| 06-05-2019 | 08:25:49

Phòng cháy, chữa cháy là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu...

Với gần 30 cụm, khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, nguy cơ cháy, nổ xảy ra là rất lớn. Ngoài ra, với số lượng lớn người lao động từ các nơi tập trung về địa bàn tỉnh sinh sống, làm việc nên các khu dân cư, nhà trọ công nhân lao động luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy. Từ nhiều năm qua, Bình Dương đã chú trọng đến công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), từng bước đưa các chính sách, pháp luật về công tác PCCC vào đời sống, sinh hoạt của nhân dân và doanh nghiệp.

Ông Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận tại buổi làm việc

Bảo đảm hạ tầng cho công tác PCCC

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về PCCC, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết nhận thức về tầm quan trọng trong công tác PCCC là nhiệm vụ trọng tâm, do đó việc phê duyệt đồ án quy hoạch các KCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua luôn được UBND tỉnh thực hiện đúng theo quy định của Luật Xây dựng và các quy định của Chính phủ. Trước khi phê duyệt các đồ án quy hoạch đối với từng KCN, tỉnh đều chỉ đạo các ngành phối hợp tham mưu thực hiện chặt chẽ theo trình tự, thủ tục; trong đó tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành luôn chú trọng đến các điều kiện và giải pháp an toàn PCCC cho từng KCN trước khi phê duyệt.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương phân công rõ trách nhiệm đối với từng cơ quan chức năng, chuyên môn, như: Trách nhiệm của Ban Quản lý KCN trong việc xây dựng hạ tầng PCCC đối với các KCN trên địa bàn tỉnh bảo đảm việc quy hoạch phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, hệ thống nước phục vụ công tác PCCC. Việc phát triển hạ tầng tại các KCN trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh luôn chú trọng đến việc bảo đảm hạ tầng phục vụ công tác PCCC đối với từng KCN; bảo đảm khoảng cách 150m/trụ tiếp nước và được kết nối qua mạng lưới đường ống với các xí nghiệp cấp nước trong các KCN. Các xí nghiệp cấp nước đều được đầu tư kinh phí lắp đặt các bơm có công suất lớn phục vụ hiệu quả công tác PCCC khi có yêu cầu.

Ngoài ra, Ban Quản lý KCN chủ động tận dụng các hồ trữ nước tự nhiên để phục vụ chữa cháy, điển hình là hồ điều hòa nước mưa với dung tích 75.000m3 tại KCN Sóng Thần 2. Bên cạnh đó, tỉnh còn quan tâm bố trí các nhóm ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có nguy hiểm cháy, nổ phù hợp theo quy hoạch.

Tại các KCN còn được bố trí đất cho các tổ, đội PCCC chuyên ngành trong KCN. Đến nay, tỉnh đã thành lập được 6 đội PCCC chuyên ngành trong KCN, trong đó có 2 đội hoạt động chuyên trách là Đội PCCC KCN VSIP và 4 đội hoạt động theo chế độ bán chuyên trách ở KCN Nam Tân Uyên, KCN Mỹ Phước, KCN Sóng Thần với tổng quỹ đất xây dựng trụ sở các đội PCCC khoảng 11.800m2.

Tăng cường công tác kiểm tra

Đại tá Nguyễn Văn Dựt, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết 5 năm qua trên địa bàn tỉnh xảy ra 80 vụ cháy, làm 12 người chết, 10 người bị thương và ước tính thiệt hại hơn 1.083 tỷ đồng. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã thực hiện 135 vụ, cứu an toàn 403 nạn nhân bị các sự cố, tai nạn và tổ chức tìm vớt thi thể 79 nạn nhân bị đuối nước. Lực lượng chức năng các cấp đã kiểm tra gần 55.000 lượt cơ sở, tiến hành xử phạt hơn 1.000 trường hợp với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng.

Để đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ trong công tác PCCC, tỉnh đã thành lập 7 mô hình PCCC, 1 câu lạc bộ nhà trọ an toàn. Công tác tuyên truyền phổ biến, kiến thức pháp luật về PCCC luôn được chú trọng, các mặt công tác nghiệp vụ về PCCC được quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 8.714 cơ sở với hơn 214.000 người tham gia; tổ chức 1.000 lớp tuyên truyền nghiệp vụ về PCCC cho cán bộ, công nhân viên chức, học sinh, sinh viên.

Để đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ trong công tác PCCC, tỉnh cũng đã phê duyệt đề án quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng PCCC cứu nạn cứu hộ tầm nhìn đến năm 2030, đề án xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do cháy nổ từ 2016 đến 2020… Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng về tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng theo từng năm. Trong đó nhiều nguy cơ cháy, nổ tại doanh nghiệp, khu dân cư, nhà trọ để lại thiệt hại lớn về người và tài sản.

Theo Sở Xây dựng, các nguy cơ cháy, nổ hiện nay tại các công trình quy định tòa nhà cao 5 tầng mới đòi hỏi hệ thống PCCC và đối với công trình nhà kho, xưởng có diện tích 5.000m2 đã bộc lộ nhiều bất cập đối với công tác PCCC dẫn đến nhiều công trình, nhà kho, xưởng ở gần các khu dân cư có nguy cơ xảy ra cháy cao. Theo Sở Công thương, về quy định phạm vi, khoảng cách của các cây xăng trên địa bàn tỉnh trước đây đều đủ điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị đã khiến nhiều cây xăng nằm “lọt thỏm” giữa khu dân cư đông đúc khiến tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong công tác phòng chống cháy, nổ.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã đặt ra hàng hoạt vấn đề về công tác PCCC trên địa bàn, nhất trong các KCN. Cụ thể như việc vận hành các thiết bị thường xuyên còn yếu; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng; vấn đề tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng PCCC ở cơ sở...

Các sở, ngành liên quan của tỉnh cũng đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến, vướng mắc, tồn tại trong công tác quản lý nhà nước để đoàn giám sát tiếp thu nhằm để hoàn thiện các chính sách pháp luật về PCCC trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, khẳng định tỉnh Bình Dương luôn quan tâm đến công tác PCCC, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần bảo đảm cho đời sống, sinh hoạt an toàn cho nhân dân cũng như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó thời gian qua tỉnh luôn quan tâm, đầu tư trang thiết bị cần thiết cho công tác PCCC để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ông Trần Văn Nam cũng nêu lên những băn khoăn về vấn đề nhân sự, đội ngũ cán bộ chuyên trách đủ năng lực, trình độ chuyên môn để có thể vận hành, phát huy tối đa hiệu quả đối với hệ thống, trang thiết bị phương tiện cho công tác PCCC tại địa phương.

Ông Trần Văn Nam cũng cho rằng do đặc điểm thời tiết ở miền Nam nên đòi hỏi công tác kiểm tra về PCCC ở các đơn vị ít nhất mỗi năm hai lần; điều kiện thời tiết rất dễ tác động làm hư hỏng các trang thiết bị, hệ thống PCCC. Do đó, đề nghị ngành chức năng cần tổ chức kiểm tra vào đầu và cuối mùa khô, có như vậy mới bảo đảm để các đơn vị quan tâm hơn nữa trong việc kiểm tra, bảo dưỡng, bảo trì hệ thống, trang thiết bị PCCC ở đơn vị.

Tại buổi làm việc, ông Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện PCCC trên địa bàn tỉnh Bình Dương; đồng thời lưu ý, công tác PCCC của tỉnh vẫn còn tồn tại một số vấn đề, như: Bình Dương vẫn còn 12 KCN chưa xây dựng phương án PCCC nhưng vẫn đưa vào hoạt động; còn đến 63% đội dân phòng PCCC ở cơ sở chưa được tập huấn… Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp cần xác định công tác PCCC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; đồng thời chú trọng đến việc thành lập lực lượng PCCC ở cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chữa cháy tại địa phương. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tỉnh cần phân tích các nguyên nhân, tồn tại và rút ra bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn công tác PCCC, nhất là đưa PCCC vào nghị quyết HĐND để thống nhất chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác PCCC trong thời gian tới.

5 năm qua trên địa bàn tỉnh xảy ra 80 vụ cháy, làm 12 người chết, 10 người bị thương và ước tính thiệt hại hơn 1.083 tỷ đồng. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã thực hiện 135 vụ, cứu an toàn 403 nạn nhân bị các sự cố, tai nạn và tổ chức tìm vớt thi thể 79 nạn nhân bị đuối nước. Lực lượng chức năng các cấp đã kiểm tra gần 55.000 lượt cơ sở, tiến hành xử phạt hơn 1.000 trường hợp với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng.

(Đại tá Nguyễn Văn Dựt, Phó Giám đốc Công an tỉnh)

MINH DUY

Chia sẻ