Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Được nghe tin buồn, tôi lặng lẽ tìm đến căn nhà 6B, đường Đinh Bộ Lĩnh, phường Phú Cường. Lần này, chủ nhân của căn nhà ấy - ông Nguyễn Hậu Tài, một vị lão thành cách mạng, đã không thể chào đón tôi bằng câu hỏi quen thuộc: “Đến hẹn lại lên rồi hả cháu?”. Ông đã đi về với thế giới vĩnh hằng, để lại bao niềm thương tiếc.
Những hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ đã từng luôn được ông Nguyễn Hậu Tài sưu tầm, cất giữ cẩn thận suốt mấy chục năm qua (Ảnh chụp nhân dịp Lễ Quốc khánh 2-9-2016) Ảnh: T.THẢO
Sống trên dương gian đến ngoài trăm tuổi, ông Nguyễn Hậu Tài là người đã sống một cuộc đời xuyên thế kỷ với nhiều biến cố lịch sử. Cuộc đời của ông gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất nước, từ quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc đến quá trình bảo vệ, xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp như hôm nay. Ông vốn sinh ra trong một gia đình trung nông, chịu ảnh hưởng của Nho giáo ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Đến năm lên 6, ông đã mồ côi cha. Mẹ ông, một mình vất vả nuôi các con khôn lớn. Do hoàn cảnh khó khăn nên từ nhỏ ông đã tìm việc làm để nuôi sống bản thân.
Ở Bình Dương, có lẽ ai cũng biết đến ông, bởi ông chính là nhân chứng sống trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Thủ Dầu Một. Qua những lần gặp ông, tôi thường được nghe ông kể về sự kiện ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Do sắp thua nên Pháp làm rất căng để gia tăng thế mạnh. Trước tình hình đó, tinh thần yêu nước của những người yêu nước Thủ Dầu Một càng lan rộng. Lúc này, bên cạnh lực lượng hoạt động bí mật thì có không ít lực lượng hoạt động công khai, chẳng hạn như Hội Truyền bá quốc ngữ. Thời điểm ấy, ông cùng những người người bạn thân ở Sở Lâm nghiệp Trường Tiến, hàng đêm đứng lớp dạy học. Thông qua đó, còn tuyên truyền kêu gọi đồng bào ủng hộ Việt Minh.
Hôm nay, những lời kể chuyện của ông vẫn còn văng vẳng bên tôi: Vào rạng sáng ngày 25-8-1945, cuộc biểu dương lực lượng của hơn 5 vạn quần chúng nhân dân kéo về Nhà việc Phú Cường dự mít tinh, giành chính quyền. Rừng cờ đỏ sao vàng bay dọc theo 2 phố chợ, mọi người hô vang khẩu hiệu “Chính quyền về tay Việt Minh”, “Việt Nam độc lập muôn năm, đả đảo chính quyền Nguyễn Văn Sâm”… Tại cuộc mít tinh, đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Trưởng ban khởi nghĩa tỉnh Thủ Dầu Một đọc diễn văn, nêu rõ ý nghĩa cuộc nổi dậy giành chính quyền của nhân dân Thủ Dầu Một: “Từ nay xóa bỏ chính quyền do phát xít Nhật đã dựng lên, lập ra chính quyền của giai cấp công - nông”... Với ông Nguyễn Hậu Tài, ngày 25-8-1945 luôn là ngày rất đỗi thiêng liêng, đã đi theo ông đến cuối cuộc đời.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ông đã trải qua biết bao hiểm nguy, biết bao lần rơi vào tay giặc, trải qua biết bao lần tra tấn dã man. Lần cuối cùng tôi gặp ông là vào dịp lễ Quốc khánh 2-9-2016, ông nói với tôi rằng: “Năm nay, ông 101 tuổi. Ông đã sống xuyên thế kỷ. Từ một đứa trẻ mồ côi cha, được mẹ nuôi nấng cho ăn học thành người, lớn lên theo cách mạng đuổi giặc cứu nước. Bao nhiêu lần bị địch bắt, tù đày, tra tấn dã man. Nhưng ông đã may mắn thoát chết, tất cả là nhờ áp dụng câu danh ngôn “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để vững tinh thần vượt lên tất cả. Và đến hôm nay, với 69 năm tuổi Đảng (ông Nguyễn Hậu Tài đã được trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cách đây không lâu - P.V), cả cuộc đời theo cách mạng, ông chưa sai phạm một kỷ luật nào dù là nhỏ nhất”.
Bao nhiêu năm qua, cứ vào ngày 2-9, ngôi nhà nhỏ của ông Nguyễn Hậu Tài lại nhộn nhịp người ra vào, nhất là các bạn trẻ. Đó là vì ông thường tổ chức đám giỗ Bác Hồ. Ông Hậu Tài từng tâm sự: “Theo văn hóa của dân tộc Việt Nam thờ tổ tiên, ông xem Bác Hồ như người cha nên vẫn theo phong tục hàng năm làm đám giỗ để tưởng nhớ. Bác Hồ là người có đức, có tài lớn lao như biển trời và luôn gần gũi với nhân dân. Vì vậy, ông luôn xem Bác Hồ như một thánh nhân”.
Ông từng bảo, trong suốt cuộc đời tham gia cách mạng, điều mà ông vẫn thấy vui sướng nhất chính là 2 lần được gặp Bác Hồ. Trong 21 năm học tập, công tác ở miền Bắc, ông may mắn được 2 lần gặp Bác Hồ. Một lần là khi Bác Hồ về thăm trường Bổ túc Văn hóa Công Nông. Thời đó, trường này dạy bậc đại học cho cán bộ và thanh niên con em cán bộ ở cả 2 miền Nam - Bắc, tạo nguồn nhân lực để trở vào Nam công tác khi đất nước thống nhất. Ngày đó, Bác Hồ đến trường động viên cán bộ miền Nam cố gắng học tập. Lúc ấy, Bác Hồ căn dặn, các anh em phải nhớ nhiệm vụ học tập là để xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, dù hoàn cảnh khó khăn nào cũng phải vượt qua, khó khăn nào cũng không chùn bước. Ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ, bản thân ông luôn cố gắng học tập, hoàn thành khóa học. Còn lần thứ hai, ông Nguyễn Hậu Tài được gặp Bác Hồ là vào năm 1965. Khi ấy, ông đang làm việc ở Bộ Nông nghiệp có trụ sở gần Phủ Chủ tịch - nơi Bác Hồ ở. Trong một lần, Phủ Chủ tịch chiếu bộ phim “Khi đàn sếu bay qua” do Liên Xô sản xuất cho Bác Hồ xem. Nhớ đến cán bộ miền Nam, Bác Hồ đã cho người mời cán bộ miền Nam đến xem cùng. Tôi vẫn nhớ giọng ông Nguyễn Hậu Tài xúc động kể: “Khi ấy, được ngồi rất gần Bác Hồ, vì vậy xem phim thì ít mà nhìn Bác Hồ thì nhiều. Ông thấy ở Bác toát lên dáng vẻ của một trí tuệ lớn và lòng nhân hậu, bác ái bao la. Dù Bác đã đi xa, nhưng trong lòng ông, Bác Hồ luôn là một vị cha già kính yêu. Với tất cả lòng thành kính, hình ảnh Bác mãi mãi ở trong tim ông…”.
Những câu chuyện cách mạng hào hùng của quân và dân Thủ Dầu Một trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước mà ông kể như vẫn còn bên tai tôi. Vậy mà giờ đây, ông Nguyễn Hậu Tài đã về với thế giới vĩnh hằng, để lại bao niềm tiếc thương cho những người đang sống...
THU THẢO