Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Năm 2023, TP.Tân Uyên thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đứng trước những khó khăn chung, ngay từ đầu năm, địa phương đã có những định hướng, mục tiêu cụ thể nhằm từng bước phục hồi nhanh nền kinh tế, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
TP.Tân Uyên tận dụng mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Trong ảnh: Đường vào cảng Thạnh Phước
Chủ động nhiều giải pháp
Đến thời điểm này, các ban, ngành, doanh nghiệp (DN) của TP.Tân Uyên đang tập trung vượt qua khó khăn, thích ứng với tình hình mới, góp phần thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023. Hiện các DN, nhà đầu tư cũng đang nỗ lực vượt qua những thách thức mới trong hiện tại, tìm cơ hội trong khó khăn và có những giải pháp mang tính đột phá.
Bà Cao Thị Thúy An, đại diện Công ty Cổ phần Tekcom (TP.Tân Uyên), chia sẻ với những khó khăn chung của kinh tế thế giới, lạm phát ở Hoa Kỳ, EU… năm 2023 ngành gỗ phải đối mặt với những thách thức lớn, ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu, nhưng 3 tháng cuối năm tình hình đã khả quan hơn. “DN chúng tôi cũng đã chủ động lên các phương án dự phòng nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại, tận dụng các thời cơ để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn cuối năm và thời gian tới”, bà An cho biết.
10 tháng của năm 2023, các cấp, ngành, địa phương của thành phố đã bám sát sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, kế hoạch đềra. Cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, nhân dân và nỗ lực từ các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn, tình hình sản xuất công nghiệp của thành phố vẫn được duy trì, từng bước tận dụng các thời cơ để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Nhiều giải pháp trọng tâm được triển khai đồng bộ, quyết liệt đã tiếp sức cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt được những kế hoạch đề ra năm 2023.
Để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, đồng thời hỗ trợ DN phục hồi và phát triển, mới đây lãnh đạo TP.Tân Uyên yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của thành phố trong những tháng còn lại của năm 2023.
Hiệu quả trong thu hút đầu tư
Trong những năm gần đây, TP.Tân Uyên luôn đi đầu trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Ngoài hệ thống hạ tầng giao thông đối ngoại, tại TP.Tân Uyên còn có các tuyến giao thông đối nội quan trọng được đầu tư quy hoạch mở rộng lộ giới lên tới 28m, đây cũng chính là tuyến giao thông có ý nghĩa đặc biệt để TP.Tân Uyên phát huy hết tiềm năng phát triển KT-XH.
Nhà máy TNHH LEGO Manufacturing Việt Nam (thuộc Tập đoàn LEGO, Đan Mạch) được khởi công vào tháng 11- 2022 tại KCN VSIP III trên phần đất thuộc phường Hội Nghĩa, TP.Tân Uyên với vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ đô la Mỹ. Sau một năm thi công, đến nay nhà máy đã đạt được tiến độ đáng kể trong quá trình xây dựng. Mới đây, LEGO đã tiến hành cất nóc tòa nhà đúc khuôn và đánh dấu cột mốc 3 triệu giờ làm việc an toàn tại công trường xây dựng nhà máy ở VSIP III. Theo lãnh đạo công ty, đây là một cột mốc lớn bởi đúc khuôn là một bước quan trọng và đầu tiên trong quy trình sản xuất ra những bộ đồ chơi LEGO. Dự kiến đến cuối năm 2024, nhà máy sẽ tuyển dụng hơn 500 nhân công, trong đó một số lượng đáng kể sẽ làm việc tại tòa nhà đúc khuôn này.
Hiện nay, TP.Tân Uyên sở hữu nhiều khu cụm công nghiệp như: Nam Tân Uyên, Tân Lập, Uyên Hưng, Phú Chánh… Đặc biệt KCN VSIP III đã triển khai xây dựng với quy mô lên đến 1.000 ha, tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến hơn 6.400 tỷ đồng. Hiện tại đã có 31 DN trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu khả năng phát triển sản xuất tại đây, tương đương 176 ha đất công nghiệp và 1,8 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư dự kiến.
Sự phát triển của các KCN, cụm công nghiệp đã giúp TP.Tân Uyên thay đổi cơ cấu kinh tế với công nghiệp phát triển ngày càng mạnh mẽ. Theo UBND TP.Tân Uyên, tính đến nay, thành phố thu hút gần 2.700 DN, trong đó, đầu tư trong nước 2.040 DN với tổng số vốn đăng ký gần 34.000 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài 642 DN với tổng số vốn đăng ký là trên 5,3 tỷ đô la Mỹ.
Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên, cho biết thời gian tới, TP.Tân Uyên tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Thành phố chú trọng phối hợp với Ban Quản lý KCN tỉnh đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các KCN nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong công nghiệp, cảng, logistics.
“TP.Tân Uyên sẽ tập trung thu hút đầu tư các dự án chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh vào các KCN, trọng tâm là các KCN VSIP III, Nam Tân Uyên mở rộng. Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho DN, nhà đầu tư. Trong đó, tạo điều kiện tốt nhất để các DN trên địa bàn ổn định sản xuất, xuất khẩu và kinh doanh bền vững”, ông Đoàn Hồng Tươi cho biết thêm.
NGỌC THANH - VĂN DŨNG