| 01-07-2015 | 09:21:47

Sân chơi văn chương đang vắng khách văn!

Thỉnh thoảng, sáng chủ nhật, các anh chị em trong chuyên ngành văn học thuộc Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh cùng nhau ngồi lại để… sinh hoạt nghiệp vụ. Có một điều cần nói đến là “khách văn” quá ít ỏ i và ngày càng vơi dần

 Hội viên chuyên ngành văn học Hội VHNT tỉnh trong một buổi hội thảo về nghề viết

Đa phần anh em chúng tôi là những người viết văn nghiệp dư! Mọi người làm đủ ngành nghề từ nhà giáo, nhà báo, công chức ở các cơ quan, cán bộ nghỉ hưu. Và đa phần trong “tổ văn” (chúng tôi tạm gọi với nhau như thế cho ngắn gọn!) lại nhiều người làm thơ hơn viết văn. Mảng văn học dân gian càng hiếm. Chú Lư Nhất Vũ là cây đa cây đề nhưng chú là “người của cả nước” với quá nhiều dự án nghiên cứu văn học dân gian, đi cùng đoàn làm phim. Khác với các tỉnh, thành khác có khá nhiều người viết văn chuyên nghiệp về mảng này thì Bình Dương có chú Hiếu Học còn mặn mà với văn học dân gian. Mảng sáng tác văn xuôi ngày càng thưa vắng hơn bởi hầu như ai cũng bận rộn cho công việc chính của mình.

Tại buổi họp mặt mới đây nhất (28-6), nhiều anh em trong tổ văn như nhà thơ Nguyễn Nguy Anh, nhà thơ Lê Minh Vũ… cũng cho rằng, văn chương Bình Dương gần đây trong tình trạng “thơ trăm hoa đua nở còn văn xuôi ít có tác phẩm mới, cây viết mới”. Thử lật một số bất kỳ của tạp chí văn học Bình Dương do Hội VHNT tỉnh phát hành, chúng ta cũng sẽ thấy thơ “lấn lướt” hẳn so với văn xuôi. Đó là chưa kể, nhiều cây viết “lạ hoắc” ở đâu gửi bài tới chứ anh em viết văn trong tỉnh vẫn… lơ là với sân chơi này.

Tại buổi họp nghiệp vụ định kỳ này, nhiều ý kiến còn góp ý cho tạp chí của Hội VHNT tỉnh ngày càng hay hơn như thay đổi hình thức thoáng, đẹp, bài viết cần phong phú và có chiều sâu hơn. Về điều này, không thể không kể đến các anh chị trong Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh đã có nhiều cố gắng trong thời gian qua. Đó là xã hội hóa hoạt động VHNT, tổ chức nhiều trại sáng tác, thành lập các câu lạc bộ để người Bình Dương viết về Bình Dương... Tuy nhiên, sự phát triển vẫn chưa “như ý” lắm một khi người trong cuộc - là những hội viên vẫn chưa dành nhiều thời gian cho mảng sáng tác. Thế nên, các chuyên ngành khác như nhiếp ảnh sân khấu, âm nhạc… có những bước tiến đáng kể thì văn chương vẫn chưa khởi sắc được.

Viết văn là cả một quá trình đầu tư, sáng tạo nghệ thuật và lao động nghệ thuật thật sự nghiêm túc. Bên cạnh đó cần có sự đam mê, dấn thân và nhất thiết phải gác qua một bên chuyện cơm áo gạo tiền. Hội viên Hội VHNT mảng văn xuôi ngày càng ít và hội viên mới nhiều năm qua cũng quá hiếm hoi. Các câu lạc bộ sáng tác trẻ được thành lập. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm chưa phong phú. Ở đây chưa nói đến chất lượng, giá trị nghệ thuật. Quá ít ỏi tác phẩm văn chương từ truyện ngắn, bút ký tới tiểu thuyết dù rằng, lãnh đạo tỉnh vẫn luôn ưu ái, quan tâm đến lĩnh vực sáng tác, khích lệ những đóng góp của các tác giả hiện sống và làm việc tại Bình Dương.

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, hãy cứ viết đi đã, viết như một nhu cầu tự thân của người viết văn. Các hội viên chuyên ngành văn học cũng như ai đó có năng khiếu viết lách, xin đừng ngần ngại. Hãy viết, hãy đến để cùng sống với đời sống văn chương đẹp đẽ bên cạnh cuộc sống chộn rộn, bon chen này…

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ