| 15-07-2013 | 00:00:00

Nuôi dưỡng thương hiệu: Cuộc đua cần tiếp sức

Thương hiệu (TH) nói một cách dễ hiểu là dấu hiệu đặc biệt để nhận biết một sản phẩm, một hàng hóa hay một dịch vụ nào đó được sản xuất, cung cấp bởi một tổ chức hoặc một cá nhân. Và để xây dựng, nuôi dưỡng, phát triển được một TH nhiều doanh nhân, doanh nghiệp (DN), nhiều tập thể, cá nhân đã phải đầu tư biết bao trí tuệ, công sức, tiền của, mồ hôi và thậm chí là cả… nước mắt.

Dù ở bất cứ địa phương nào, hầu hết các DN đều có chung một mục đích là tăng thị phần và lợi nhuận, điều này chỉ được thực hiện khi họ thắng trong cuộc đua giành được tâm trí khách hàng mà đây là công việc không hề đơn giản bởi hàng ngày có đến hàng ngàn, hàng vạn thông tin quảng cáo về các sản phẩm, TH trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng, nên khách hàng khó có thể chú ý hết được với quỹ thời gian có hạn của mình. Bởi vậy có thể nói, chỉ có thành công trong việc chiếm vị trí trong tâm trí khách hàng và tạo ra bản sắc riêng cho hình ảnh TH của mình thì DN mới có cơ hội phát triển và tăng lợi nhuận…

Một lần có dịp đi du lịch Trung Quốc, đến trạm dừng là tỉnh Quảng Châu chúng tôi được bố trí ăn, nghỉ ở một khách sạn lớn có cả một khu thương mại - dịch vụ dưới sân khách sạn. Dạo một vòng khu thương mại, chúng tôi thấy một số sản phẩm có bao bì màu tím quen quen trong vô số các loại bánh, kẹo với bao bì đủ màu sắc được sản xuất ở nước bạn, cầm lên đọc bất chợt lòng thấy bồi hồi xúc động, bởi đó là sản phẩm của Công ty Vinamit - một đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm trái cây sấy khô ở Bến Cát, Bình Dương. Bồi hồi không chỉ vì tinh thần tự hào dân tộc khi sản phẩm của quê hương mình nằm chễm chệ trên kệ của một trung tâm thương mại nước ngoài, mà còn bồi hồi là vì ta biết rằng để có thể tiến ra thế giới các đơn vị, DN này đã trải qua không ít những phong ba bão táp của thị trường mới tìm được chỗ đứng như hiện nay…

Mấy hôm nay, có tìm hiểu thông tin từ các đơn vị truyền thông đại chúng mới thấy hành trình để các đơn vị xây dựng, nuôi dưỡng và phát triển TH ngày càng nhiêu khê, vất vả, nhiều đơn vị, DN không chống chọi nổi đành phải bán TH. Cũng có DN vì bảo vệ TH mà đơn vị gầy dựng đã phải tốn nhiều thời gian, công sức như Công ty Vinamit phải mất hơn 4 năm theo đuổi vụ kiện với 3 phiên tòa kiện tranh chấp TH với một thương nhân Trung Quốc, mới được Tòa án Thương mại Bắc Kinh tuyên công ty là chủ sở hữu của TH Ðức Thành (vốn là TH của Vinamit từ ngày đầu thành lập cách đây 20 năm).

Dù Đảng, Nhà nước đã hết sức tạo điều kiện để các TH Việt bay xa như các hoạt động: Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn, TH mạnh Việt Nam, Giải thưởng Sao Vàng đất Việt, Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu ở nước ngoài; Chương trình sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin TH Việt; DN xuất khẩu uy tín; Hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu... Trong đó, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là cơ hội chắp cánh cho những TH Việt vươn tới tầm cao mới, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, minh chứng cho sự thành công của công cuộc đổi mới.

Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển TH cũng đặt ra những vấn đề bất cập cần giải quyết như một số nông, lâm sản chủ lực của Việt Nam duy trì vị thế cao trên thương trường quốc tế, nhưng TH chưa được biết đến một cách tương ứng. Tình trạng xâm phạm sở hữu trí tuệ, làm hàng giả, hàng nhái chưa được ngăn chặn triệt để. Cuộc đấu tranh để bảo vệ TH Việt Nam trên thị trường thế giới chưa hết gian nan mà một trong những nguyên nhân là do ta thường bán hàng qua trung gian. Do đó, các bộ, ngành, cộng đồng DN cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, đổi mới chỉ đạo, điều hành trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ TH để thích ứng với yêu cầu mới, ưu tiên các DN đã đạt TH quốc gia. Hỗ trợ phát triển mạng lưới phân phối sản phẩm, nhất là những sản phẩm đạt TH quốc gia, giúp DN nâng cao năng lực tiếp cận thị trường xuất khẩu, mở rộng thị phần trong nước, mở rộng hợp tác quốc tế về TH để được hỗ trợ kỹ thuật, tài lực, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ TH…

VÕ HƯƠNG

Chia sẻ