Ta về nắng có vàng tay...
Ta về/ nắng có vàng tay/ thu rơi áo người/ Có còn/ ánh mắt đầy vơi/ Lung
linh trong gió/ nói lời thương yêu (Chút hương, Lê Thị
Kim). Mùa thu với thi sĩ, như giai nhân với
người đa cảm, một sắc một tài, xưa nay vốn thường tri âm, tri kỷ cùng nhau. Mùa
thu, nhất là chỉ thoáng hương thu trang điểm ở đất phương Nam, càng nhiều vấn
vương, tơ tưởng lắm. “Chút hương” không nhắc đến một loài
hoa gắn chặt với thu, song bàng bạc ở cả thi phẩm, người ta dễ hình dung trong
một căn phòng nhỏ nhắn của ký ức ở buổi chiều vàng óng ánh, bên ô cửa sổ có cô
gái ngồi đợi người yêu, trên chiếc bàn gỗ với bình cúc vàng rực. Và người đàn
ông ấy dù đến hay không, hoa cúc vẫn vàng rực rỡ như vậy. Và dù cô gái trong buổi
chiều hôm đó là ai, cũng rất đẹp và đầy ám ảnh như thổn thức của nhà thơ vốn là
cô kỹ sư hóa của Đại học Tổng hợp xưa: Ta
về - Ta về/ nắng đã như chiều/ Thơ ngây đã vắng/ Cánh diều đã tan/ Ta về/ đò đã
qua sông/ Người đi để lại trăm năm nỗi buồn. Dường chừng ở đây phảng phất câu
hỏi day dứt cho một cuộc tình đã đi vào hư vô: Nắng thu bây giờ có khác nắng
thu xưa và mai sau liệu còn chút gì đó của hanh vàng chớm thu trong miên man nỗi
nhớ về nhau? Ta về/ Ai có lang thang/ Thả trên lối cỏ/ chút hoàng hôn xưa... Bảng lãng “Chút hương” của Lê Thị Kim
khi mải miết tìm lại thoáng bóng hình cũ, nơi mà chút hoàng hôn xưa tựa chừng một
tinh mơ chớm thu của đất trời phương Nam se se gió sau những ban mai oi ả và cả
những cơn bão cuối năm vội vã ùa về. Ở đó, trên những vòm cây dọc phố nắng vàng
tươi như vẽ để người ta thấy lại chính mình thuở cùng nhau thả trên lối cỏ. Nắng
như mật tình yêu, mật của mùa thu vay mượn trong thi ca cho nhiều vấn vương tơ
tưởng. Phải chăng những câu thơ da diết, thoảng chút hờn dỗi, trách móc: Ta về/
Rét buốt cơn mưa/ Khép đôi cánh hạc/ Cho vừa nhớ mong giờ đây đã trở thành nỗi
nhớ bát ngát của những ai đã thả dọc theo năm tháng cuộc đời để cứ mỗi độ thu về
cứ mãi đi đãi nắng tìm dư vị tình yêu ngày cũ? Ta về/ Lá đổ trong lòng/ Đôi cánh chuồn mỏng/ Bay tung mặt hồ/ Ơi, đôi
cánh nhỏ bơ vơ/ Vá dùm ngang dọc - lòng ta dỗi hờn... Ta đang dỗi hờn ai? Những câu thơ phảng
phất triết lý nhân sinh về mong một cuộc sống bình yên giữa chốn vô thường,
bình yên theo cách nghĩ của nhà thơ để người đọc như thấy đâu đó rằng: “Bình
yên không phải là khi ta sống ở một nơi yên tĩnh, mà ngay cả ở nơi ồn ào nhất,
lúc gặp khó khăn nhất trong cuộc đời, ta vẫn thấy lòng mình thanh thản, không gợn
chút bâng khuâng”. Khi ấy, người ta chợt nhớ mình có khá nhiều chuyện phải làm,
khá nhiều việc phải giải quyết, quá nhiều người để yêu thương, nhiều thứ để bận
tâm. Trong cuộc sống bộn bề lo toan, phiền muộn, ước mong, hy vọng này, liệu ta
có đủ sức để giữ cho ta một trái tim, tâm hồn và cuộc sống bình yên để khỏi vướng
víu nhờ vả vá dùm ngang dọc - lòng ta dỗi hờn? Hỏi tức là trả lời. Bởi với
“Chút hương”, Lê Thị Kim đã chia sẻ rằng chúng ta còn có quá nhiều người để yêu
thương và được yêu thương. Ta được nuôi lớn, được sống trong chính tình yêu
thương đó, vậy mà... Ta luôn cho rằng cái ta gọi là “tình cảm của riêng ta” vẫn
nguyên vẹn, ta bảo thủ và nói “không ai hiểu được ta”. Ta lặng lẽ để sống với
cái ý nghĩ ngông cuồng ấy. Ta làm tổn thương những người mà ta yêu thương và
cũng chính là những người yêu thương ta hết lòng. Ta hãy sám hối để được tha thứ
đi thôi... Ngôn từ thi ca ở “Chút hương” khép lại
bằng những ý thơ rằng hạnh phúc chẳng bao giờ là vĩnh cửu và tất nhiên khổ đau
cũng sẽ không bao giờ là mãi mãi! Sẽ có vui có buồn, có sướng có khổ... đan
xen, xâu chuỗi trong suốt một kiếp người: May/ May có mùa xuân còn chút hương/
Cho ta hiểu lẽ/ Vô - Thường - Hợp - Tan.MINH CHÂU