| 29-09-2020 | 07:41:12

Phát huy công năng, lợi ích đấu nối hạ tầng thoát nước thải sinh hoạt

Nhà máy Xử lý nước thải Dĩ An thuộc tiểu dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An, một phần trong Dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương, có tổng mức đầu tư hơn 115 triệu đô la Mỹ. Nhà máy chính thức hoạt động từ tháng 11-2018. Để phát huy công năng, lợi ích, nhà máy đang phối hợp tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia đấu nối vào hệ thống.

 Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại Nhà máy Xử lý nước thải Dĩ An, TP.Dĩ An

Bảo đảm đạt quy chuẩn

Hiện công suất vận hành của nhà máy khoảng 8.500 - 9.000m3/ngày, đêm, đạt 42,5 - 45% công suất thiết kế (20.000m3/ngày, đêm). Nước thải sau xử lý đạt QCVN 14:2008/BTNMT (cột A) trước khi thải ra môi trường. Mạng lưới thu gom nước thải sinh hoạt khu vực Dĩ An có phạm vi thu gom nằm trên địa bàn 4 phường: Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Đông Hòa, An Bình và khu phố Tân Phú 1 (phường Tân Bình) với tổng cộng 25.969 hộp đấu nối, 183km đường ống các loại. Tính đến ngày 31-8-2020, trên địa bàn TP.Dĩ An có 2.657 hộ tham gia đấu nối nước thải sinh hoạt (trong đó có 2.167 hộ gia đình và 490 hộ dịch vụ), tỷ lệ đấu nối chiếm 10,23%. Trung bình mỗi tháng có từ 80 - 100 hộ đăng ký. Trong đó, phường Đông Hòa có tỷ lệ đấu nối đạt 14,06%, cao nhất thành phố.

Bà Nguyễn Ngọc Diễm, Phó Giám đốc Nhà máy Xử lý nước thải Dĩ An, cho biết: “Hiện nhà máy sử dụng công nghệ ASPR - xử lý nước thải sinh hoạt bùn hoạt tính. Trước khi nước thải được xả ra môi trường sẽ được xử lý khử trùng bằng hệ thống UV, không có tạp dư hóa chất, đạt quy chuẩn 14 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rất thân thiện với môi trường. Bên canh đó, trong quá trình xử lý có các thiết bị online để giám sát xử lý nước thải 24/24 giờ, vận hành tự động và bán tự động, có sự giám sát của Sở Tài nguyên và Môi trường”.

Chung tay bảo vệ nguồn nước

Hiện nay, tỷ lệ đấu nước thải trên địa bàn thành phố còn thấp, nước thải sinh hoạt của các hộ dân đang xả thẳng kênh rạch, cống, suối. Việc thải trực tiếp ra môi trường sẽ làm ô nhiễm, gây nguy hiểm trực tiếp, hàng ngày và khó khắc phục. Nước thải bẩn gây ra nhiều tác hại như nguồn nước bị ô nhiễm, đất ô nhiễm, cá chết, rau nhiễm bẩn, không có nguồn nước sạch, không có thực phẩm sạch để sử dụng.

 Phòng xét nghiệm mẫu nước

Bà Nguyễn Ngọc Diễm cho biết: “Khi đấu nối nước thải, người dân đã tham gia vào công tác cải thiện môi trường nước. Đấu nối hạ tầng thoát nước thải sinh hoạt sẽ làm giảm nguy cơ bệnh tật. Nước thải được thu gom trực tiếp vào hệ thống nên không cần phải xây hầm tự hoại, không tốn chi phí hút hầm tự hoại. Tham gia đấu nối hạ tầng thoát nước thải sinh hoạt chính là góp phần bảo vệ môi trường sống, bảo vệ nguồn nước ngầm, nước mặt và các sinh vật dưới nước, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm mỹ quan đô thị”.

Bà Phan Hoài Trang, người dân phường Đông Hòa, TP.Dĩ An, cho biết: “Ngày trước, nước thải sinh hoạt đều chảy xuống hầm cầu do gia đình đào. Mỗi khi hầm cầu đầy, không chỉ gây tắc nghẽn sự thoát nước thải mà còn gây mùi hôi, ảnh hưởng đến sinh hoạt trong gia đình. Từ khi được phường và nhà máy xử lý nước thải tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình tôi đăng ký đấu nối nước thải. Tôi nhận thấy đây là hoạt động mang lại lợi ích cho đời sống người dân trong sinh hoạt, góp phần chung tay bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân”.

Tăng cường tuyên truyền

Hiện nay, tỷ lệ thu gom, đấu nối nước thải sinh hoạt tại TP.Dĩ An vẫn còn thấp. Nguyên nhân do hệ thống thu gom nước thải là hệ thống thoát nước riêng (chỉ thu gom nước thải, không thu gom nước mưa, đấu nối trực tiếp, bỏ qua hầm tự hoại) còn khá mới mẻ đối với người dân. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về hệ thống thu gom nước thải riêng và công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế nên vận động đấu nối rất khó khăn, cần thêm thời gian vận động. Ngoài ra, người dân đã xây nhà kiên cố nên e ngại đào bới trong nhà, ảnh hưởng đến sinh hoạt, buôn bán. Đồng thời chi phí đấu nối cao, không có gạch lát nền cùng loại để hoàn trả mặt bằng sẽ gây mất mỹ quan nhà người dân.

Bà Nguyễn Ngọc Diễm cho biết: “Mạng lưới thu gom nước thải chỉ thu gom nước thải, không thu nước mưa. Trong thời gian qua, các tuyến hẻm bị ngập do mưa (đa số các tuyến này không có hệ thống thoát nước mưa), một số người dân đã tự ý mở nắp hố gas thu gom nước thải làm cho nước mưa lẫn rác, cát, đất đá rơi vào hệ thống gây tắc nghẽn, nước thải tràn lên đường, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông”.

“Để phát huy công năng, lợi ích từ công trình này, Nhà máy Xử lý nước thải Dĩ An đang phối hợp cùng các phường tăng cường tuyên truyền vận động người dân tham gia đấu nối vào hệ thống, cũng như thực hiện thủ tục, hồ sơ đăng ký nhanh chóng, hỗ trợ thi công cho người dân và bảo trì tốt hệ thống sau khi đấu nối. Chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường và đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý. Đơn vị đã kiến nghị khi cấp phép xây dựng thì yêu cầu hộ dân đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom (nếu hộ dân nằm trong vùng mạng lưới có hệ thống thu gom nước thải) và xây dựng nguồn kinh phí hỗ trợ đấu nối cho người dân”, bà Diễm cho biết thêm.

 Ông Trần Chiến Công, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương, đại diện Ban Quản lý dự án, cho biết: “Nước thải sinh hoạt thu gom về nhà máy được trung tâm giám sát, tự động khử mùi, khử trùng với công nghệ hiện đại, bảo đảm nước đã qua xử lý đạt chuẩn A trước khi xả ra môi trường, góp phần tích cực, hiệu quả vào việc giữ an toàn cho nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai.

 PHƯƠNG AN  

Chia sẻ