| 26-09-2023 | 08:08:32

Phòng chống hàng gian, hàng giả trên thị trường thương mại điện tử

Kỳ 1: Nhiều rủi ro đối với người tiêu dùng

 Khi thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển, khách hàng đều có thể đặt mua hàng online trong nước và xuyên biên giới. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích nhất định, tình trạng hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng… qua kênh online vẫn chưa có biện pháp khả thi để kiểm tra và xử phạt.

 Hàng giả bị lực lượng chức năng phát hiện tại một cơ sở ở TP.Thuận An

 Lắm cảnh “dở khóc, dở cười”

Với ưu điểm tiết kiệm thời gian, dễ dàng so sánh giá cả với mua hàng trực tiếp, hình thức đặt mua hàng online trên các nền tảng bán hàng trực tuyến, hoặc mạng xã hội Facebook, Zalo... trở thành sự lựa chọn mới của người tiêu dùng. Tuy nhiên, do không thể tận mắt kiểm chứng chất lượng sản phẩm nên không ít khách hàng lâm vào cảnh dở khóc dở cười vì người bán “treo đầu dê bán thịt chó”.

Mới đây, chị Nguyễn Mai Hương, phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An đã ấm ức đăng lên trang cá nhân “tố” một shop quần áo online lừa đảo. Trước đó, chị Hương đã lướt Facebook và thấy một shop bán bộ đồ rất ưng ý, kiểu dáng rất hợp, cô chủ shop nhiệt tình tư vấn sản phẩm. Không ngần ngại chị Hương đã chuyển đủ 100% tiền mua 2 bộ đồ để được miễn phí vận chuyển. Sau khi chuyển tiền, bên chủ shop nhận được và báo chuẩn bị hàng thì chị Hương bàng hoàng khi không thể nào liên lạc được với cô chủ shop kia.

Hay như trường hợp của chị Vy Thị Hải, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, chia sẻ: “Có lần tôi thấy một chủ tài khoản đăng bán chai dầu thơm ngoại nhập đang giảm giá 30% nên đặt mua, họ lại giao chai dầu thơm hàng giả nhái nhãn hiệu. Tôi phản hồi thì người bán chửi té tát, tiền nào của đấy, muốn xịn qua Mỹ mà mua. Lỡ mua rồi, biết khiếu nại ở đâu, tôi đành im lặng chịu thiệt”.

Chị Lê Thanh Trúc, phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ cách đây 2 tháng, chị đặt mua một đồng hồ cũ trên Facebook cá nhân. Chủ trang này cho biết là đồng hồ pin, dây da của Nhật, giá bán 1,9 triệu đồng. Sau khi thương lượng, giá chiếc đồng hồ đã giảm xuống còn 1,4 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nhận hàng, chị mới tá hỏa vì sản phẩm là chiếc đồng hồ mới tinh, hàng Trung Quốc, có giá khoảng 300.000 đồng. Khi chị liên hệ thì chủ shop không hoàn tiền cọc 300.000 đồng và khẳng định là chuẩn Nhật. “Mua hàng qua mạng giờ gặp nhiều chủ shop không có lương tâm”, chị Trúc nói như than.

Không dễ quản lý

Khó có thể thống kê hết các trường hợp người tiêu dùng (NTD) bị người bán lợi dụng mạng xã hội, các trang TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng. Trong khi đó, công tác điều tra, phát hiện, khiếu nại, xử lý vi phạm trên mạng còn rất nhiều hạn chế.

Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, tại Bình Dương số vụ xử lý vi phạm trong TMĐT còn rất ít. Thực tế cho thấy, có rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực TMĐT. Hiện nay, các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao là hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng. Mặt khác, trên nhiều trang web bán hàng hoặc qua mạng xã hội thường không ghi địa chỉ cụ thể, chỉ có điện thoại để giao dịch. Khi có khách hỏi mua hàng, bên bán sẽ hỏi địa chỉ để giao nhận hàng hóa, thanh toán tại nhà, người mua không biết người bán là ai, sản phẩm như thế nào. Trong khi đó, các đối tượng kinh doanh hàng hóa vi phạm thường đăng bài bán hàng một nơi không có sẵn hàng hoặc thuê kho chứa hàng, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa ở một nơi khác nên rất khó phát hiện, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.

Hơn nữa, kiểm tra các trường hợp vi phạm vẫn phải thông qua nhiều quy trình phức tạp như xác minh chủ thể đăng ký, chủ sở hữu trang web, xác minh giao dịch với sàn TMĐT, kiểm tra, lập biên bản vi phạm... Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này (nếu là hàng giả, hàng nhái) đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên phát hiện, quản lý và xử lý trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, vì là không gian, địa chỉ ảo trên mạng internet nên chủ shop dễ dàng gỡ bỏ thông tin nhằm xóa dấu vết, gây cản trở việc thu thập chứng cứ, chứng minh vi phạm… Vì vậy, công tác chống hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng trên chợ online đang là một vấn đề đang đặt ra hiện nay. (còn tiếp)

 Ông Nguyễn Văn Bán, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền lợi NTD Bình Dương: Buôn bán hàng hóa thông qua internet đang trên đà phát triển. Ngoài những ưu điểm, hình thức này cũng có những rủi ro, do đó người mua hàng cần nắm rõ các nguyên tắc trao đổi, sự cam kết, đánh giá của người dùng, bằng chứng xã hội… Quan trọng hơn, người mua hàng cần nắm về các điều kiện trả hàng, nhất là những giỏ hàng có giá trị lớn để không rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”. Về phía cơ quan chức năng, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả giữa các sở ngành, nhất là đối với lĩnh vực TMĐT.

 THANH HỒNG

Chia sẻ