Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Ông ấy hiền như… lời nhạc của ông vậy! Một nhận xét và cũng là lời khen khá ấn tượng của bạn bè văn nghệ sĩ về soạn giả Nguyễn Luông (ảnh). Đó là lần chúng tôi cùng dự trại sáng tác do Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh tổ chức tại miền Trung…
Hiền lành và hóm hỉnh, ông hay pha trò cho mọi người cười vui, quên nhọc mệt đường xa. Vẫn túc tắc soạn nhạc mấy chục năm nay, soạn giả Nguyễn Luông đã có nhiều tác phẩm cho mình. Mới đây nhất ông có bài ca cổ “Cả nhà học tập làm theo gương Bác Hồ”. Đây cũng là một trong 3 tác phẩm được chọn trao giải thưởng trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp tỉnh. Bài ca của ông nói về một người lính Cụ Hồ, suốt một đời noi gương Bác. Lời ca mộc mạc, chất phác như đang kể chuyện: “Hồi ở lính đối với tình đồng đội tôi luôn gắn bó/ giúp đỡ lẫn nhau vượt qua gian khó/ mỗi khi dừng quân ở đâu, tình quân dân như cá với nước/ ở thì được bà con thương, đi thì nhân dân nhớ/ Trong công tác tôi luôn xông xáo khi được cấp trên giao nên huy chương đeo đầy ngực áo/ Ôi thật vinh quang và quá đỗi tự hào…”. Tiếp lời ca đó là những điệu hát ngọt ngào kể về cả nhà của người lính năm xưa, cựu chiến binh năm nay ai ai cũng học tập Bác trong cách sống với xóm giềng, biết yêu thương, giúp đỡ nhau như Bác Hồ đã dạy…
Ông Nguyễn Luông năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng “tinh thần phơi phới” mới soạn nhạc được - ông chia sẻ như thế. Ông cũng nói rằng, quý trọng nhất ở đời là sự chân tình. Quê Long An, ông về lập nghiệp ở khu phố Tây B, phường Đông Hòa, TX.Dĩ An. Và cũng từ đó, Bình Dương đã là quê hương thứ 2 để ông gắn bó, sáng tác những ca khúc trữ tình, ngọt ngào. Là hội viên Hội VHNT tỉnh, ông chuyên viết cải lương, cổ nhạc. Đến nay ông đã sáng tác hàng trăm bài ca cổ, hàng chục vở cải lương. Ông cộng tác với Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An, TP.Hồ Chí Minh… Những vở cải lương của ông như: Kiếp làm thuê, Hoa tình nở muộn, Vẹn một lời nguyền… được dàn dựng và biểu diễn phục vụ đông đảo khán giả cũng như phát trên các đài. Ca cổ có những bài được yêu thích như Hoa tím đợi chờ, Sương trên đồi bằng lăng (tân nhạc: Võ Đông Điền, cổ nhạc: Nguyễn Luông)…
Trò chuyện với ông thật thú vị bởi ông có… minh họa bằng cách mở đĩa cho xem! Ông “khoe” con gái ông là Băng Tâm hát những bài do ba sáng tác thật mùi mẫn. Càng xem càng ngạc nhiên khi tân cổ nhạc, cải lương của ông được các nghệ sĩ tên tuổi như Minh Vương, Thoại Mỹ, Ngân Giang… chọn để hát, biểu diễn. Hỏi ông mê soạn nhạc từ khi nào, ông cười: “Hồi nhỏ chú là thằng… chạy phông màn cho mấy đoàn cải lương ở miền Tây. Đứng sau cánh gà nghe nghệ sĩ hát rồi chú tự học các điệu lý, những câu vọng cổ rồi dần dần viết thành cả vở cải lương. Hồi đầu viết xong tìm các soạn giả đàn anh đưa họ xem, nhờ góp ý và viết thành thạo rồi tự làm… kiếm cơm!”.
Tác phẩm của ông được in trong các tuyển tập: Kỷ yếu VHNT Bình Dương (1998- 2002); Mảnh đất ân tình (2004); Khát vọng Bình Dương (2008); Tổng tập VHNT 30 năm Cao su Dầu Tiếng (2011)… Sau một quá trình miệt mài sáng tác, ông vinh dự được tặng thưởng Huy chương sáng tác VHNT quần chúng năm 1999, giải thưởng sáng tác VHNT của Công ty Cao su Dầu Tiếng, nhiều giải thưởng khác về VHNT của tỉnh, huyện…
QUỲNH NHƯ