| 23-01-2024 | 09:04:44

Tận dụng cơ hội, thu hút đầu tư hiệu quả

Năm 2024, TP.Tân Uyên đã đặt mục tiêu sẽ đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 13 - 14% so với năm 2023, thương mại - dịch vụ tăng 23 - 25%, tạo việc làm mới cho 6.000 lao động. Để sớm trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại, đô thị phía nam của tỉnh, thu hút các nhà đầu tư lớn, TP.Tân Uyên đang tích cực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp.


Khu công nghiệp VSIP III hứa hẹn thu hút lượng lớn lao động, các chuyên gia, kỹ sư cấp cao đến sinh sống và làm việc, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương

Công nghiệp phát triển mạnh

Năm 2023, TP.Tân Uyên đón thêm 213 doanh nghiệp (DN) trong nước đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 1.211 tỷ đồng, 6 DN vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký trên 4,9 triệu đô la Mỹ. Hiện trên địa bàn thành phố có 2 khu công nghiệp (KCN), 3 cụm công nghiệp với 2.079 DN trong nước, tổng vốn đăng ký trên 34.180 tỷ đồng, 643 DN nước ngoài, tổng vốn đăng ký trên 5,3 tỷ đô la Mỹ. Cơ cấu kinh tế công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng lần lượt là 62,30% - 36,61% - 1,09%. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng ước đạt 37.332 tỷ đồng, tăng 13,14% so với năm 2022.

TP.Tân Uyên đang có 2 dự án KCN VSIP lớn nhất Bình Dương và cả nước. Đó là VSIP II có quy mô 2.045 ha và VSIP III quy mô hơn 1.000 ha, có tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến là 6.407 tỷ đồng. Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đã đầu tư xây dựng nhà máy tại VSIP III với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ đô la Mỹ. Ngoài ra, TP.Tân Uyên còn có các KCN Nam Tân Uyên, Nam Tân Uyên mở rộng, các cụm công nghiệp Uyên Hưng, Thái Hòa, Phú Chánh… đã và đang thu hút lượng lớn lao động, các chuyên gia, kỹ sư cấp cao đến sinh sống và làm việc.

Sự phát triển của các KCN đã giúp TP.Tân Uyên thay đổi cơ cấu kinh tế với công nghiệp phát triển ngày càng mạnh mẽ. Theo lãnh đạo UBND TP.Tân Uyên, nhờ phát triển công nghiệp và chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, thành phố ngày càng có nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước có số vốn lớn đầu tư tại địa phương. Thành phố đang chủ động, sáng tạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn, trong đó, tích cực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp.

Hiện Tân Uyên đang có 2 dự án giao thông trọng điểm là đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh và cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành mà phần lớn diện tích đi qua địa bàn thành phố. Theo lộ trình, 2 dự án này sẽ hoàn thành trong năm 2025, tiếp tục mở ra động lực tăng trưởng mới cho địa phương. TP.Tân Uyên cũng đang tập trung huy động nhiều nguồn lực để chỉnh trang đô thị, xây dựng nhà ở và triển khai hàng loạt dự án phát triển hạ tầng nhằm tăng cường tính liên kết vùng như Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, cầu Bạch Đằng 2, đại lộ Uyên Hưng - Thủ Dầu Một, đại lộ Nam Tân Uyên cùng các tuyến huyết mạch ĐT743, ĐT747B, nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT746…

Huy động mọi nguồn lực

Theo ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên, năm 2024, nhằm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thành phố tiếp tục mọi nguồn lực đầu tư và đẩy nhanh tiến độ cho các công trình trọng điểm, động lực của tỉnh, góp phần tạo không gian mới về đô thị, kinh tế, tạo nguồn lực để bảo đảm tăng trưởng của địa phương trong dài hạn.

Dù mới thành lập hơn 1 năm, nhưng KCN VSIP III đã thu hút được hơn 1,54 tỷ đô la Mỹ. Ngoài dự án hơn 1,3 tỷ đô la Mỹ của Tập đoàn LEGO, năm 2023, VSIP III đã thu hút thêm 223 triệu đô la Mỹ. Trong đó, Tập đoàn Pandora, thương hiệu trang sức Đan Mạch cũng đã đầu tư xây dựng cơ sở chế tác trang sức với tổng vốn đầu tư khoảng 163 triệu đô la Mỹ để xây dựng cơ sở sản xuất đầu tiên tại Việt Nam, đáp ứng 60 triệu sản phẩm trang sức mỗi năm và tạo ra việc làm cho hơn 6.000 người, dự kiến nhà máy bắt đầu sản xuất vào cuối năm 2024. Các dự án này đã và đang mở ra nhiều cơ hội góp phần gia tăng năng lực sản xuất của lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, từng bước hình thành chuỗi sản xuất đồng bộ với giá trị gia tăng cao.

Đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư vào các KCN, TP.Tân Uyên đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển để nhanh chóng cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối đến các KCN. Trọng tâm trước mắt tập trung đầu tư vào lĩnh vực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng mạng lưới giao thông đấu nối, kết nối, đồng bộ; nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các tuyến đường giao thông huyết mạch. Thu hút, mời gọi đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp dịch vụ hậu cần (logistics), ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông vận tải đường thủy, hệ thống cảng bến để tạo động lực thúc đẩy phát triển.

Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên: Để tiếp tục phát triển công nghiệp, tăng thu hút đầu tư, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về hạ tầng, nguồn nhân lực, môi trường ổn định, minh bạch, đồng thời hình thành quỹ đất sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án. Qua đó, phấn đấu xây dựng TP.Tân Uyên là một trong những địa phương phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị - nông nghiệp đô thị mạnh mẽ của tỉnh.

TRIẾT NHÂN - VĂN DŨNG

Chia sẻ