Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Thời gian qua, kinh tế nông thôn huyện Bắc Tân Uyên có bước tăng trưởng nhanh, sản xuất nông nghiệp hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị được hình thành và phát triển. Là địa phương có nhiều tiềm năng về nguồn nông sản, huyện đã lựa chọn những sản phẩm có lợi thế để phát triển thành sản phẩm OCOP giúp nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Huyện khai thác lợi thế địa phương phát triển sản phẩm OCOP. Trong ảnh: Sản phẩm quýt đường hộ ông Lâm Thành Thanh đạt OCOP 3 sao
Gia tăng giá trị
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ và du lịch nông thôn. Bám sát mục tiêu đó, thời gian qua UBND huyện đã triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp quan trọng để thực hiện chương trình.
Đến nay, trên địa bàn huyện có 40 sản phẩm được công nhận, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 37 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm được công nhận chủ yếu là cam, bưởi, quýt, dưa lưới, mít ruột đỏ, nấm bào ngư, cà phê rang xay, đậu đen lòng xanh, muối tiêu... Lãnh đạo huyện Bắc Tân Uyên cho biết thời gian qua, huyện đã tập trung phát triển các sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguồn nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa. Đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.
Theo đó, trên địa bàn các xã như Hiếu Liêm, Tân Định đã khai thác thế mạnh để phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, sản phẩm cây ăn trái có múi như quýt, cam, bưởi. Nhiều chủ thể không ngừng sáng tạo, phát triển mở rộng sản phẩm OCOP đáp ứng tốt nhu cầu thị trường như muối tiêu lốp của Hợp tác xã (HTX) Cây ăn trái Tân Mỹ (xã Tân Mỹ); hồ tiêu của trang trại Nốt Sol (xã Hiếu Liêm); mít ruột đỏ của trang trại Vũ Tăng (xã Đất Cuốc)...
Theo ông Mai Đức Quý, Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm, hiện xã có 1 sản phẩm OCOP 4 sao, đang vận động các chủ thể đạt OCOP 3 sao nâng cấp lên 4 sao. Ông Lâm Thành Thanh, hộ kinh doanh cây ăn trái có múi ấp Cây Dừng, xã Hiếu Liêm, chia sẻ: “Sản phẩm đạt OCOP góp phần nâng cao thương hiệu và khẳng định chất lượng sản phẩm. Các chủ thể được chứng nhận OCOP mong muốn nhận được sự đầu tư, sự hỗ trợ về bảo hộ logo, nâng cấp bao bì, truy xuất nguồn gốc, mã tem, mã vạch, mã vùng trồng, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ... nhằm giúp cho thương hiệu, sản phẩm của các chủ thể tiêu thụ thuận lợi hơn”.
Chinh phục thị trường
Phong trào xây dựng sản phẩm OCOP được lan tỏa khắp các xã nông thôn, từ hộ sản xuất, kinh doanh, các trang trại đến các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Lâm Thành Thanh cho biết năm 2023, trang trại gia đình có 2 sản phẩm (cam xoàn và quýt đường) được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao. Thông qua việc xây dựng thương hiệu, củng cố niềm tin của người tiêu dùng, giá cả ổn định để tạo thu nhập bền vững.
HTX Cây ăn trái Tân Mỹ là một điển hình cho sự sáng tạo, không ngừng đổi mới mở rộng sản phẩm, mở rộng thị trường để phát triển kinh tế thành viên, nâng cao thu nhập cho người lao động. Năm 2021, sản phẩm bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn 4 sao, sản phẩm bưởi đường lá cam và dưa lưới đạt tiêu chuẩn 3 sao. Năm 2023, sản phẩm mới muối tiêu lốp và dưa kim Hồng Ngọc của HTX tự hào đạt tiêu chuẩn 3 sao. Ông Lê Minh Sang, Giám đốc HTX, chia sẻ sản phẩm muối tiêu lốp là kết quả của một năm dày công đi tìm nguyên liệu, công thức, đầu tư dây chuyền sản xuất và tìm kiếm thị trường. Đến nay, thị trường muối tiêu lốp đã có mặt tại các cửa hàng, tạp hóa, kênh phân phối hiện đại và các đại lý ở các tỉnh, thành.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết huyện tập trung các giải pháp như đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm. Xây dựng hệ thống phân phối phù hợp, phát triển các kênh thương mại điện tử, từng bước thiết lập hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP riêng gắn với các sản phẩm quà tặng... Huyện phấn đấu đến năm 2025, có 50 sản phẩm trở lên được công nhận tiêu chuẩn từ 3 sao, ít nhất 10% sản phẩm đạt từ 4 sao. 50% sản phẩm OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại. 50% số lượng sản phẩm OCOP được hỗ trợ, nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm (tem nhãn, bao bì, xúc tiến thương mại...).
HẠNH NHI - PHƯƠNG THANH