| 06-06-2016 | 08:57:32

Nước sạch “giải khát” các xã nông thôn huyện Bắc Tân Uyên

Các xã Lạc An, Thường Tân, Tân Mỹ, Tân Định, Tân Bình, Tân Thành và Đất Cuốc của huyện Bắc Tân Uyên tuy tiếp giáp với các con sông lớn, nhưng nhu cầu tiếp cận nguồn nước sạch hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt, ăn uống của người dân nơi đây rất khó khăn. Phần lớn người dân đã quen sử dụng nước giếng khoan, giếng đào từ nhiều thế hệ qua nhưng chất lượng nước ngầm tại đây không bảo đảm do bị nhiễm vôi, phèn vì nằm trong khu vực có nhiều mỏ khoáng sản. Thời gian gần đây, do chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, người dân địa phương phải chịu cảnh “khát” nước sạch!

Người dân ấp Cây Chanh, xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên lấy nước tại điểm cấp nước sạch tập trung Ảnh: DUY CHÍ

Gần sông mà… thiếu nước sạch

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị Nguyễn Thị Thu Thảo, ngụ tổ 18A, ấp Cây Chanh, xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên, dùng xe máy mang theo thùng, can nhựa đến điểm cấp nước sạch tập trung lấy nước. Chị Thảo chia sẻ từ nhà ra đến điểm cấp nước sạch tập trung này phải trên cây số. Dù trời nắng nhưng phải cố gắng đi lấy nước về trữ ở nhà, để con đi học về có nước nấu ăn và sinh hoạt, vì cả hai vợ chồng đều làm công nhân, tăng ca nên thường về trễ. Nhờ xã đầu tư điểm cấp nước sạch tập trung mà người dân ở đây có nước sạch để sử dụng. Trước đó, chị phải mua nước lọc, nước bình về sử dụng rất tốn kém.

Còn ông Phòng, ở xã Tân Mỹ thì nói: “Gia đình tôi sống mấy đời trên mảnh đất này nên biết rất rõ về nguồn nước ở đây. Hồi trước giếng đào chỉ từ 6 - 10m là có đủ nước để sử dụng. Mấy năm gần đây mạch nước ngầm bị sụt giảm, đến mùa khô hầu như các giếng đào trong vùng đều cạn trơ đáy. Nhiều người đã thuê thợ giếng khoan đến khảo sát, tìm nguồn nước mới ở độ sâu hơn nhưng đều thất bại vì chạm phải đá bàn, cát sỏi không có nước”.

Theo ông Phạm Đắc Thành, Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước Nam Tân Uyên, người trực tiếp khảo sát và có nhiều năm gắn bó tại địa phương, các xã nằm ven 2 con sông lớn là sông Bé và Đồng Nai đều có cùng đặc điểm địa chất, đào hoặc khoan xuống vài mét là đụng đá bàn, sỏi cát không có nước; nước ngầm các khu vực này lại thường bị nhiễm phèn, vôi… do dưới đất có nhiều mỏ khoáng sản. Vì vậy tuy nằm ven các con sông lớn nhưng chất lượng nước ngầm tại một số địa phương không bảo đảm. Vì thế mới dẫn đến tình trạng sống ven sông mà người dân vẫn “khát” nước sạch để ăn uống, sinh hoạt.

Nước sạch đã về

Trên đường mang can, thùng nhựa đi lấy nước, ông Bùi Văn Nở, ở xã Tân Định, chia sẻ: “Gia đình tôi là đại lý đổi gas, nước đóng bình cho cả khu vực này nên rất thấu hiểu thu nhập của người dân nông thôn đã ít, còn phải chi phí nước đóng bình nấu ăn, mỗi hộ ít nhất cũng 300.000 đồng/tháng. Có nước sạch về bà con vui mừng lắm! Tôi đã góp ý với bà con nên chuyển qua sử dụng nước cấp để tiết kiệm chi phí. Ban đầu nhiều người còn băn khoăn: “Sao nói nước máy là nước sạch mà lại có mùi hăng hắc khó chịu, nấu ăn, nấu uống có bị ảnh hưởng sức khỏe gì không”? Tôi đã giải thích cho bà con rằng: “Cái mùi đó không ảnh hưởng đến sức khỏe. Nước sạch do xí nghiệp cấp nước cung cấp đã được kiểm nghiệm, đạt tiêu chuẩn cho phép theo quy định. Muốn hết mùi thì bà con chỉ cần trữ lại trong lu, bồn vài ngày mùi này sẽ bốc hơi hết”.

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Thái Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết dù mới thành lập được 2 năm, ngân sách có hạn lại phải đầu tư nhiều hạng mục cần thiết nhưng trước nhu cầu bức thiết về nước sạch - vệ sinh môi trường của người dân nông thôn, huyện đã huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình cung cấp nước sạch, đồng thời với việc vận động nhân dân lấp, trám các giếng khoan đã hư hỏng trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện đã có 6 công trình cung cấp nước sạch tập trung tại các xã Lạc An, Thường Tân, Tân Mỹ, Đất Cuốc, Tân Thành và Tân Bình với công suất trung bình 1.000m3/ngày đêm, cùng một tuyến ống cung cấp nước sạch từ nhà máy nước Uyên Hưng (TX.Tân Uyên) công suất 1.400m3/ngày đêm phục vụ bổ sung cho khu vực Đất Cuốc, Tân Định, Tân Thành. Việc đưa nước sạch về nông thôn sử dụng đã đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Qua đó góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị và làm thay đổi nhận thức về ý nghĩa, lợi ích của việc sử dụng nước sạch - vệ sinh môi trường.

Ông THÁI THANH BÌNH, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên: Phấn đấu đến năm 2020 có 100% hộ dân sử dụng nước sạch

Đến nay, toàn huyện Bắc Tân Uyên có khoảng 3.000 hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, còn lại khoảng 9.000 hộ sử dụng nước giếng khoan, giếng đào. Nghị quyết của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 là đẩy mạnh tuyên truyền làm cho người dân thay đổi thói quen từ sử dụng nguồn nước mặt chưa qua xử lý sang sử dụng nước sạch và bảo vệ môi trường. Huyện phấn đấu đến năm 2020 có 100% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.

 

 DUY CHÍ

 

 

Chia sẻ