| 09-04-2021 | 09:35:57

Rộn rã mùa lên nương

Đến hẹn lại lên, tháng giêng, tháng hai âm lịch hàng năm, khi tiết trời khô hanh cũng là thời điểm những trái điều đỏ, vàng chín mọng khắp nương rẫy của đồng bào Khmer ở xã An Bình, huyện Phú Giáo. Hương điều chín thơm níu gọi muôn loài chim khắp nơi bay về chung vui với bà con ngày mùa. Khi mặt trời ló rạng, tiếng nói cười rộn rã của người dân lại vang lên trên những con đường quê dẫn đến những nương điều.


Con đường nhựa từ trung tâm xã An Bình, huyện Phú Giáo, đi vào nương rẫy của đồng bào Khmer quanh co và xa hun hút

Niềm vui trên nương

“Ba tháng trông cây, không bằng một ngày trông quả”, với đồng bào Khmer xã An Bình, ngày mùa tuy vất vả nhưng thật vui. Có mặt tại ấp Tân Thịnh, xã An Bình, huyện Phú Giáo, nơi có nhiều đồng bào Khmer sinh sống, chúng tôi hòa cùng bước chân bà con nơi đây lên nương rẫy hái điều. Từng can nước uống, từng lon gạo, con cá, mớ rau, quả cà… được mọi người chất đầy trên chiếc xe gắn máy nhuốm màu đất đỏ để bảo đảm “hậu cần” cho những buổi thu hoạch điều. Trên những con đường quê, nhìn các mẹ, các chị bịt kín mặt, đôi bàn tay mang vớ cao su để tách hạt điều cho không bị dính mủ và những người đàn ông đi xe máy nối theo nhau cả cây số mà cứ ngỡ như nơi đây đang vào hội.

Từ ngoài đường nhựa đi vào nương rẫy của đồng bào Khmer ở xã An Bình phải đi qua một đoạn đường đất đỏ gập ghềnh bởi những ổ voi, ổ gà. Mùa mưa thì đường lầy lội thành bùn trơn trượt, còn mùa nắng gió thì mỗi khi có xe cộ đi qua bụi lại cuồn cuộn bốc lên như một trận lốc lớn, nhuộm đỏ cả cỏ cây ven đường. Trận mưa rừng đêm qua đã làm cho những trái điều chín rụng đầy quanh gốc cây, khiến các chàng trai, cô gái Khmer cười thích thú. Điều này cũng có nghĩa là họ bớt đi công sức thu những trái ở trên cao. Họ cũng có nhiều thời gian để vừa nô đùa, trò chuyện với nhau chuyện học hành, chuyện mưu sinh, chuyện học nghề sau khi phụ giúp bố mẹ thu hoạch xong vụ điều này.

Vườn điều hơn 50 gốc đang cho thu hoạch của gia đình bà Kim Thị Sem quấn lấy con đường đất đỏ quanh co. Nhà bà Sem có 6 người con đã có gia đình riêng, trong đó có một người con trai không may bị bệnh, không có khả năng lao động. Dù đã ở tuổi gần 70 nhưng bà Sem vẫn phải lặn lội làm thuê, làm mướn để mưu sinh hàng ngày. Vụ điều là niềm hy vọng để bà có thêm chút tiền chạy chữa bệnh cho con. Tay vừa thoăn thoắt lặt hạt điều, bà Sem vừa thủ thỉ: “Người Khmer ở ấp Tân Thịnh thường làm đổi công cho nhau. Phía đằng kia là bà Ánh nhà ở cạnh nhà tôi cũng ngoài 70 tuổi rồi đấy. Bà Ánh cũng có vườn điều gần đây. Vì con cháu bận rộn đi làm công ty nên chúng tôi rủ nhau đi hái điều đổi công cho nhau. Nhà nào trồng nhiều thì phải thuê người hái”.

Mong những mùa điều bội thu

Xã An Bình, huyện Phú Giáo có hơn 200 hộ đồng bào dân tộc Khmer, sinh sống tập trung chủ yếu ở ấp Nước Vàng và ấp Tân Thịnh. Ngày trước, bà con còn tập quán “du canh, du cư” nên mùa nương rẫy đến, đàn ông hay đám trai làng lại lên rừng tìm những khoảnh đất mới, tươi tốt để phát dọn chuẩn bị trỉa lúa, trỉa bắp, trồng mì…Đến khi đất bạc màu, cây cối không còn phát triển được, bà con lại bỏ đi tìm chỗ đất nơi khác, chờ đến vài năm sau lại quay về canh tác lại trên nương rẫy cũ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân rừng bị xâm hại bừa bãi.


Những ngày vào vụ thu hoạch điều, đồng bào Khmer đổi công giúp nhau, tình làng nghĩa xóm càng thêm bền chặt

Bây giờ thì khác rồi. Nhờ công tác tuyên truyền về pháp luật và hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền, đời sống của bà con đã được ấm no, ổn định, văn minh hơn nhiều, trẻ em được cắp sách đến trường. Từ khi được Nhà nước giao đất, giao rừng, hướng dẫn, tập huấn về kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, kinh tế từng hộ gia đình đã khá lên rõ rệt. Đến nay, đời sống của đồng bào Khmer nơi đây đã ổn định và tập trung trồng cây điều, cây cao su để phát triển kinh tế. Nhiều gia đình thu nhập khá, có tiền lo cho 6, 7 người con ăn học đến cử nhân hoặc thạc sĩ, điển hình như hộ gia đình của ông Kim Hoàng, ông Kim Thoang ở ấp Tân Thịnh; hộ gia đình bà Ngưu Thị Hạnh ở ấp Nước Vàng…

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của đồng bào, khả năng năm nay điều có nguy cơ bị mất mùa, rớt giá. Bà Ngưu Thị Hạnh trầm ngâm chia sẻ: “Vườn điều nhà tôi chừng một ha. Năm ngoái được mùa, thu hoạch được hơn 2 tấn hạt, bán được hơn 40 triệu đồng. Còn năm nay mới vào đầu vụ thu hoạch mà điều thưa quả, lứa hoa ra sau thì đã lốm đốm dấu hiệu bị khô héo đồng loạt. Năm nay ước tính chỉ thu hoạch bằng một nửa năm ngoái mà thôi, mà giá hạt điều thời điểm này đang giảm nhẹ”. Thực tế, năm nay thời tiết không thuận lợi, mưa nắng trái mùa thất thường, ban ngày thì nắng nóng, ban đêm thì gió lạnh và sương muối khiến cho chồi non và hoa điều bị khô héo dần, tỷ lệ đậu quả thưa thớt.

Bóng chiều dần buông trên những tán rừng điều, cũng là lúc bà con Khmer chở từng bao tải hạt điều vừa hái ra khỏi cánh rừng để nhập cho thương lái. Nhìn những người dân áo đầm đìa mồ hôi, gương mặt sạm nắng, ai cũng phải thương cảm. Kết thúc vụ mùa này, bà con được nghỉ ngơi một thời gian để dọn dẹp, sửa sang nhà cửa, mua sắm quần áo mới chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay.

Ông Ngưu Bư, người có uy tín trong đồng bào Khmer ở xã An Bình chia sẻ, Tết Chol Chnam Thmay là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer. Hy vọng sau Tết Chol Chnam Thmay năm nay, những mùa điều, mùa cao su của bà con Khmer ở An Bình sẽ được mùa, được giá để người dân có thêm thu nhập; hơn thế nữa là giúp người dân ổn định và phát triển tốt mô hình sản xuất của mình, góp phần xây dựng địa phương mình sinh sống ngày càng ấm no, hạnh phúc và giàu mạnh.

Điều là loại cây công nghiệp lâu năm, được ví như “cây xóa đói, giảm nghèo” đối với người dân và đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở khu vực Tây nguyên và miền Đông Nam bộ. Cây điều rất thích hợp với khí hậu nhiệt đới. Mùa thu hoạch điều rải rác từ tháng 2 - 4 âm lịch trong năm. Sau khi hái xong, đồng bào Khmer lại lên nương tỉa cành, chăm sóc và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây.

 THU HƯỜNG

Chia sẻ