| 01-10-2024 | 21:41:24

Phát triển công nghiệp hỗ trợ, đáp ứng các ngành xuất khẩu chủ lực

Ngành da giày tại Bình Dương đã thu hút hơn 200 doanh nghiệp (DN) đầu tư, với tổng sản lượng từ 110-120 triệu sản phẩm/năm, giá trị xuất khẩu hàng năm chiếm từ 8-10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Tuy nhiên, hiện nhiều nguyên phụ liệu cho ngành này vẫn phải nhập khẩu, ảnh hưởng đến sự chủ động phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường của các DN. Nếu đầu tư đúng mức, tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu, ngành da giày Bình Dương có vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế.

Cơ hội, thách thức đan xen

Ngành da giày là một trong 3 ngành xuất khẩu chủ lực của Bình Dương. Đến thời điểm này, DN ngành da giày có đủ đơn hàng cho cả năm 2024. Trong 9 tháng năm 2024, giá trị xuất khẩu ngành da giày của Bình Dương ước đạt 1,4 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2023. Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn nhất của DN da giày Bình Dương, chiếm 33,1% giá trị xuất khẩu; tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ, chiếm 28,5%; Nhật Bản chiếm 7,5%; Trung Quốc chiếm 5,7%... Đáng chú ý, lượng đơn hàng, trong đó có da giày trong những tháng cuối năm đang dịch chuyển từ một số quốc gia châu Á về Việt Nam ngày càng nhiều, mở thêm cơ hội cho ngành trong thời gian tới.

Sản xuất các sản phẩm kim loại, nhựa dùng trong ngành giày dép, may mặc tại Công ty TNHH MTV Thánh Khôn (Khu công nghiệp Sóng Thần 3). Ảnh: TUẤN ANH

Theo Hiệp hội Da giày Bình Dương, hiện Bình Dương có khoảng hơn 170 DN tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng nguyên phụ liệu, hỗ trợ trong ngành da giày. Nếu như trước đây, hầu hết nguyên phụ liệu để sản xuất giày xuất khẩu phải nhập khẩu thì hiện nay tỷ lệ nội địa hóa đã đạt 55-60%. Đặc biệt, đối với sản phẩm giày vải nguyên phụ liệu trong nước đạt gần 100%; giày thể thao xuất khẩu đạt 80%.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, khẳng định ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm xuất khẩu đã và đang là hướng đi bền vững và phù hợp hiện nay. Thời gian tới, Bình Dương chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng công nghiệp hỗ trợ; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi mời gọi đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ…

Tuy vậy, tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu ngành da giày hiện nay được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ phát triển của ngành. Mặt khác, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa ngày càng cao, khắt khe hơn, do đó đòi hỏi các DN, hiệp hội ngành hàng, cơ quan hữu quan phối hợp xử lý tốt những vấn đề liên quan, trước mắt là nâng cao tỷ trọng nội địa hóa nguyên phụ liệu cho các ngành công nghiệp nói chung, ngành da giày nói riêng.

Động lực mới

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, cả nước hiện nay chỉ có khoảng 20 DN trong nước đủ sức cung ứng nguồn nguyên liệu cao cấp. Đối với ngành da giày vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên phụ liệu quan trọng như da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế, chất dẻo, keo dán, hóa chất. Trung Quốc hiện vẫn là nguồn cung nguyên phụ liệu lớn nhất cho ngành da giày Việt Nam, chiếm khoảng 35%. Nếu nguyên phụ liệu ở thị trường này có biến động, rõ ràng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của DN da giày trong nước. Cùng với đó, quá trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, các quốc gia quy định rõ ràng về tỷ lệ xuất xứ nội khối cũng là một thách thức lớn đối với DN trong nước.

Bình Dương đang nỗ lực tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu cho các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của tỉnh, trong đó có ngành da giày. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất đế giày tại Công ty Cổ phần Đầu tư và sản xuất giày Thái Bình

Về thị trường nhập khẩu sản phẩm da giày, bên cạnh quy tắc xuất xứ từ các FTA, hiện EU, Hoa Kỳ đang đặt ra nhiều quy định mới về tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa, chẳng hạn như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU… Điều này đòi hỏi DN ngành da giày phải nỗ lực không ngừng, liên tục đổi mới để đáp ứng đòi hỏi của những thị trường khó tính. Theo lộ trình, CBAM sẽ áp dụng đồng loạt vào năm 2030.

Thời gian qua, Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nguyên phụ liệu nhằm nâng dần tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, Bình Dương đang xúc tiến xây dựng khu công nghiệp (KCN) cơ khí và công nghiệp hỗ trợ do Tập đoàn Trường Hải (THACO) làm chủ đầu tư. KCN này sẽ giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển, giải quyết tình trạng thiếu hụt nguyên liệu và tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4108/QĐ-UBND ngày 31-12- 2019 về phê duyệt “Đề án định hướng phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Bình Dương đầu tư phát triển 4 cụm công nghiệp hỗ trợ với diện tích mỗi cụm 75 ha, trong đó xây dựng 1 cụm công nghiệp hỗ trợ chuyên ngành cơ khí. Ngoài ra, Bình Dương cũng đã quy hoạch thêm 1 KCN ngành cơ khí để góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn…

 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đãhình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụl iệu cho ngành dệt may, cơ khí, điện - điện tử. Toàn tỉnh có gần 2.300 doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ. Để phát triển công nghiệp hỗ trợ bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương đã và đang tích cực hỗ trợ các DN tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp do DN trong nước sản xuất. Trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm... Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng công nghiệp hỗ trợ; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời gọi đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ...

H.A

TUẤN ANH

Chia sẻ