Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Để dụ dỗ các nạn nhân, những đối tượng lừa đảo đưa ra chiêu thức “cảnh báo như thật” khiến nhiều người sập bẫy. Khoảng một tháng gần đây, một số thuê bao di động gặp phải những số điện thoại giả danh cơ quan chức năng để giở trò lừa đảo.
Một thuê bao tự nhận của cơ quan điều tra nhằm hù dọa người dân
Đối tượng mạo nhận là cơ quan công an, cục thuế… cung cấp thông tin giả rằng các bị hại có liên quan đến vụ án hình sự, từ đó buộc họ phải chuyển tiền vào tài khoản của chúng để “kiểm tra”, sau đó nhanh chóng chiếm đoạt.
Bỗng dưng… vướng án hình sự!
Đang di chuyển trên đường cao tốc với tốc độ khá cao, chị Nguyễn Thị Hồng N., phải dừng xe gấp vào lề vì điện thoại đổ chuông. Chị vội dừng xe nghe điện thoại. Một dãy số dài ngoằng hiện lên gồm 13 số 0010560673722 trên màn hình điện thoại. Khi vừa chạm tay vào phím nghe, giọng nữ bên kia nói liên tục một tràng, nội dung đại loại thông báo rằng chị N. đang vướng vào một vụ án hình sự, cơ quan chức năng đang điều tra. Nhấn vào phím số 9 để được giải đáp rõ hơn.
Nhận định đây là một trò lừa đảo, chị N. tắt điện thoại nhưng trong lòng không tránh được sự bực bội vì những kẻ giả danh.
Thực tế, thời gian gần đây không chỉ chị N. mà rất nhiều thuê bao di động khác đều nhận được những cuộc gọi tượng tự. Nhiều người do được cảnh báo hoặc tỉnh táo sẽ nhận ra đây chỉ là trò lừa đảo của đối tượng xấu. Tuy nhiên, vẫn rất nhiều người bị lừa gạt, phần lớn là những người nhẹ dạ, cả tin. Đặc biệt, những gia đình có người thân đang có vấn đề liên quan đến pháp luật, khi nghe cuộc gọi “cảnh báo” như vậy thì thường “hoảng hốt” và bấm ngay số 9 để được tư vấn. Sau khi bấm số này, đối tượng sẽ nói chuyện vòng vo, chung chung vấn đề “phạm tội” của khách hàng rồi đề cập đến chuyện chuyển tiền vào tài khoản để “giải quyết vụ án”.
Cần cảnh giác trước những lời dụ dỗ chuyển tiền
Giữa năm 2018, một người phụ nữ tại phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên nhận được một cuộc điện thoại với nội dung là bà đang nằm trong đường dây mua bán trái phép chất ma túy, rửa tiền và trốn thuế đang bị cơ quan công an điều tra. Cụ thể, người phụ nữ này đã nhận một cuộc điện thoại thông báo có một bưu phẩm, nhưng vì lý do nào đó nên bưu phẩm không thể gửi tới đích như dự định. Từ bưu phẩm “lạ” này, nhân viên tổng đài cho biết người phụ nữ sẽ phải trao đổi với “Công an TP.Hồ Chí Minh” để làm rõ, rồi tiến hành chuyển máy cho người tự xưng là công an ở TP.Hồ Chí Minh trao đổi với chị, dọa nạt rằng chị có liên quan tới đường dây rửa tiền cho nhóm tội phạm ma túy và sẽ bị bắt tạm giam. Kết quả là nạn nhân đã bị lừa một số tiền lớn.
Không chỉ vậy, các đối tượng còn hack tài khoản Facebook, điện thoại để yêu cầu người quen của thuê bao, tài khoản bị hack chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản. Đánh vào lòng tham và sự tò mò của khách hàng, các đối tượng nhắn tin trao giải, khuyến mãi đến các thuê bao điện thoại để yêu cầu chuyển khoản, sau đó sẽ được nhận giải thưởng. Những chiêu trò này vốn dĩ đã cũ mèm nhưng thời gian gần đây tiếp tục bùng phát, khiến nhiều người nhẹ dạ trở thành nạn nhân.
Liên quan đến loại tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội, điện thoại, Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: “Hiện nay tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội, mạng điện thoại… là một loại tội phạm mới với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, rất tinh vi. Cơ quan công an khuyến cáo khi gặp phải các trường hợp có đối tượng gọi điện hoặc vô cớ nhận được lệnh tạm giam thì mọi người lưu ý phải cần hết sức bình tĩnh, cảnh giác, không làm theo những điều chúng dẫn dắt. Ngừng tiếp chuyện ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường và nhanh chóng trình báo cụ thể tới cơ quan công an để kịp thời xử lý.
Khách hàng của các thuê bao điện thoại, chủ các tài khoản mạng xã hội phải cần lưu ý rằng lực lượng công an khi liên hệ làm việc phải có giấy mời, giấy giới thiệu hoặc đi cùng với công an khu vực… chứ không liên lạc qua điện thoại kiểu như trên.”
Về phía các nhà mạng di động, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Bình Dương, cho biết: “Tình trạng các đối tượng dùng chiêu trò lừa đảo khách hàng sử dụng mạng di động đã xuất hiện từ lâu. Hầu hết các nhà mạng đều gặp, trong đó có Vinaphone. Để ngăn chặn tình trạng trên, chúng tôi thường cảnh báo cho khách hàng sử dụng dịch vụ của mình bằng cách đăng thông tin cảnh báo trên tờ cước hóa đơn điện thoại, trên website của VNPT, trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị chức năng trong việc xác minh thông tin thuê bao cũng như hoạt động tuyên truyền công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm công nghệ cao.
Đối với khách hàng của VNPT khi trúng thưởng các chương trình đều được nhận phần thưởng trước, sau đó mới thu tiền thuế của khách hàng. Phần thuế thu của khách hàng là VNPT đứng ra thay mặt khách hàng nộp vào thuế. Chúng tôi không yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản trước khi nhận phần thưởng. Ngoài ra, khách hàng có thể xem cước phí sử dụng trên trang web của VNPT. Thủ đoạn của các đối tượng sẽ ngày càng tinh vi, vì vậy VNPT khuyến cáo khách hàng nên thận trọng, tránh để đối tượng xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. ”
Trung tâm Kinh doanh VNPT Bình Dương khuyến cáo khách hàng trên tờ cước thu phí hoặc website, khách hàng cần lưu ý: Hiện tại, có rất nhiều cuộc gọi giả đầu số nhà mạng gọi qua internet đến thuê bao điện thoại cố định Gphone, di động của VNPT trên khắp địa bàn tỉnh Bình Dương và mạo danh là các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, tòa án, viện kiểm sát; giả danh các nhà mạng, bưu điện… thông báo nợ cước, đe dọa có liên quan đến đường dây tội phạm hoặc thông báo trúng thưởng, tặng quà có giá trị, người thân bị nạn. Sau đó, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản, nạp thẻ cào điện thoại cho đối tượng và chiếm đoạt. Đề nghị người dân cảnh giác tuyệt đối không chuyển tiền bất cứ hình thức nào. Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn có thể liên hệ về trực ban Công an tỉnh Bình Dương, điện thoại 0274 3822.638 hoặc tổng đài CSKH của VNPT Bình Dương qua số 0274 .800.126 để được hỗ trợ. |
TÂM TRANG