Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Điền, Chủ tịch Hội Nữ kháng chiến (NKC) TP.Dĩ An. Miệng nói, tay làm và làm bằng tất cả nhiệt huyết là cảm nhận của tôi về bà. Từ nhiệt huyết ấy của bà đã góp phần động viên tinh thần cho chị em để Hội NKC TP.Dĩ An luôn là lá cờ đầu trong hoạt động phong trào của Hội NKC tỉnh Bình Dương.
Dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng bà Nguyễn Thị Điền (trái) luôn hết lòng với phong trào Hội NKC, tích cực giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Nhiệt huyết không có tuổi
Nhớ cách đây không lâu, khi Hội NKC TP.Dĩ An đăng cai tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm, đề ra phương hướng 6 tháng cuối năm của Hội NKC tỉnh, bà Nguyễn Thị Điền với bộ đồ bà ba đen, lăng xăng chạy tới chạy lui, vừa lo hậu cần, vừa lo đón khách... Để cho các hội viên có dịp giao lưu với một tinh thần thật thoải mái, bà Điền đã liên hệ xin Khu du lịch Thủy Châu hỗ trợ địa điểm tổ chức. Khu du lịch thì rộng, mà mọi người thì từ xa tới, lớn tuổi nên di chuyển nhiều cũng không tiện, tìm được địa điểm chính xác nơi tổ chức hội nghị không phải dễ...
Điện thoại bà Điền reo liên hồi. Lớn tuổi, cộng thêm căn bệnh ung thư quái ác hành hạ, nhưng bà vẫn tràn đầy nhiệt huyết, như lời mấy hội viên trong hội nói: “Bệnh vậy đó, chứ cứ hễ khỏe lúc nào là lại xông pha cùng chị em lúc ấy. Đi tận ngõ, gõ tận nhà, xốc từng phong trào…”.
Dưới sự điều hành của bà, thêm sự hỗ trợ nhiệt tình của mấy chị cán bộ Hội LHPN TP.Dĩ An, phong trào của Hội NKC TP.Dĩ An luôn phát triển mạnh mẽ, là lá cờ đầu trong hoạt động phong trào của Hội NKC tỉnh. Được biết, Hội NKC TP.Dĩ An hiện có 87 hội viên là tổ chức tập hợp các nữ cán bộ từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Qua 7 năm thành lập, hội đã phát huy tốt vai trò giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, chăm lo nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho hội viên.
Vừa qua, thông qua các nguồn, hội đã xây dựng quỹ được gần 800 triệu đồng. Đặc biệt, hội còn xây dựng được kênh “sách nói” vào thứ ba hàng tuần trên trang fanpage của hội để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ... Không chỉ ở bề nổi, bà Điền còn mong muốn đưa hoạt động hội đi vào chiều sâu. Đó là đề xuất có những cơ chế chính sách để chăm lo cho chị em NKC, bởi thời gian không chờ đợi…
…Nếu có ai hỏi tôi muốn gửi lại điều gì cho con cháu, cho thế hệ trẻ, tôi không ngần ngại trả lời: “Sống phải có lý tưởng và hết mình vì lý tưởng, đó là hạnh phúc” (Bà Nguyễn Thị Điền, Chủ tịch Hội NKC TP.Dĩ An) |
Trao đổi với tôi, bà Nguyễn Thị Điền chia sẻ: “Một mình tôi thì làm sao làm được như vậy, mà phải nhờ những cánh tay nối dài của các chị, em ở các phường, các tổ... Bằng sự nhiệt huyết, với mục đích đem đến cho nhau tiếng cười, chúng tôi đã nắm chặt tay nhau để đưa phong trào hội ngày càng phát triển, là mái nhà chung của chị em lúc tuổi già”.
Và ở nhiều buổi sinh hoạt, hội họp của hội, chúng tôi đều nghe những câu nói quen thuộc của bà Điền: “Tổ chức được những hoạt động như thế này, chúng tôi rất phấn khởi. Bởi với chúng tôi bây giờ, tất cả đều lớn tuổi, 40% các thành viên đều bệnh nặng, vì vậy ngoài sự quan tâm về vật chất thì động viên tinh thần đem lại ý nghĩa rất lớn. Đây chính là động lực để các thành viên tiếp tục sống khỏe, sống có ích, làm gương cho con cháu noi theo”.
Hạnh phúc giản đơn
Được biết, bà Nguyễn Thị Điền sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo. Ba má của bà phải làm lụng rất vất vả đủ nghề để nuôi các con khôn lớn. Ba má của bà đều là cơ sở cách mạng xuyên suốt trong kháng chiến chống Mỹ và đều bị bắt cầm tù. Dòng máu lạc hồng chảy trong người, nên 5 anh chị em bà, không ai bảo ai luôn có chí hướng đi làm cách mạng. Anh hai của bà tham gia Biệt động Sài Gòn và là chiến sĩ bị tù đày; chị ba thì năm 1968 cũng thoát ly và hy sinh trong đợt chống càn tại xã Bình Trị (nay là phường Tân Bình). Chị mất... ngọn lửa cách mạng bùng cháy đã dẫn dắt bà đến với tổ chức, đến với cách mạng. Ban đầu bà Điền được giao nhiệm vụ giao liên và quân báo tuyến huyện Dĩ An. Một mình bà quản lý 2 - 3 hòm thư bí mật. Đó là những hũ chao có thể chôn ở ngôi mộ, gốc cây, bờ tường... làm sao thuận lợi cho người chỉ huy nhận và phát lệnh. Bà còn có nhiệm vụ đưa người đi và dẫn đến điểm hẹn… “Tôi làm việc không mệt mỏi, càng vất vả thì lại càng tự hào vì đã phấn đấu hết mình cho mục tiêu cao cả nhất là giải phóng dân tộc”, bà Nguyễn Thị Điền tự hào nói.
Trong những năm kháng chiến, khi địch tăng cường phục kích ruồng bố, càn quét, cán bộ công khai không đi lại hoạt động được thì giao liên mật đóng vai trò vô cùng quan trọng và đòi hỏi sự khéo léo để qua mặt địch. Bà Điền kể: “Tôi nhớ mãi tình huống mà mình phải xử lý và phối hợp tốt các cơ sở đưa cán bộ thoát thế bao vây an toàn. Đó là vào đầu mùa mưa năm 1973, khu rừng Sặc tiếp tục bị càn quét san ủi, 3 đồng chí đã thoát đợt càn về khu Đồng Chàm ẩn náu. Tôi và cơ sở được phân công tiếp ứng cơm nước quần áo, xây dựng kế hoạch đưa các anh về tuyến sau. Tôi liên lạc với cơ sở thuộc xã Tân Đông Hiệp thống nhất giao nhận vũ khí do tôi trực tiếp đem đến được ngụy trang trong hai bao cỏ. Ngày cuối cùng là tổ chức cho 3 cán bộ đi bằng đường hợp pháp, cải trang là những thanh niên đi bằng xe Golben, Mobilett. Đoạn đường 3 cây số thôi nhưng phải qua 3 ngã ba khá nguy hiểm: Tua Gò Mả, Cây Quéo, Cây Thị. Bằng sự khôn khéo, bình tĩnh, chúng tôi đã đưa đến nơi được an toàn...”
Giữa năm 1974, bà Điền được phân công đưa thư kêu gọi một đối tượng đang làm tay sai cho giặc về với cách mạng nhưng không thành. Khoảng 1 tháng sau đó, bà bị cảnh sát - lính 874, đến khám xét nhà, vây bắt, tuy nhiên bà may mắn chạy thoát. Từ đó, bà thoát ly gia đình theo cách mạng; được tổ chức đưa về khu căn cứ Bàu Gốc, Suối Tre.
Bà Điền kể: “Ở căn cứ, các đơn vị thường tập trung lại ngã ba “Tâm tình” để nắm tình hình địch, nhất là hoạt động của biệt kích kinh nghiệm ngụy trang, tránh máy bay đầm già trinh sát, tránh pháo... Sau đó mọi người tháp tùng nhau đi tải lương thực, thực phẩm cho đơn vị. Có thể nói giai đoạn này chịu cảnh đói, rau chỉ với lá rừng, lá tàu bay, lá bứa, động vật bắt được gì ăn nấy, cá khô đù vừa mốc vừa bủn, nướng lên không bỏ thứ gì... Có một món ngon nhất mà cô bác Bình Mỹ cho đó là thịt cọp thật tuyệt vời (muối ớt). Thời gian ở chiến khu không dài nhưng tôi nhớ mãi...”.
Đất nước thống nhất, bằng sự phấn đấu vươn lên không mệt mỏi, bà Điền đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng như Chủ tịch UBND huyện Dĩ An, Giám đốc Sở Công thương. Bà Điền nói: Nếu có ai hỏi tôi muốn gửi lại điều gì cho con cháu, cho thế hệ trẻ, tôi không ngần ngại trả lời: “Sống phải có lý tưởng và hết mình vì lý tưởng, đó là hạnh phúc”…
THU THẢO