Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Gần 20 người chết, gần 400 người bị thương cùng những thiệt hại nặng nề khó có thể thống kê chính xác được về cơ sở vật chất… là những hậu quả để lại trên mảnh đất miền Trung khi cơn bão số 10 đi qua. Hai tuần gần đây, trong khi người dân miền Trung kiên cường đã và đang nén đau thương, nuốt nước mắt vào lòng để khắc phục hậu quả của cơn bão số 10 thì một lần nữa lại bị vùi dập tơi bời bởi cơn bão số 11.
Không thể thống kê đầy đủ thiệt hại do cơn bão số 10 nhưng chỉ riêng về hệ thống cơ sở vật chất, công trình giao thông, thủy lợi ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế sơ bộ đã thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Và Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh là những địa phương bị thiệt hại nhiều nhất; trong đó riêng tỉnh Quảng Bình có gần 350 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn, trên 150.000 ngôi nhà bị tốc mái, 12 người chết và gần 340 người bị thương, thiệt hại do bão ước tính gần 8.100 tỷ đồng…
Như thử thách sự chịu đựng của người dân miền Trung, mới đây cơn bão số 11 lại ập vào và gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Huế, Đà Nẵng, Kon Tum... Theo báo cáo mới nhất từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, bão đã làm 9 người chết, l6 người mất tích và 76 người bị thương. Thiệt hại sơ bộ do bão, mưa lũ gây ra tại các tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Bình Định và tỉnh Kon Tum tính đến 20 giờ ngày 16-10 là 548 nhà bị sập, trôi; 11.818 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 1.698 nhà bị ngập; 20 trường học tại Quảng Trị, Quảng Ngãi, Kon Tum bị tốc mái, hư hỏng; nhiều trụ sở cơ quan, bệnh viện bị ngập, hư hỏng…
Đối với ngành nông nghiệp đã có trên 5 ngàn ha cây công nghiệp tại các địa phương Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình bị gãy đổ hoàn toàn; trên 151 ngàn cây ăn quả, cây xanh thiệt hại; 41 tàu thuyền bị chìm trong khu neo đậu, 36 tàu thuyền khác bị hư hỏng. Báo cáo từ các địa phương cho biết, do mưa lớn, tập trung trong một thời gian ngắn, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình đã bị ngập ở nhiều nơi, đặc biệt tỉnh Hà Tĩnh và phía bắc Quảng Bình (thuộc các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch) đã bị ngập nghiêm trọng, nhiều nơi ngập sâu từ 1,5m đến 2m...
Sau 2 cơn bão số 10 và số 11, cuộc sống của hàng triệu người dân trong vùng bão lũ bị thiệt hại, hàng triệu trẻ em, học sinh đang hết sức vất vả, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ che mưa, tránh nắng…; lúa, hoa màu, gia cầm, gia súc mất mát, sản xuất và đời sống gặp nhiều khó khăn chưa thể phục hồi ngay nên rất cần sự giúp đỡ của cả nước. Ngay khi bão số 10 và 11 đi qua, Bình Dương đã thành lập đoàn cứu trợ đến ngay các điểm bị thiệt hại nặng nề nhất để trao tiền, quà, quần áo, thực phẩm… cho người dân nơi đây. Dù không thấm vào đâu so với những thiệt hại, mất mát của bà con nhưng những món quà đó là tất cả tấm lòng của người Bình Dương đối với người dân miền Trung là nạn nhân của thiên tai, bão lũ. Đừng để phải kêu gọi nhiều lần, hơn lúc nào hết lúc này chúng ta hãy phát huy “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” bằng tất cả những gì có thể…
VÕ HƯƠNG