nhằm quảng bá giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của Bắc Tân Uyên đến với người tiêu dùng; đồng thời mở rộng hợp tác các kênh phân phối và hệ thống siêu thị.

Trong giai đoạn sắp tới, theo định hướng quy hoạch tích hợp tỉnh, Bắc Tân Uyên sẽ hình thành vùng tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó, quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất tập trung đối với cây ăn trái có múi, chuối. Từ đây, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn phối hợp cùng huyện triển khai đồng loạt nhiều chương trình để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp...

 Ông Lê Thành Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng việc nâng tầm và xây dựng thương hiệu các sản phẩm có xuất xứ Bắc Tân Uyên là cần thiết. Tuy vậy, đòi hỏi các chủ thể phải nỗ lực chuẩn hóa sản phẩm để tiếp tục có những sản phẩm chất lượng cao theo yêu cầu của thị trường. Ngoài sự hỗ trợ, định hướng của các cấp chính quyền và ngành chức năng, cần phát huy nội lực của các chủ thể, tích cực tham gia vào các liên kết hiện đại, kết nối thương mại điện tử, cung cầu giữa người sản xuất, người tiêu dùng. Từ đó tạo ra lợi thế, lan tỏa các sản phẩm xuất xứ Bắc Tân Uyên trên thị trường.

 THANH HỒNG - PHƯƠNG THANH

Chia sẻ