Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
“A Cat in Paris” (Một chú mèo tại Paris), ứng cử viên cho giải thưởng Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar ngày 26-2 tới, là bộ phim hoạt hình được làm theo thể loại “phim noir” (phim xã hội đen). Tác phẩm này một lần nữa khẳng định tầm vóc của các xưởng phim hoạt hình Pháp trong cuộc đối đầu với những người khổng lồ ở Hollywood.
Toàn bộ các cảnh trong "A Cat in Paris" đều được vẽ bằng tay Bộ phim giật gân có vốn đầu tư thấp – với tên gốc tiếng Pháp là is "Une Viede Chat" – là phim hoạt hình thứ tư của Pháp cạnh tranh tại giải Oscar những năm gần đây, tiếp nối “Persepolis"do Pháp và Iran hợp tác.
Được thực hiện bởi bộ đôi từng hợp tác lâu năm Alain Gagnol (44 tuổi) và Jean-Loup Felicioli (51 tuổi), bộ phim kể về cuộc sống hai mặt của một chú mèo tại Paris, khi ban ngày chú ở cùng một cô bé và người mẹ cảnh sát của cô – còn ban đêm là thời gian chú đi cùng một tên trộm.
Với màu sắc sống động và những nét vẽ bằng tay mượt mà, bộ phim chủ yếu hướng tới trẻ em. Nhưng theo nhà sản xuất Jacques-Remy Girerd, phim còn có dụng ý chạm tới những tầng cao hơn của cuộc sống.
“Chúng tôi muốn làm một bộ phim dành cho những người trẻ - bởi rất khó để người ta cấp vốn cho một bộ phim hoạt hình chỉ nhắm vào người lớn,” Girerd, người sáng lập ra xưởng phim Folimage tại Đông Nam nước Pháp, cho biết.
Girerd nói rằng để hướng tới đối tượng thiếu nhi, nhà sản xuất đã phải kiềm chế những cảnh máu me sở trường của tác giả Gagnol, người từng vẽ một số cuốn truyện tranh giật gân.
“Ban đầu Alain cứ làm việc theo bản năng. Ngay từ cảnh đầu tiên đã có một vụ tự tử với máu vương vãi khắp nơi. Chúng tôi đã phải điều chỉnh lại cảnh đó,” ông nói.
Tuy vậy, những khán giả lớn tuổi hơn vẫn sẽ cảm thấy thích thú khi bộ phim có nhiều cảnh gợi nhớ tới những tác phẩm điện ảnh kinh điển – từ phim của Martin Scorsese cho tới của Quentin Tarantino, và thậm chí cả một cảnh chạy trốn được vay mượn từ tác phẩm nổi tiếng năm 1955, “The Night of the Hunter."
Kết quả, theo như tờ Hollywood Reporter nhận xét, thì “A Cat in Paris” là một “tác phẩm đầy phong cách, thú vị, như thể được hóa phép mà không hề cần tới sự trợ giúp của quảng cáo hay kính 3D.”
Phong cách hoạt hình châu Âu
Bộ phim có ngân sách rất thấp – thậm chí còn ít hơn con số 4 triệu euro so với mức trung bình của dòng phim này. Toàn bộ cảnh phim đều được vẽ tay, biến “A Cat in Paris” trở nên khác biệt so với những bộ phim hoạt hình Mỹ ngày càng hướng về sự sống động với hình ảnh 3D, Felicioli cho biết.
“Ở châu Âu, chúng tôi bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi truyện tranh và những lời dẫn truyện hơn là Mỹ, nơi mà người ta chủ yếu tập trung vào sự sống động,” nghệ sĩ chuyên về hội họa và điêu khắc Felicioli nói.
“Chúng tôi thực hiện mọi bức vẽ bằng tay bởi chúng tôi không tìm kiếm sự chi tiết mà là sự hoàn hảo trong những bức vẽ.”
“Tôi có cảm giác rằng mọi bộ phim Mỹ đều đang đi theo một hướng,” Felicioli nói thêm. “Chúng đều thật sự tuyệt vời, chúng đều hoàn hảo, thậm chí còn hơi quá mức, và tôi cho rằng sẽ đến một lúc nào đó khán giả sẽ trở nên phát ngán.”
“A Cat in Paris” đã thu hút hơn nửa triệu lượt người xem tại Pháp và được phát hành tại 30 nước khác. Bộ phim là cái tên mới nhất nối gót thành công của những đàn anh cũng đến từ các xưởng phim hoạt hình Pháp trong thập niên vừa qua.
Girerd kể rằng, trước những năm 2000, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như hiện tượng “King and the Mockingbird" năm 1980, hay các phim hoạt hình chuyển thể từ cuốn truyện tranh nổi tiếng như “Asterix,” hầu hết các bộ phim hoạt hình Pháp đều thất bại khi đem ra ngoài nước.
Song điều này thay đổi với thành công bất ngờ của bộ phim "Kirikou and the Sorceress” do Michel Ocelot đạo diễn, một tác phẩm đã làm tái sinh cả nền điện ảnh hoạt họa Pháp.
“Nó đã làm những nhà sản xuất nhận ra rằng đã có một sự hồi sinh, rằng khán giả đang dần quay trở lại các rạp chiếu,” ông nói. “Và từ đó những dự án phim hoạt hình được tăng lên dần theo cấp số nhân.”
Trong thập niên vừa qua, đã có tổng cộng ba bộ phim Pháp được đề cử cho giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại giải Oscar, với "The Triplets of Belleville" năm 2001, "Persepolis" năm 2008 và "The Illusionist" năm 2011. Trong giải phim hoạt hình ngắn hay nhất, tác phẩm "Logorama" của Pháp đã đoạt giải năm 2010.
Không hề giống với các nền điện ảnh khác, ví dụ như Nhật Bản nơi các bộ phim được sản xuất bởi xưởng phim Ghibli và đều có một phong cách thẩm mỹ giống nhau, phim hoạt hình Pháp không có một “phong cách Pháp” riêng nào cả, người đứng đầu hiệp hội phim hoạt hình Pháp Denis Walgenwitz khẳng định.
“Đây là điểm mạnh của chúng tôi, song nó cũng làm bộ phim khó được bán ra nước ngoài hơn,” ông cho biết.
Tuy nhiên, mọi thứ rõ ràng đã sáng sủa hơn 15 năm trước rất nhiều: Pháp hiện là nước sản xuất phim hoạt hình lớn thứ ba thế giới, chỉ đứng sau Mỹ và Nhật Bản, theo một nghiên cứu công bố hồi tháng 6/2011 bởi hãng quảng cáo UniFrance.
Từ khoảng năm 2000 cho tới 2010, các xưởng phim hoạt hình đã sản xuất tổng cộng 65 bộ phim, so với chỉ sáu tác phẩm trong nửa cuối thập niên 90. Hầu hết trong số đó đều đã được đưa ra thị trường quốc tế và có doanh thu cao hơn các bộ phim thông thường.
Và giờ, tất cả đều đang chờ đợi “A Cat in Paris” một lần nữa sẽ làm nức lòng công chúng yêu điện ảnh Pháp tại lễ trao giải Oscar sắp tới.
5 bộ phim được đề cử giải Phim hoạt hình hay nhất tại giải Oscar 2012 gồm:
- A Cat in Paris - Pháp - đạo diễn Alain Gagnot và Jean-Loup Felicioli
- Chico & Rita - Tây Ban Nha - Fernando Trueba và Javier Mariscal
- Kung Fu Panda - Mỹ - Jennifer Yuh Nelson
- Puss in Boots - Mỹ - Chris Miller
- Rango - Mỹ - Gore Verbinski
Theo TTXVN