| 20-04-2021 | 08:12:41

Tập trung phát triển thương mại - dịch vụ chất lượng cao

Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TU ngày 7-12- 2016 của Thành ủy Thủ Dầu Một về Kế hoạch phát triển dịch vụ chất lượng cao (DVCLC) của thành phố giai đoạn 2016-2020, cho biết lĩnh vực DVCLC phát triển khá toàn diện, đúng định hướng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên.

 Giai đoạn 2020-2025, thành phố tiếp tục phát triển kinh tế theo cơ cấu dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp đô thị, ưu tiên phát triển DVCLC. Trong ảnh: DV ngân hàng tại TP.Thủ Dầu Một ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân

 Đa dạng dịch vụ

Cụ thể, trong giai đoạn này lĩnh vực dịch vụ (DV) tăng bình quân 27,17%, chiếm tỷ trọng 60,89% trong cơ cấu kinh tế thành phố năm 2020. Một số lĩnh vực DV chất lượng cao, có tiềm năng, sức cạnh tranh phát triển mạnh. Nhiều công trình hạ tầng DV quan trọng đã được hình thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Trong đó, người dân, doanh nghiệp được cung cấp các dịch vụ về giao thông, điện, nước khá tốt. Điểm nổi bật là các ngành DVCLC như tài chính, ngân hàng, điện tử, hàng gia dụng, y tế, vận tải, du lịch, thực phẩm... phát triển nhanh trên các tuyến đường lớn như: Trần Văn Ơn, Cách Mạng Tháng Tám, 30-4, Đại lộ Bình Dương… Trên địa bàn thành phố có hệ thống phân phối gồm 6 siêu thị, 36 cửa hàng tiện ích và hàng ngàn cửa hàng bán lẻ các ngành hàng đang hoạt động hiệu quả, lưu thông hàng hóa trên địa bàn thông suốt.

Cùng với đó, hệ thống tài chính, DV ngân hàng phát triển theo hướng vừa nâng cao chất lượng và hình thức huy động, vừa mở rộng đầu tư cho vay, đáp ứng ngày càng cao về vốn. Thành phố hiện có 53 ngân hàng và 4 Quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động. Nhằm đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm chất lượng cao, vận chuyển chuyên dùng, thành phố đã xây dựng đề án nâng cao chất lượng hệ thống giao thông công cộng đối nội và đối ngoại bằng xe buýt, xe buýt chất lượng cao; đồng thời từng bước quản lý tốt việc khai thác có hiệu quả vận tải đường thủy (đoạn sông Sài Gòn) thông qua cảng Bà Lụa.

Lĩnh vực bưu chính viễn thông, truyền thông ngày càng hiện đại, thuận lợi cho người sử dụng. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố vừa mới thành lập một đơn vị hoạt động logistics tại phường Phú Lợi, sẽ tạo điều kiện thông quan, kịp thời lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu phục vụ cho sản xuất. Song song đó, các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lĩnh vực y tế giáo dục, DV nhà ở gắn liền với phát triển đô thị, DV khoa học công nghệ… ngày càng được mở rộng, bước đầu đã đóng góp đáng kể vào việc tăng trưởng kinh tế chung của thành phố.

Cần cú hích để phát triển

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong 5 năm qua, lĩnh vực DV của thành phố cũng còn những hạn chế nhất định. Thành phố chưa thu hút mạnh nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng thương mại - DV, DVCLC tuy có phát triển về số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế ở một số lĩnh vực như khám chữa bệnh, giáo dục - đào tạo, logistics, bảo hiểm nông nghiệp… Một số DV phát triển yếu và chưa đồng bộ như khoa học công nghệ, nhà hàng chất lượng cao, du lịch đặc thù, lịch sử văn hóa ở địa phương. Tốc độ triển khai một số dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, nhà ở xã hội, trung tâm thương mại, siêu thị còn chậm so với kế hoạch được phê duyệt…

Trước những hạn chế nêu trên, bà Nguyễn Thu Cúc, Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một đã yêu cầu các ngành đánh giá, phân tích làm rõ những mặt hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, làm cơ sở để xây dựng phương hướng, nhiệm vụ của thành phố giai đoạn 2020- 2025. Theo đó, thành phố sẽ tập trung phát triển DVCLC có lợi thế, tiềm năng lớn, công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng. Định hướng phát triển đô thị kết hợp trung tâm thương mại DV với các loại hình chất lượng cao như mạng lưới chợ, chợ đêm, bến du thuyền, siêu thị, tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải, nhà ở...

Mục tiêu của thành phố là tiếp tục phát triển đồng bộ các DVCLC phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị theo hướng văn minh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn 2020-2025. Chú trọng các DVCLC có tốc độ tăng trưởng nhanh, có lợi thế so sánh, tiềm năng lớn, sức lan tỏa mạnh, giá trị tăng cao. Người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận thuận lợi, sử dụng an toàn các sản phẩm DVCLC với chi phí hợp lý.

 THANH HỒNG

Chia sẻ