Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trong những tháng đầu năm 2018, các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh thực hiện cơ cấu lại theo hướng phát triển về quy mô gắn với nâng cao năng lực tài chính, chất lượng điều hành, quản trị. Việc thực hiện cơ cấu đang giúp các QTDND trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả hơn.
Chấn chỉnh hoạt động
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương, thời gian qua hệ thống 10 QTDND trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy vậy, nhìn chung vẫn còn tình trạng có lúc hoạt động của QTDND vẫn còn vi phạm các quy định, sai sót trong công tác quản trị điều hành, kiểm soát nội bộ, huy động vốn, cho vay chưa phù hợp thực tế; thành viên chưa toàn tâm, toàn ý phục vụ mục đích phát triển của quỹ…
Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nói trên được xác định là do xuất phát từ hoạt động của QTDND quy mô nhỏ, một số QTDND điều hành quỹ mang tính chất gia đình, tình cảm thân quen và cả nể trong làm việc. Cùng với đó, công tác quản lý của hội đồng quản trị một số QTDND thiếu sâu sát, chưa ban hành kịp thời các văn bản quy định nội bộ để kiểm soát rủi ro. Bên cạnh đó, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ của QTDND trên địa bàn chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm được giao…
Các QTDND trên địa bàn tỉnh đang tích cực thực hiện cơ cấu lại đơn vị. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại QTDND Phước Hòa (Phú Giáo).
Ảnh: THANH HỒNG
Để chấn chỉnh hoạt động QTDND, đầu năm 2018, NHNN - Chi nhánh Bình Dương đã chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại cho phù hợp với thực trạng của từng đơn vị; mạnh dạn thay thế các thành viên hội đồng quản trị, người điều hành đã lớn tuổi không đủ năng lực. Chi nhánh cũng yêu cầu các QTDND thực hiện cơ cấu lại nguồn vốn, tăng vốn điều lệ và nguồn vốn huy động tại chỗ; tập trung xử lý nợ xấu, tích cực thu hồi nợ đến hạn, quá hạn...
Sau khi thực hiện cơ cấu lại hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, đến nay các QTDND đã hoàn thành một số nội dung theo phương án. Cụ thể, về địa bàn hoạt động, các QTDND trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại đúng theo quy định. Có thể kể đến như QTDND Phú Thọ chấm dứt hoạt động tại khu 12, phường Chánh Nghĩa; QTDND Thanh Tuyền chấm dứt địa bàn hoạt động tại địa bàn xã Long Tân; QTDND Phú Hòa thực hiện phương án tách QTDND Phú Hòa thành lập thêm QTDND Phú Chánh từ hoạt động của phòng giao dịch…
Thực hiện các giải pháp đề ra, đến nay hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định; một số chỉ tiêu cơ bản của các QTDND tăng trưởng, đáp ứng được mục tiêu chính trị của Đảng và Nhà nước về QTDND; phát triển thành viên, phát triển cho vay tăng mạnh, như QTDND Phước Hòa tăng 18,86%, QTDND Phú Hòa tăng 10,71% so với cùng kỳ năm trước... Trong công tác huy động vốn, 9 tháng năm 2018, 10 QTDND trên địa bàn tỉnh đạt trên 1.457 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt trên 1.066 tỷ đồng… Bên cạnh đó, các QTDND trên địa bàn đã chú trọng đa dạng hóa sản phẩm cho vay, phát triển cho vay phù hợp với nhu cầu thực tế của thành viên. Các QTDND cũng kiểm soát chặt chẽ và xử lý tốt nợ xấu nên đến nay tỷ lệ nợ xấu của các QTDND giảm, toàn hệ thống được khống chế ở mức 5,89%.
Nâng cao hiệu quả hoạt động
Ông Võ Đình Phong, quyền Giám đốc NHNN - Chi nhánh Bình Dương, cho biết năm 2018, hướng tới khai thông nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, việc đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao chất lượng hoạt động của các QTDND là một trong những nội dung được ngành ngân hàng quan tâm. NHNN chi nhánh tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại QTDND theo hướng “an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững”. Đồng thời đơn vị tiếp tục phối hợp kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao vai trò tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, cân đối giữa huy động vốn và sử dụng vốn, kiểm soát chất lượng tín dụng.
NHNH - Chi nhánh Bình Dương cũng yêu cầu các QTDND trên địa bàn tiếp tục thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ đề ra trong phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được đơn vị phê duyệt; thực hiện đa dạng hóa các biện pháp xử lý nợ xấu. Về công tác tuyên truyền, các QTDND cần đẩy mạnh phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về chuyển tiếp hoạt động của QTDND; hoàn thiện công nghệ thông tin vào hoạt động QTDND nhằm đáp ứng yêu cầu về quản trị, điều hành, quản lý tài chính, hạch toán kế toán và các quy định về thông tin báo cáo của QTDND.
Đại diện một số QTDND trên địa bàn tỉnh cho biết, thực hiện chuyển tiếp và cơ cấu lại khiến việc thực hiện các mục tiêu của các quỹ có chậm so với tiến độ đề ra trước đó, như chưa cân đối tốt giữa nguồn huy động và cho vay nên có ảnh hưởng đến kết quả hoạt động; lợi nhuận chưa đạt mục tiêu kỳ vọng… Đây là những điểm vướng sẽ tiếp tục được các QTDND khắc phục. Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc QTDND An Thạnh, cho biết trong thời gian tới đơn vị tiếp tục vận động người dân hiểu rõ hơn về hoạt động của QTDND thông qua các hình thức tuyên truyền để người dân tham gia xác lập thành viên, vay vốn và gửi tiền nâng cao quy mô hoạt động của đơn vị. Cùng với đó, đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền địa phương đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, triển khai các biện pháp phòng ngừa nợ xấu gia tăng…
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc yêu cầu các QTDND thực hiện phương án cơ cấu lại QTDND giai đoạn 2016-2020; thực hiện Chỉ thị 06/CT-NHNN ngày 2-10-2018 của NHNN… là những bước đi có tính đồng bộ, thiết thực đối với các QTDND trong việc tự hoàn thiện, nâng cao chất lượng nghiệp vụ, rất thiết thực đối với hệ thống QTDND. Bởi từ đây, hệ thống QTDND tiếp tục phát huy vai trò là bà đỡ cho người dân trên địa bàn, đồng hành cùng người dân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần hạn chế cho vay nặng lãi, đáp ứng được kỳ vọng của Nhà nước và nhân dân về mô hình tín dụng này.
THANH HỒNG