| 28-06-2023 | 09:22:38

Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Làm giàu tri thức, thu hút đầu tư, tiết kiệm chi phí

Thích ứng nhanh với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, đồng thời để thiết lập nền tảng vững chắc cho sự phát triển các khu công nghiệp (KCN) trong thời gian tới, sáng 27-6, Tổng Công ty Becamex IDC và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu tiền khả thi về tiềm năng phát triển của KCN sinh thái (EIP) tại Bình Dương, nghiên cứu tập trung vào KCN - đô thị - dịch vụ Bàu Bàng.

Toàn cảnh hội thảo nghiên cứu, phát triển KCN sinh thái tổ chức tại Bình Dương sáng 27-6

Đi trước, đón đầu

Ngày 28-5-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2022 NĐ-CP “Quy định về quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp”. Nghị định đã định hướng xây dựng khu kinh tế, KCN, KCN - đô thị - dịch vụ, EIP , giảm tiêu hao năng lượng, hạn chế khí phát thải nhà kính, chú trọng trách nhiệm xã hội và được quản trị theo mô hình Chính phủ số.

Bà Nah Yoon Shin, chuyên gia trong lĩnh vực tư nhân của WB, cho biết để hỗ trợ cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển EIP, WB đã khởi xướng một dự án hỗ trợ kỹ thuật. Dự án này nhằm đánh giá tính khả thi của việc phát triển EIP tại các KCN được lựa chọn trên cả nước, với mục tiêu hỗ trợ nâng cao khả năng cạnh tranh về môi trường cho các ngành sản xuất thông qua việc thành lập các EIP . Becamex IDC và Bình Dương được chọn là đối tác chính cho dự án này.

Tại hội thảo, nhóm chuyên gia WB và tư vấn Công ty KPMG (Ấn Độ), đã chia sẻ về kết quả nghiên cứu của dự án trong thời gian qua. Theo đó, những kết quả đạt được đến thời điểm này đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích không chỉ đến cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương, mà còn trực tiếp đến khách hàng, nhà đầu tư tham dự hội thảo, các nhà cung cấp dịch vụ trong các KCN.

Phát biểu tại hội thảo, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết việc thực hiện nghiên cứu tiền khả thi cho các cơ hội triển khai EIP ở huyện Bàu Bàng trong năm nay giữa WB với Becamex IDC, tỉnh hoàn toàn ủng hộ. Tin tưởng sự hợp tác này sẽ mang lại nhiều đóng góp to lớn, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp cho Bình Dương và cả nước theo hướng xanh, thông minh, bền vững. Hội thảo là bước đi quan trọng, tạo nền móng cho những công việc tiếp theo. Bình Dương mong muốn WB tiếp tục đồng hành cùng tỉnh, có các chương trình hợp tác, hỗ trợ tỉnh trong thực hiện các nghiên cứu kế tiếp nhằm cụ thể hóa giải pháp để chuyển đổi các KCN hiện hữu cũng như xây dựng KCN mới theo hướng KCN thông minh - sinh thái, làm tiền đề phát triển rộng khắp toàn tỉnh cũng như mang lại ảnh hưởng tích cực lên các tỉnh thành khác.

Quan trọng và tất yếu

Trong gần 30 năm hình thành và phát triển, các KCN đã đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của Bình Dương, thúc đẩy hình thành, phát triển các khu đô thị và khu dân cư tập trung. Bên cạnh đó, tạo nguồn thu ngân sách đáng kể, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm ngàn lao động, góp phần quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết trong định hướng tiếp tục đổi mới mô hình phát triển của Becamex, KCN thông minh - sinh thái được xem là một trong những hệ sinh thái kiểu mới quan trọng và tất yếu của thời đại nhằm bổ sung cho mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện hữu. Xuất phát từ mong muốn xây dựng KCN thông minh - sinh thái, từ tháng 2-2023 đến nay, Becamex đã đồng hành với WB và tư vấn kỹ thuật Công ty KPMG để thực hiện dự án nghiên cứu tiền khả thi về cơ hội phát triển EIP theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ và theo khung EIP quốc tế cho KCN-ĐT-DV Bàu Bàng.

“Trong thời gian làm việc tương đối ngắn, đội ngũ chuyên môn của WB, KPMG và Becamex IDC đã thực hiện được khối lượng công việc rất lớn, từ những cuộc khảo sát thực tế ở các KCN của Becamex IDC ở Bình Dương, đặc biệt là ở huyện Bàu Bàng. Đội ngũ chuyên môn đã phỏng vấn trực tiếp doanh nghiệp hoạt động trong KCN, trao đổi thông tin các đơn vị cung cấp dịch vụ như điện, nước, viễn thông... để nắm bắt nhu cầu và hiện trạng của các bên, đến việc xử lý tư liệu, dữ liệu thu thập được, đưa ra phân tích, thảo luận và lên kế hoạch để xây dựng một EIP đúng nghĩa trong tương lai”, ông Phạm Ngọc Thuận, cho biết thêm. 

- Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Bình Dương định hướng chuyển đổi các KCN truyền thống sang mô hình KCN thông minh - sinh thái. Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao. Trên tinh thần đó, Bình Dương chú trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành công nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững.
- Bà Nah Yoon Shin, chuyên gia trong lĩnh vực tư nhân của WB: Sự phát triển của EIP ở Bình Dương được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể, bao gồm làm giàu tri thức, thu hút FDI và tiết kiệm chi phí. Bằng cách thiết lập EIP được quốc tế công nhận, Bình Dương không chỉ thu được những hiểu biết có giá trị và giám sát hiệu suất, mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và FDI hàng đầu.
- Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Becamex IDC: Becamex IDC sẽ nâng cấp các KCN hiện hữu trở nên thông minh hơn, giúp doanh nghiệp dễ dàng chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh nhằm gia tăng năng suất lao động. Đối với KCN mới, nhiệm vụ quy hoạch, tính toán ngay từ đầu các giải pháp quản lý thông minh, các tiêu chí sinh thái cũng sẽ được xem xét cụ thể. Điều này góp phần thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, công nghiệp xanh và thân thiện với môi trường, làm tiền đề cho KCN khoa học - công nghệ trong tương lai.

NGỌC THANH

Chia sẻ