Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Mỗi ngày trôi qua, có rất nhiều đoàn viên công đoàn, người lao động trên địa bàn tỉnh không ngừng nỗ lực sáng tạo, hoàn thành tốt công việc được giao. Bên cạnh đó, họ chịu khó lắng nghe, học thêm các lớp chuyên sâu, tiếp thu kinh nghiệm của những người đi trước để dần hoàn thiện bản thân, nghề nghiệp. Sự đóng góp của họ không chỉ làm lợi tiền tỷ cho doanh nghiệp mà còn xây dựng công đoàn cơ sở (CĐCS) vững chắc.
Đoàn viên công đoàn và người lao động của Bình Dương luôn không ngừng sáng tạo để nâng cao tay nghề, phát huy hiệu quả công việc và đóng góp tích cực cho doanh nghiệp
Những sáng kiến bạc tỷ
Anh Nguyễn Trung Thông, Công ty TNHH DDK Việt Nam (TP.Thuận An) là một điển hình trong thi đua của công ty. Anh học cao đẳng điện công nghiệp, so về trình độ học vấn vẫn còn thua kém nhiều người trong công ty. Tuy nhiên, phẩm chất của anh là không ngừng học tập mỗi ngày, từ đó nâng cao kiến thức chuyên môn và liên tục đưa ra nhiều sáng kiến ở dây chuyền sản xuất của mình. Mỗi tháng, tổ của anh có ít nhất từ 3 - 4 sáng kiến, liên tục như thế. Do làm việc ở công ty chuyên sản xuất các mặt hàng điện tử, có nhiều dây chuyền tự động, máy móc hiện đại, buộc các thành viên trong tổ phải hoàn thiện mình mỗi ngày để bắt nhịp. 5 năm làm việc tại công ty, bản thân anh cũng không nhớ mình có bao nhiêu sáng kiến.
Anh Nguyễn Trung Thông lấy ví dụ, trước đây băng chuyền tự động hóa có đến hai người đứng máy. Nhưng sau thời gian làm việc, nhóm của anh tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo và dây chuyền này giờ chỉ cần một người đứng máy. Những sáng kiến của anh đã mang lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp. “Các phong trào thi đua được CĐCS công ty phát động, thực hiện hàng năm. Từ đó, bản thân tôi từng bước thực hiện, học tập và hoàn thiện từng việc nhỏ nhất, đặt ra mục tiêu để phấn đấu thì sẽ đạt được thành quả...”, anh Nguyễn Trung Thông nói.
Còn với anh Nguyễn Thái Nguyên, Công ty TNHH Điện tử Foster (TP.Thủ Dầu Một) thì để trở thành Tổ trưởng Tổ thiết kế thiết bị rung trên các sản phẩm điện thoại, đồ chơi điện tử, máy nghe nhạc... của một công ty lớn, đòi hỏi bản thân anh không ngừng nỗ lực hoàn thiện tay nghề, hoàn thiện nhân cách, giao tiếp. Anh chia sẻ: “Bản thân từng làm việc nhiều năm với các chuyên gia người Nhật, mới thấy họ chu đáo, tỉ mỉ từng chi tiết từ đi đứng, lời ăn tiếng nói, tác phong. Từ đó, tôi liên tưởng đến các phong trào thi đua mà mình đang thực hiện, nhất là việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” mà các cấp, các ngành phát động thời gian qua là hết sức ý nghĩa, giúp cho mỗi chúng ta hoàn thiện, trưởng thành hơn mỗi ngày”.
Giúp tổ chức công đoàn vững mạnh
Bên cạnh những lao động giỏi, lao động sáng tạo được tuyên dương, còn có nhiều cán bộ CĐCS có tâm, có tầm, có trách nhiệm đang âm thầm cống hiến. Họ không chỉ là người truyền đạt, thực hiện phát động các phong trào thi đua đến đoàn viên công đoàn, người lao động, mà còn đóng góp nhiều sáng kiến hay, xây dựng đời sống ấm no cho công nhân, xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững mạnh...
Cách đây vài năm, khi thấy trong doanh nghiệp hay xảy ra các trường hợp bỏ quên đồ là bị mất, không tìm lại được, anh Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Compass 2 (TP.Thuận An), luôn trăn trở, suy nghĩ tìm cách khắc phục, phải chấm dứt tình trạng trên. Bởi việc này không chỉ ảnh hưởng xấu đến môi trường làm việc, mà người bỏ quên, đánh rơi tài sản còn lâm vào khó khăn. Vậy là anh đã đưa ra sáng kiến xây dựng mô hình “Nhặt được của rơi, trả lại cho người bị mất”, được toàn thể lãnh đạo và đoàn viên, công nhân thông qua.
Để mô hình này hoạt động hiệu quả, anh Phương đã cân đối nguồn tài chính của CĐCS, xin thêm 2% lương cơ bản/lao động của công ty để lập quỹ. Qua đó, CĐCS công ty đưa ra mức khen thưởng cho người “nhặt được của rơi, trả lại cho người bị mất” thấp nhất là 300.000 đồng/lần, cao nhất là 2 triệu đồng/lần; tùy vào giá trị của vật dụng nhặt được mà có mức khen thưởng tương xứng, cộng thêm giấy khen của công đoàn công ty trao tặng. Vậy là chỉ trong tháng đầu tiên, đã có 5 người được nhận giấy khen của công đoàn. Đến nay, đã có hơn 50 người được nhận giấy khen về việc này.
Thời gian qua, rất nhiều chủ tịch, phó chủ tịch CĐCS ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng đưa ra những sáng kiến hay, áp dụng vào các hoạt trong phòng cháy, chữa cháy, cứu thương, sản xuất, chăm lo con em công nhân, lao động khó khăn, bị tai nạn, bệnh hiểm nghèo... Nhiều CĐCS phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp lập quỹ chăm lo đời sống công nhân lao động; qua đó, không chỉ giúp người lao động ổn định cuộc sống, mà còn giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Điển hình như tại Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (TP.Thuận An), từ năm 2010, CĐCS công ty phối hợp với nhà máy xây dựng “Quỹ tương thân tương ái”. Mỗi tháng, công đoàn bỏ vào quỹ 10 triệu đồng, nhà máy ủng hộ 10 triệu đồng. Từ đó đến nay, quỹ luôn duy trì ở mức 400 triệu đồng. Nguồn quỹ này dùng để hỗ trợ các trường hợp đặc biệt khó khăn, bệnh đau... Mức hỗ trợ có trường hợp lên đến 10 triệu đồng/người.
Có thể thấy, đoàn viên công đoàn và người lao động của Bình Dương rất năng động, sáng tạo. Họ đang từng ngày ra sức lao động, sáng tạo để nâng cao tay nghề, phát huy hiệu quả công việc và đóng góp tích cực cho doanh nghiệp.
QUANG TÁM