Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 8,04% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng khá, khẳng định sự chỉ đạo điều hành đúng đắn của tỉnh, quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Kiểm tra thân nhiệt công nhân trước khi vào nhà máy tại Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam, KCN Bàu Bàng
Đồng bộ giải pháp
Trong tháng 5, đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện, khiến cho KT-XH của Bình Dương tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Song với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân, Bình Dương đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và triển khai song hành các giải pháp tăng trưởng kinh tế. Nhờ vậy, 5 tháng đầu năm 2021 kinh tế của tỉnh vẫn đạt được những kết quả ấn tượng.
Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5-2021 tăng 6,5% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tương ứng hai chỉ số là 6,6% và 11,4%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,1% và 13,7%... Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 8,04% so với cùng kỳ, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 14,75%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,5% so với cùng kỳ. Theo Sở Công thương, kết quả trên cho thấy đà hồi phục của ngành công nghiệp từ cuối năm 2020 nhờ các giải pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, cùng các chính sách hỗ trợ DN, kích cầu thị trường trong nước và khơi thông thị trường nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu.
Hiện tại, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong các khu, cụm công nghiệp cũng như các DN đã được kích hoạt ở mức cao nhất, như vệ sinh khử khuẩn phân xưởng sản xuất, công nhân phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, giãn cách. Ngoài việc tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19, thành lập các Tổ an toàn Covid-19, tất cả các DN chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương án phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”. Trường hợp dịch bệnh phức tạp, đơn vị sẽ cách ly toàn bộ người lao động tại chỗ để duy trì sản xuất. Hầu hết các DN đều cho rằng, từ đầu năm 2021 các đơn hàng ổn định hơn, song giá thép tăng cao, lại cộng với đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của DN. Vì vậy, ngoài chính sách hỗ trợ giãn thuế, các DN mong muốn sớm được tiếp cận nguồn vắc xin để tiêm phòng cho công nhân, người lao động.
Nỗ lực giữ đà tăng trưởng
Trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành, địa phương chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch, đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN duy trì sản xuất. Theo ông Vương Vạn Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) tại KCN Bàu Bàng, hiện tại nhà máy sản xuất khẩu trang và cung cấp miễn phí cho người lao động sử dụng. Trước khi vào làm việc, tất cả cán bộ, công nhân, lao động công ty đều phải qua khâu kiểm dịch, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn để bảo đảm môi trường sản xuất an toàn. Tại các phòng, ban, phân xưởng, căn tin, xe đưa rước người lao động… việc phun khử khuẩn được làm thường xuyên mỗi ngày. Trường hợp phát hiện người có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, tổ phản ứng nhanh sẽ triển khai phương án xử lý, phòng, chống dịch bệnh... Đến nay DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, doanh thu tăng so với cùng kỳ.
Bên cạnh các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh lâu năm, có mạng lưới khách hàng rộng khắp, xây dựng được hệ thống bán hàng online từ sớm, giúp chủ động được thị trường và giao dịch qua các sàn thương mại điện tử... nhiều DN khác trên địa bàn tỉnh đã tiến hành điều chỉnh chiến lược kinh doanh, chú trọng thị trường trong nội địa. Đồng thời tăng tốc sản xuất để tăng doanh thu, góp phần quan trọng vào việc hạn chế đà suy giảm của ngành công nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, để giữ đà tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong tháng 6 và những tháng tiếp theo của năm 2021, việc triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ các khu, cụm công nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng bản đồ an toàn phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các tiêu chí sản xuất an toàn, Sở Công thương yêu cầu ban quản lý các KCN, cụm công nghiệp kiểm tra, đề nghị các DN tự đánh giá, tự rà soát, điều chỉnh những nhiệm vụ, giải pháp cần thiết để vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm sản xuất. Lãnh đạo các khu, cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp phải có cam kết bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước cấp trên về những nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Sở Công thương cũng đề nghị các địa phương phối hợp, xử lý cán bộ, công chức của ngành nếu lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
NGỌC THANH