| 11-10-2024 | 09:37:19

Sâu nặng nghĩa tình với thủ đô

 Kể từ lúc Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh dừng ngựa bên bờ sông Đồng Nai đọc sắc chỉ của chúa Nguyễn xác lập quốc thổ của quốc gia Đại Việt (năm 1679 - năm Trần Thượng Xuyên tới xứ Đồng Nai) đến nay đã trải qua hơn 300 năm. Ngần ấy thời gian chưa có ai biểu đạt tình cảm Nam - Bắc dạt dào và tình yêu da diết dành cho đất Tràng An như tác giả hai câu thơ:

 “Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”

 Sáng 10-10-1954, các cánh quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội được giải phóng (Ảnh tư liệu)

 Dạt dào tình nghĩa đất Tràng An

Hai câu thơ kể trên hình như đã trở thành câu ca dao, bởi vì nó dễ nhớ, dễ thuộc và đặc biệt là hai câu thơ này biểu đạt một cách mãnh liệt tình cảm của đất trời phương Nam đối với thủ đô yêu dấu. Trời Nam ở đây cần được hiểu theo nghĩa rộng và nội hàm sâu thì mới đúng như ý tác giả, như lúc ở Hà Nội ông đã từng tâm sự với con trai Huỳnh Văn Nam (sau này là Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh). Trong Nam, ngoài Bắc, trên rẻo cao miền biên giới, ngoài hải đảo… ở đâu cũng có trời Việt Nam - trời Việt Nam trong tim người Việt Nam - dù “thân cư tại ngoại, tâm hoài cố hương” ở Việt Nam.

Người rút hết ruột gan, đào tận gốc rễ chỉ số IQ thay mặt các thế hệ người đi mở cõi làm nền “Hào khí Đồng Nai”, “Văn minh miệt vườn” đã làm hai câu thơ: “Từ độ mang gươm đi mở cõi… Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” để bày tỏ tấm lòng yêu thương, kính mến Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội thanh lịch, hào hoa, khí phách và anh hùng là người con ruột rà của “quê hương rừng thẳm sông dài” Tân Uyên, Bình Dương. Người đó là Huỳnh Văn Nghệ (Tám Nghệ), con thầy Ba Tờn dạy võ và bà Hiển bán cau ở làng Tân Tịch, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa - nay là xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Lúc nhỏ, bà con trong làng thường bắt gặp trò Nghệ hay trốn học theo trẻ chăn trâu ra đồng bắt cá, đi câu, vậy mà nhờ học giỏi được tuyển thẳng vào hệ cao đẳng tiểu học ở Uyên Hưng học với thầy Cao Tấn Đình. Rồi từ đây, bằng tư chất thông minh trò Nghệ được tuyển thẳng vào trường Pe’trusKý ở Sài Gòn, học không mất tiền mà có lương nửa chứ (trường công lập lại có học bổng hàng tháng).

Toàn là những chuyện chưa từng có ở cái xứ rừng rú Tân Tịch này nhưng chuyện năm 1935, lúc mới 21 tuổi, Nghệ đã biết làm thơ và đăng trên “nhựt trình” ở Sài Gòn, mà được đăng trang trọng mới là chuyện lớn động trời. Thế là Tân Tịch của núi rừng Tân Uyên đã xuất hiện chàng thi sĩ của phong trào thơ mới đang bùng nổ ở Sài Gòn và miền lục tỉnh với những bài diễn thuyết hùng hồn của nữ ký giả - nhà phê bình văn học xứ Gò Công Nguyễn Thị Manh Manh. Đến khi bài thơ Nhớ Bắc mà Huỳnh Văn Nghệ sáng tác năm 1940 được nhà thơ Xuân Diệu đưa vào bài diễn thuyết của mình tối 10-10-1945 tại Nhà hát lớn Hà Nội, nhân dịp đoàn Văn nghệ Bắc bộ biểu diễn gây quỹ ủng hộ phong trào Nam tiến thì bài thơ Nhớ Bắc mới được nhiều người biết đến.

Dựng xây Bình Dương văn minh, nghĩa tình

Nên nhớ, phải nhớ: Trong lúc Nam bộ kháng chiến trong hoàn cảnh “thuốc súng kém, chân đi không mà giàu lòng vì nước…” thì phong trào “Nam tiến” của thanh niên miền Bắc, miền Trung có ý nghĩa vô cùng to lớn cả về quân sự lẫn chính trị đối với cuộc kháng chiến thần thánh của quân dân Sài Gòn - Gia Định và Nam bộ. Điều đặc biệt xúc động là chỉ ba ngày sau khi tiếng súng Nam bộ kháng chiến bắt đầu thì ngày 29-9-1945, Hà Nội đang trong tình trạng thù trong giặc ngoài, đã nhanh chóng cử một chi đội tương đương một trung đoàn do đồng chí Hoàng Thơ chỉ huy tiến về ga Hàng Cỏ lên tàu “Nam tiến” với khẩu hiệu “Nam bộ là máu của Việt Nam…”.

Những người Hà Nội hào hoa, khí phách hăng hái, tự nguyện lên đường Nam tiến không chỉ theo lời kêu gọi của Trung ương Đảng, Bác Hồ mà họ ra đi là bởi “tiếng kêu sơn hà nguy biến” và cũng đáp lại cái tình sâu nặng của: “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Nhiều người con yêu quý của Hà Nội trong đoàn quân Nam tiến đã anh dũng ngã xuống ở Sài Gòn - Gia Định và khắp chiến trường Nam bộ. Đến khi thực dân Pháp phản công quyết liệt, mặt trận Thị Nghè, Cầu Bông, Chiến khu An Phú Đông bị vỡ, những người kháng chiến ở Sài Gòn, trong đó có bộ đội Nam tiến gốc Hà Nội rút về Chiến khu Đ, nơi Huỳnh Văn Nghệ được Xứ ủy Nam bộ giao cho nhiệm vụ xây dựng căn cứ kháng chiến lâu dài.

 Bình Dương đang nỗ lực xây dựng trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Ảnh: NGỌC THANH

Rồi như một duyên ngộ, phần lớn các chiến sĩ Nam tiến, kể cả chiến sĩ người Hà Nội đều ở lại Chiến khu Đ tham gia Trung đoàn 310, 330, Chi đội 10 cùng đồng cam cộng khổ suốt 9 năm chống Pháp với tác giả bài thơ Nhớ Bắc; có người còn ở lại với quê hương của Huỳnh Văn Nghệ suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đến thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hàng ngàn thanh niên thủ đô hưởng ứng tinh thần “Ba sẵn sàng” do Thành đoàn Hà Nội phát động đã đến với “quê hương rừng thẳm sông dài”, “miền Đông gian lao mà anh dũng” cùng tụ nghĩa dưới lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Họ không chỉ là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang mà có cả thầy thuốc, thầy giáo, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ… cùng đồng cam cộng khổ, chiến đấu và hy sinh góp phần làm nên “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất” và thực sự Sài Gòn đã trở thành TP.Hồ Chí Minh.

Thấm thoát đã 78 năm Hà Nội bước qua mùa Đông 1946, 70 năm bước vào mùa xuân tự do (1954) và trở thành một trong những thủ đô hòa bình, thủ đô anh hùng, điểm đến hấp dẫn, thân thiện với khách quốc tế. Hà Nội là niềm tự hào của nhân dân cả nước, trong đó có người Bình Dương - nơi phát tích tình cảm sâu nặng: “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.

Sau khi cùng cả nước “tiễn” hơn nửa triệu quân xâm lược về nước, kéo lá cờ ba sọc xuống đất và đóng nắp cổ quan tài chôn bọn diệt chủng, Sông Bé - Bình Dương nơi phát tích câu thơ tình nghĩa: “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” bắt tay làm lại cơ đồ trên cái nền của một nền sản xuất tiểu nông manh mún - nghèo, nghèo đến mức có lần ông Sáu Phát (ông Nguyễn Văn Luông, Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé) báo cáo với ông Hai Hùng (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng): “Xứ của tôi mùa nắng kiếm một miếng nước cạo râu đã khó, làm sao sản xuất được, anh Hai”. Khó khăn là vậy nhưng từ khi Đảng chủ trương đổi mới, nhất là từ lúc tách tỉnh Sông Bé, “trả lại tên cho em” trở thành Bình Dương thì Bình Dương vẫn là một tỉnh thuần nông. Nhưng với tinh thần vạn lần khiêm tốn vốn có và thái độ thực sự cầu thị một cách chân thành, Bình Dương đưa ra thông điệp: “Trải thảm đỏ đón trí thức, trải chiếu hoa mời nhà đầu tư”. Tinh thần cốt lõi của thông điệp ấn tượng này là mong muốn thu hút tinh hoa trí tuệ Đông Tây kim cổ với những chỉ số IQ của thời đại và nguồn tư bản (hiểu theo nghĩa của kinh tế chính trị học), trong đó có trí tuệ và nguồn lực của Thủ đô Hà Nội làm cho Bình Dương “tụ khí hưng vượng”.

Thực hiện lời dạy của người xưa: “Tiểu phú do cần”, Bình Dương cần mẫn, kiên trì theo phương châm: “Năng nhặt chật bị” mà Tổng Công ty Becamex IDC là “con ong làm mật yêu hoa một cách chăm chỉ, thầm lặng thu hút chất xám trong và ngoài nước làm cho linh khí của Bình Dương tỏa sáng trên cái nền tụ tâm đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, tạo nên nguồn năng lượng nội sinh, xây dựng Bình Dương dáng đứng thế kỷ 21: “Thông minh - Văn minh - Hiện đại - Nghĩa tình”. Trong nội hàm của hai chữ nghĩa tình này có tình cảm sâu nặng của “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”, “Bình Dương thương nhớ Hà Nội”.

 MAI SÔNG BÉ

Chia sẻ