Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
“Pháp sư” phẫu thuật là biệt danh mà nhiều bệnh nhân điều trị tại khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh dành gọi cho bác sĩ (BS) Võ Thái Trung. Với bàn tay phẫu thuật tài tình của mình, BS Võ Thái Trung đã nhiều lần cứu sống những ca bệnh mấp mé cửa tử, giành giật sự sống người bệnh từ bàn tay thần chết.
BS Võ Thái Trung thăm khám cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật
Ca cấy ghép tạm thời chân bị đứt lìa
Sau vài lần hẹn qua điện thoại bất thành, chúng tôi đích thân đến khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh để gặp bác sĩ Chuyên khoa II Võ Thái Trung. Khoa chấn thương chỉnh hình đông nghẹt bệnh nhân, mỗi ngày khoa tiếp nhận hàng trăm trường hợp. Trong hoàn cảnh đó, dù làm việc với cường độ cao, đầy áp lực nhưng phong cách của BS Võ Thái Trung thì vẫn điềm tĩnh, thân thiện, không lẫn vào đâu.
Với nụ cười hiền lành quen thuộc, BS Võ Thái Trung khá kiệm lời khi nói về mình. Chúng tôi đề cập tới bằng khen mà anh được lãnh đạo tỉnh tặng đột xuất trong thực hiện ca vi phẫu thuật ghép cẳng chân đầu tiên tại Bình Dương kéo dài 15 giờ, BS Trung chỉ cười hiền: “Khi được đề xuất nhận bằng khen, tôi khá ngần ngại. Tôi nghĩ, tại bệnh viện, tất cả cán bộ, nhân viên y tế ở mọi vị trí, mọi vai trò khác nhau đều rất xuất sắc. Họ đã vất vả, hy sinh vì người bệnh rất nhiều. Và tôi chỉ là một trong số đó”.
Dứt lời, anh đi đến giường bệnh, nhẹ nhàng đẩy mũi tiêm cho bệnh nhân đang nằm trên băng ca rồi hài hước nói: “Thủ trưởng này khó tính lắm”. Anh gọi bệnh nhân là thủ trưởng còn mình là người phục vụ bởi theo anh “mọi bệnh nhân đều có tâm lý căng thẳng, xưng hô như vậy để người bệnh được thoải mái điều trị”. Vì vậy, bệnh nhân chờ anh đến khám rất đông và luôn hiểu rằng ngoài những viên thuốc đắng được kê toa, họ còn nhận được ở anh liều thuốc tinh thần, sự tế nhị trong cách trao đổi tình hình sức khỏe kèm lời động viên, dặn dò ân cần ngọt ngào.
Với tâm niệm: “Chữa bệnh cứu người là mục tiêu, là lẽ sống của cả đời mình” nên anh dành hết thời gian cho những ca phẫu thuật kéo dài hàng giờ mà khi xong việc, cuốc bộ từ phòng mổ bệnh viện về căn nhà thuê thì đồng hồ đã điểm 4 giờ sáng.
Anh hồ hởi chia sẻ trong niềm vui: “Chúng tôi tiễn đưa năm cũ và đón năm mới bằng một thành tựu của y học, nói cụ thể hơn đó là thành quả đạt được trong lĩnh vực vi phẫu - tạo hình. Cấy ghép tạm thời phần chân đứt lìa trên một bộ phận khác của cơ thể để nuôi sống trong tình huống chưa thể nối ghép. Đây là một kỹ thuật tuyệt vời, nuôi ghép tạm thời phần chân phải bị đứt lìa vào chân trái của bệnh nhân, chờ phần mỏm cụt bên chân phải phục hồi sẽ tiến hành thêm một ca phẫu thuật nối ghép trở lại”.
Theo anh, kỹ thuật này khá phức tạp nhưng giúp người bệnh không phải trải qua ca mổ nặng nề kéo dài trong tình trạng nguy kịch, có thể dẫn đến mất quá nhiều máu hay rối loạn đông máu, suy đa cơ quan dẫn đến tử vong. Đặc biệt, nó cho phép người bệnh có thêm cơ hội giữ được tay, chân đứt lìa còn khá nguyên vẹn mà không có cách nào bảo quản phần đứt lìa trong nhiều tháng. Kỹ thuật này cũng tránh tình trạng nhiễm trùng huyết khối gây tắc mạch khi nối chi dập nát, nguyên nhân dẫn đến hoại tử chi nối, buộc phải tháo bỏ. Thành công kỹ thuật cấy ghép tạm thời phần chân đứt lìa mang lại nhiều hy vọng và mở ra nhiều ứng dụng trong lĩnh vực vi phẫu - tạo hình cho ngành y tế Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.
Phẫu thuật cho bệnh nhân bị đứt lìa mũi
Đó là câu chuyện của anh N.P.S bị đứt lìa mũi trong một lần bị tai nạn giao thông. Sau khi bị tai nạn, anh S. đã được bệnh viện tuyến huyện sơ cứu và khâu lại phần mũi đã đứt lìa. Mũi đã được khâu dính lại nhưng anh S. chẳng dám ra khỏi nhà bởi cái mũi sưng vù, tím đen, chảy dịch. Bà con trong xóm xa lánh, anh S. tìm đến BS Võ Thái Trung và được giải thích “Mũi chỉ có thể phục hồi sau tai nạn 3-5 giờ. Mũi của anh để quá lâu, đã hoại tử nặng nên chỉ còn cách cắt bỏ”.
BS vừa dứt lời, anh S. chạy ra ngoài hành lang bệnh viện, òa khóc như một đứa trẻ, nghĩ đến cảnh tượng gương mặt không có mũi giống y như một người dị dạng. Chính những giọt nước mắt ấy đã làm BS Trung trăn trở, dằn vặt và đến quyết định là sẽ “nối” mũi cho anh S. Cuối cùng, ca phẫu thuật tái tạo mũi bằng vạt da trán của anh S. đã diễn ra thành công.
Nhớ lại ca phẫu thuật này, BS Võ Thái Trung chia sẻ: “Từ trước tới nay bệnh viện chưa hề gặp trường hợp như anh S. Nhưng còn nước còn tát, tôi và ê kíp đã mạnh dạn phẫu thuật tái tạo mũi cho anh S. Ca phẫu thuật được chuẩn bị kỹ càng, chu đáo. Tôi và BS Mai Hàn Giang (khoa tai mũi họng) cầm dao mổ chính, sử dụng miếng sụn nhân tạo có hình chóp mũi và lỗ mũi hai bên khớp với phần mũi bị hoại tử, sau đó tách lấy vạt da trán có cuống mạch máu nuôi, xoay 180 độ phủ kín chóp mũi và lỗ mũi hai bên. Ca phẫu thuật kéo dài trên 3 tiếng đồng hồ, mọi thao tác đều thực hiện tỉ mỉ, chính xác từng milimet”. Sau phẫu thuật 4 tuần, mũi anh S. hồng hào, cân xứng với khuôn mặt, mọi người bắt tay chúc mừng. Anh S. không còn mặc cảm, tự ti vì khuôn mặt dị dạng của mình. Trong khi đó vợ con của anh rất vui sướng và hạnh phúc.
Có rất nhiều câu chuyện về BS Trung nhưng để hình thành nên phong cách, y đức trong anh, đó chính là sự gắn bó sâu sắc với người bệnh. Anh từng trải lòng: “Chúng tôi đánh dấu cột mốc lịch sử phẫu thuật điều trị cho người bệnh Bình Dương trong lĩnh vực phẫu thuật ung bướu - tạo hình khi thực hiện kỹ thuật cắt bỏ 1/2 khuôn mặt và đầu để bóc khối u rất lớn làm biến dạng khuôn mặt bệnh nhân. Chúng tôi cố gắng thực hiện ca mổ với hy vọng bệnh nhân sẽ kịp hồi phục để đón tết cổ truyền. Với chúng tôi, đó là thách thức, là nỗ lực. Còn với bệnh nhân, đó là hy vọng, là niềm tin. Ê kíp trải qua nhiều giờ cân não cắt bỏ phần khối u bên ngoài, lấy khối u nằm trong hộp sọ, sử dụng vật liệu ghép để đóng kín vết thương thông giữa não lên mặt. Nếu tình trạng sức khỏe bệnh nhân tốt thì chúng tôi có thể tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ khuôn mặt cho bệnh nhân”.
Kết quả ca mổ là niềm vui vỡ òa khi khối u đã bị cắt bỏ hoàn toàn, bệnh nhân trở về gia đình với gương mặt mới, tinh tươm. Cả xóm đến xem, chúc mừng đông như hội, còn BS Võ Thái Trung lặng lẽ trong phòng mổ suy tư trong cảm xúc: “Suy cho cùng, BS cũng chỉ là kẻ ăn xin đang hành khất, vay trả những mảnh ghép của số phận, nhận được chữ tình của người bệnh, lắp vào con tim còn khuyết của một tấm lòng để gió cuốn đi”.
Nhìn hình ảnh tất bật, cắm cúi bên giường bệnh của anh và những cặp mắt mong mỏi của bệnh nhân, tôi bỗng nhớ tới những vần thơ trong bài “Trái tim người thầy thuốc” của tác giả Thu Hương: “Trắng tinh màu áo của thầy/ Trái tim nhân hậu đêm ngày tỏa hương/Giúp người đi tiếp trên đường/Lương y - từ mẫu khiêm nhường hành trang/ Trái tim bừng sắc hoa hồng/ Trái tim thầy thuốc mênh mông tình người”.
Sinh năm 1982, sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y, Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh, năm 2013, BS Võ Thái Trung về công tác tại khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bằng niềm đam mê y học, BS Võ Thái Trung nhanh chóng khẳng định được uy tín, vị thế của mình trong nghề. Năm 2015, BS Võ Thái Trung vinh dự được bầu vào Ban Chấp hành Hội Chỉnh hình nhi TP.Hồ Chí Minh và có bài báo được đăng trên Tạp chí Vết thương châu Á. Năm 2023, anh vinh dự được lãnh đạo tỉnh tặng bằng khen đột xuất việc thực hiện ca vi phẫu thuật ghép cẳng chân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hiện BS Võ Thái Trung là BS chuyên khoa II, Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
HOÀNG LINH