| 17-10-2011 | 00:00:00

Siêu thị các khu kinh tế cửa khẩu: Hàng Việt khó chen chân!

Cả nước hiện có 28 khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) thuộc 21 tỉnh trong tổng số 25 tỉnh biên giới. 8 năm qua, tổng số vốn ngân sách dành cho đầu tư và duy trì hoạt động của các KKTCK khoảng hơn 4.000 tỷ đồng và mỗi năm ngân sách dành cho hoạt động của các KKTCK khoảng 700 - 800 tỷ đồng. Mục đích đầu tư thì đã rõ nhưng thực tế lại không như mong đợi. Hàng ngàn tỷ đồng vốn ngân sách đầu tư vào các KKTCK những năm qua với quy mô đồ sộ thế nhưng, phần lớn KKTCK đều trong tình trạng đìu hiu, trung tâm thương mại, nhà xưởng xây xong lại “đắp chiếu”!

Đã vài ba lần đến KKTCK Mộc Bài (Tây Ninh), lần gần đây nhất đầu tháng 10 này, chúng tôi ghi nhận không thấy bóng dáng của đô thị hay khu công nghiệp, khu thương mại phi thuế quan nhộn nhịp. Những gì nơi đây đang có chỉ là khu chợ đường biên và một số siêu thị bán hàng miễn thuế. Các hạng mục về du lịch, thương mại khác vẫn là những khoảng đất trống đầy cỏ dại. Tương tự, các KKTCK ở Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Kon Tum... tình trạng hàng ngàn hecta đất quy hoạch cho các hạng mục thương mại, dịch vụ, công nghiệp... cũng đang cùng cảnh ngộ.

Điều đáng nói là các KKTCK lại là nơi tiêu thụ hàng ngoại. Các siêu thị miễn thuế ở KKTCK đang là nơi tập kết hàng tiêu dùng xa xỉ. Các siêu thị, cửa hàng chủ yếu bán hóa mỹ phẩm cao cấp, rượu ngoại đắt tiền, đồ điện tử, bánh kẹo... nhập khẩu. Các mặt hàng chủ yếu nhập về từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Indonesia, Malaysia... Số lượng hàng Việt được bày bán thưa thớt. Hàng Việt tại các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ có vài ba quầy hàng  áo quần và phần lớn là hàng không có thương hiệu, chất lượng kém, lỗi mốt... Nguyên nhân do doanh nghiệp chỉ chọn kinh doanh những mặt hàng nhập khẩu để được miễn thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt;  hàng sản xuất trong nước chỉ miễn 10% thuế giá trị gia tăng. Trong lúc cả nước đang tập trung thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam” nhằm kích cầu để phát triển nền kinh tế nước nhà; nhiều hoạt động tôn vinh hàng Việt đang diễn ra thì hàng hóa nhập khẩu đang chiếm gần trọn thị phần ở siêu thị, trung tâm thương mại các KKTCK là điều đang đi ngược lại trong việc thực hiện cuộc vận động này.

Thực trạng của các KKTCK - hậu quả của một thời đầu tư theo “phong trào” và cơ chế “xin cho” - đang đặt ra cho các nhà hoạch định kinh tế nhiều vấn đề nhằm tháo gỡ vướng mắc. Và việc tháo gỡ vướng mắc để tìm hướng đi, đem lại hiệu quả như “chiến lược” đưa ra từ đầu trên bàn giấy là không hề đơn giản.

NHẬT HUY

Chia sẻ