Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Mở rộng, nâng cấp đường ĐT745 để thu hút đầu tư vào vùng Tam giác sắtTrong không khí sôi động của những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9, khi mà quân và dân cả nước đang náo nức chuẩn bị kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, hướng đến Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội... chúng tôi trở lại thăm vùng Tam giác sắt, nơi đã từng hứng chịu nhiều cơn mưa bom bão đạn của quân giặc xâm lược trong chiến tranh chống Mỹ, những xã thuộc vùng Tam giác sắt nằm trên địa bàn phía Tây Nam huyện Bến Cát (nên thường được gọi là Địa đạo Tây Nam Bến Cát) là Phú An, An Tây và An Điền đã kiên cường chống giặc, giữ đất cho đến ngày đuổi sạch bóng quân thù nhờ vào chỗ dựa của lòng dân và thế trận chiến tranh nhân dân...
Có thể nói sự hy sinh của nhân dân ở vùng Tam giác sắt là vô cùng lớn lao, nơi đây nhiều chiến sĩ du kích đã lập công xuất sắc và trở thành dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt xe cơ giới nổi tiếng... Hòa bình lặp lại, việc khắc phục hậu quả chiến tranh để xây dựng và phát triển quê hương cũng là nhiệm vụ không kém phần nặng nề, vất vả. Phát huy tinh thần kiên trung, bất khuất trong đấu tranh với giặc thù, trong xây dựng quê hương, người dân Tam giác sắt lại lao động cần cù, chăm chỉ đạt nhiều thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Dù Phú An, An Tây, An Điền vẫn còn là những địa bàn thiên về nông nghiệp nhưng những hình ảnh công nghiệp đã dần dần hiện diện ở tại nơi đây. Theo con đường nhựa ĐT745 rộng rải, thẳng tắp, có những đoạn đang tiếp tục thi công, nâng cấp, chúng tôi ghé thăm xã Phú An và được Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Ngân cho biết: Trong năm 2009 và 6 tháng đầu năm 2010, tình hình kinh tế của Phú An tiếp tục phát triển khá ổn định. Diện tích gieo cấy lúa đạt kế hoạch đề ra, công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi thực hiện tốt không để xảy ra dịch bệnh. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao thường xuyên được duy trì phục vụ cho nhân dân; các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đối tượng theo Nghị định 67 và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn luôn được quan tâm hỗ trợ về vật chất, tinh thần và được chăm sóc về sức khỏe. Công tác khám và điều trị bệnh tại trạm y tế xã từng bước được nâng cao, các chương trình y tế quốc gia, chương trình thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm... được thực hiện tốt.
Trong năm 2010, xã Phú An được cấp trên phê duyệt 7 tuyến đường giao thông nông thôn và đã tổ chức thi công được 4 tuyến là: nâng cấp sỏi đỏ 3 tuyến đường bà Tám Gò Mã dài 159m (thuộc ấp Bến Liễu), đường từ nhà ông Hồ đến nhà ông Hai Xê dài 348m (thuộc ấp Phú Thuận), đường từ nhà ông Bảy Út đến cầu Lò Đường dài 420m (thuộc ấp An Thuận, Bến Giãng) và bê tông nhựa đườngtừ nhà ông Tư Kiến đến nhà ông Mười Thêm dài 192m (thuộc ấp Phú Thuận); riêng 3 tuyến đường còn lại UBND xã đã hoàn chỉnh thủ tục chỉ định thầu chuẩn bị thi công...
Từ Phú An, chúng tôi tiếp tục đến thăm xã An Tây, cũng là một trong những xã thuộc Tam giác sắt anh hùng trong chiến tranh những năm trước đây. Hiện nay, An Tây có nhiều sự thay đổi rõ nét mặc dù nông nghiệp và phát triển nông thôn được xác định vẫn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong đời sống kinh tế của người dân địa phương với cơ cấu nông nghiệp được chuyển dịch theo hướng giảm diện tích cây lúa nước chuyển sang trồng cây cao su, cây ăn trái, cây kiểng và nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao...
Tính đến 6 tháng đầu năm 2010, toàn xã có 4 khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích 1.000 ha, ngoài các khu công nghiệp tập trung, An Tây còn có hơn 35 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn. Thương mại - dịch vụ ở An Tây cũng phát triển mạnh mẽ, đến nay xã có khoảng 500 cơ sở sản xuất - kinh doanh cá thể, trong đó có 24 cơ sở hoạt động công nghiệp, còn lại là các cơ sở hoạt động thương mại, vận tải, nhà nghỉ, khách sạn, kinh doanh ăn uống, bưu chính viễn thông và các loại dịch vụ khác... Đến nay, diện tích cây hàng năm của xã tương đối ổn định, nhưng diện tích cây lâu năm có giảm bớt do quy hoạch công nghiệp, hiện toàn xã có khoảng 250 ha cây cao su, 50 ha trồng cây ăn trái, 11 ha trồng cây cảnh, chủ yếu là cây mai, ngoài ra còn có 11 ha nuôi trồng thủy sản... Các mặt công tác xã hội như chi trả chế độ, chăm lo thăm hỏi gia đình chính sách, vận động thăm, tặng quà cho những gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn thực hiện khá tốt. Công tác vận động kế hoạch hóa gia đình cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu huyện giao, những hoạt động chăm lo trẻ em cũng được quan tâm thực hiện... Đội ngũ cán bộ, công chức của xã dần dần được trẻ hóa và nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ...
Nằm trong cụm 3 xã vùng Tam giác sắt, An Điền cũng là một xã kinh tế nông nghiệp nằm dọc theo 2 trục lộ chính là lộ 7A và đường ĐT745 về phía Tây huyện Bến Cát, cách trung tâm huyện 1km. An Điền có chiều dài 17km, được chia làm 5 ấp với diện tích tự nhiên 3.129,39 ha, trong đó diện tích nông nghiệp là 2.644,74 ha. Dân số An Điền có trên 12.100 khẩu, trong đó có 60% dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, 18% tiểu thủ công nghiệp và 22% thương mại - dịch vụ...
Trong thời gian qua, phát huy truyền thống là một xã anh hùng của vùng Tam giác sắt, Đảng bộ và nhân dân xã An Điền đã có sự đoàn kết chặt chẽ, tổ chức thực hiện hoàn thành các chương trình kế hoạch, mục tiêu đề ra... Nhờ kinh tế ngày càng phát triển, từ một xã thuần nông nghèo, An Điền dần tiến đến là một xã khá của huyện Bến Cát, đời sống của người dân dần được cải thiện. Người dân tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động do địa phương phát động, đặc biệt là phong trào giao thông nông thôn. Việc quy hoạch và phát triển công nghiệp đã thu hút nhiều lao động vào làm việc trong các công ty, xí nghiệp, giải quyết đáng kể số lao động nhàn rỗi trong thanh niên nông thôn...
Với truyền thống kiên cường trong đấu tranh giữ nước, hy vọng quân và dân các xã Tam giác sắt anh hùng sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tích hơn nữa trong xây dựng và phát triển địa phương...
B.MINH