Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Sáng qua (6-5), tại tỉnh Đồng Nai, hội nghị phát triển Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam lần đầu tiên được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành, tỉnh, thành trong khu vực. Tại hội nghị, Chính phủ, các bộ, ngành, chuyên gia đều cho rằng, muốn Vùng KTTĐ phía Nam phát triển nhanh, bền vững, là đầu tàu kinh tế của cả nước thì phải thống nhất quan điểm phát triển vùng là phát triển mang tính hữu cơ, liên kết giữa các tỉnh.
Tháo gỡ vướng mắc, tạo xung lực mới để phát triển
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Vùng KTTĐ phía Nam gồm 8 tỉnh, thành (TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang) chiếm 40% GDP của cả nước, thu ngân sách trên 42% tổng thu ngân sách của cả nước và chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, trước thực tế vùng đang đối mặt với khó khăn trong duy trì tăng trưởng khi mà tốc độ tăng của vùng bắt đầu có xu hướng chậm dần, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2018 chỉ ngang bằng tốc độ tăng trưởng của cả nước là 6,61% (giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng gấp 1,5 lần tăng trưởng chung cho cả nước). Tỷ trọng hai ngành mũi nhọn của vùng là công nghiệp-xây dựng và dịch vụ đang giảm dần (năm 2018 ngành công nghiệp giảm 0,52%, ngành dịch vụ giảm 2,88% so với năm 2016).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tổ chức ngày 6-5 tại Đồng Nai. Ảnh: KHÁNH VINH
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn đóng vai trò quan trọng kết nối Bình Dương với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Đối với ngành công nghiệp của vùng chưa có thêm các sản phẩm mới có hàm lượng chất xám, kỹ thuật cao, hàm lượng giá trị gia tăng cao, chiếm tỷ trọng lớn tạo động lực cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp vùng. Trong khi đó, dù tổng kim ngạch xuất khẩu của vùng năm 2018 đạt 199,4 tỷ USD nhưng mức nhập siêu là 0,2 tỷ USD. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của các địa phương trong vùng chưa cao. Cùng với đó, dù số lượng doanh nghiệp trong vùng đứng đầu cả nước nhưng quy mô vốn đăng ký bình quân còn thấp, 11,2 tỷ đồng/doanh nghiệp (vùng đồng bằng sông Hồng là 13 tỷ đồng/ doanh nghiệp); tốc độ thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và quy mô dự án FDI giảm dần, chất lượng nguồn nhân lực dù được cải thiện nhưng vẫn chậm so với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Vùng KTTĐ phía Nam cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn cần sớm được khắc phục. Cụ thể, việc thực hiện mục tiêu đi đầu trong phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ tiên tiến, nhất là các ngành sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất phần mềm, phát triển công nghệ cao, đầu tư cho nghiên cứu phát triển, phát triển các dịch vụ thương mại, logistics, viễn thông… có chất lượng, hiệu quả và cạnh tranh quốc tế còn chưa đạt kết quả như mong muốn, chưa rõ nét. Sự phát triển giữa các địa phương trong vùng còn có sự chênh lệch cao, đặc biệt là hệ thống hạ tầng, dịch vụ… dẫn đến xu hướng dịch chuyển dân cư về các đô thị trung tâm, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh, đã tạo áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng đô thị, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của vùng TP.Hồ Chí Minh.
Phát triển cơ chế, chính sách vùng
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, với mức tăng trưởng cao, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, TP.Hồ Chí Minh là “đầu tàu của đầu tàu, động lực của động lực phát triển đất nước” là điều không thể bàn cãi. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung, Vùng KTTĐ phía Nam cũng đang đối mặt với rủi ro suy giảm và duy trì vai trò đầu tàu tăng trưởng, nhất là bảo đảm tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn.
Để làm được yêu cầu này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Sự cố gắng của từng địa phương trong vùng vẫn chưa đủ, phải có hành động tập thể là liên kết vùng. Chính phủ bảo đảm quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng có chất lượng, nhất là quy hoạch hạ tầng kinh tế - xã hội gồm: Giao thông, thủy lợi, năng lượng, viễn thông, logistics, văn hóa, giáo dục. Trong đó, Chính phủ sẽ tập trung quy hoạch chi tiết liên kết về giao thông vận tải, không dựa trên lợi thế của từng địa phương mà dựa trên lợi thế so sánh của từng địa phương.
“Qua thực tiễn khảo sát ở các địa phương, tỉnh Đồng Nai sốt ruột muốn đầu tư kết nối hạ tầng với TP.Hồ Chí Minh nhưng TP.Hồ Chí Minh thì thấy bình thường. Tỉnh Bình Dương lại sốt ruột muốn kết nối với Đồng Nai nhưng Đồng Nai thấy chưa quan trọng”, dẫn thực tế bất cập trong đầu tư hạ tầng vùng này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Hội đồng vùng phải “ngồi lại” sắp xếp thành danh mục các dự án ưu tiên, mang tính liên kết vùng. Trên cơ sở danh mục này, Chính phủ và các cơ quan liên quan sẽ bố trí vốn dự phòng của đầu tư công trung hạn 2016-2020 và bổ sung nguồn trong giai đoạn đầu tư công sắp tới để đầu tư.
Dưới góc nhìn khác, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, sự phát triển giữa các địa phương trong vùng còn có sự chênh lệch cao, đặc biệt là hệ thống hạ tầng, dịch vụ… dẫn đến xu hướng dịch chuyển dân cư về các đô thị trung tâm, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh đã tạo áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng đô thị, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của vùng TP.Hồ Chí Minh. Trong khi đó, hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ được đầu tư không đáp ứng nhu cầu phát triển đã ảnh hưởng lớn đến phát triển và sự phân công hợp tác giữa các địa phương trong vùng. Về quản lý nhà nước, cơ chế điều phối phát triển vùng, đặc biệt là việc phân công hợp tác giữa các địa phương trong vùng còn nhiều khó khăn trong đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực, phát triển hạ tầng, quản lý tài nguyên… Cùng với đó, các cơ chế chính sách đặc thù phát triển vùng chưa được nghiên cứu phù hợp đã ảnh hưởng đến phát triển liên kết vùng.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cho rằng, với vai trò đầu tàu, thành phố đã đề xuất Trung ương cần hoàn thiện hệ thống pháp lý đủ mạnh về vùng, hệ thống pháp luật quy định về địa phương phù hợp để hoàn thiện thể chế vùng… trước mắt, thành phố kiến nghị với Chính phủ ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, tập trung vốn cho công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống logistics liên vùng…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ ra trong liên kết vùng, Nhà nước và doanh nghiệp đều có công việc riêng phải làm trong xây dựng thể chế và huy động nguồn lực để phát triển. Đối với trách nhiệm của doanh nghiệp trong liên kết vùng, Phó Thủ tướng nêu rõ, trên cơ sở quy hoạch, doanh nghiệp và người dân tạo dựng chuỗi sản xuất theo giá trị. Đây là việc doanh nghiệp phải làm, Nhà nước không làm được.
Song song với ổn định kinh tế vĩ mô, để thúc đẩy tăng trưởng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các địa phương sớm lập danh mục đầu tư công, danh mục các dự án công - tư, danh mục dự án đầu tư của tư nhân trong tổng thể mối liên kết vùng và các địa phương lân cận; đồng thời gắn trách nhiệm cá nhân các vị lãnh đạo địa phương để đôn đốc thực hiện như Dự án sân bay Long Thành, cao tốc phía Nam...
TIỂU MY - KHÁNH VINH