Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Chủ trương nhất quán của tỉnh là phát triển phải hướng đến mục tiêu vì con người. Những chính sách hỗ trợ, chăm lo đời sống người dân được thực hiện thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở với nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực, góp phần bảo đảm tốt công tác an sinh xã hội (ASXH) trên địa bàn...
Kỳ 1: Năng động, hiệu quả trong phát triển kinh tế
Kỳ 2: Tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển
Kỳ 3: “Mang” nghề nghiệp, việc làm đến với người lao động
Kỳ 4: Linh hoạt chính sách, bảo đảm an sinh xã hội
Hỗ trợ thiết thực
Bình Dương luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách ASXH, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế bền vững, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Để thực hiện tốt công tác ASXH trên địa bàn, ngoài sự quan tâm thường xuyên của Đảng và Nhà nước, còn có sự tham gia chung sức của cộng đồng xã hội.
Trong thực hiện các chính sách về ASXH, Bình Dương luôn bảo đảm thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công. Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cho biết trong những năm qua, cùng với nỗ lực phấn đấu, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền tỉnh luôn xác định công tác thương binh liệt sĩ, người có công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và đã chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người có công. Sở LĐ- TB&XH cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành những chính sách nổi bật hỗ trợ cho đối tượng người có công.
Lãnh đạo tỉnh trao tặng tiền hỗ trợ cho các địa chỉ nhân đạo trên địa bàn
Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, tỉnh đều chi hỗ trợ tiền và quà thăm các đối tượng người có công trên địa bàn. Ngoài mức hỗ trợ theo quy định, tỉnh còn thành lập và tổ chức đoàn đến thăm tặng quà trực tiếp cho các đối tượng người có công tiêu biểu ở các địa phương. Tổng kinh phí thực hiện là trên 60 tỷ đồng/năm... Với nhiều hình thức chăm lo, hỗ trợ đã kịp thời động viên, tạo thêm điều kiện để người có công có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Theo số liệu báo cáo đến cuối năm 2020, 99,94% người có công trong toàn tỉnh có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân cùng nơi cư trú.
Các đối tượng khó khăn, yếu thế trong xã hội cũng được chăm lo thường xuyên thông qua những hoạt động hỗ trợ thiết thực. Theo ông Lê Minh Quốc Cường, Bình Dương luôn là một trong các tỉnh, thành trong cả nước sớm nâng mức chuẩn nghèo cao hơn so với chuẩn nghèo quốc gia. Từ năm 2004 đến nay, Bình Dương đã có 9 lần nâng chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo quốc gia từ 1,3 - 3 lần, riêng giai đoạn 2016-2020 cao hơn 1,7 lần… Bằng các giải pháp đồng bộ và có chiều sâu của các cấp, các ngành trong tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã đạt được kết quả khả quan. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh còn 3.114 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,95% và 3.031 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,93%. Như vậy, từ năm 2016 đến cuối năm 2020, toàn tỉnh giảm được 4.566 hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh, bảo đảm giảm tỷ lệ hộ nghèo theo mục tiêu đề ra, cơ bản không có hộ nghèo theo chuẩn Trung ương và không có hộ tái nghèo.
Trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách về giảm nghèo nói chung và một số chính sách đặc thù của tỉnh. Các mô hình giảm nghèo hiệu quả còn được nhân rộng, như chính sách về tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã giải quyết cho 30.150 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn với tổng kinh phí là 1.452 tỷ đồng; nâng mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo từ 70% lên 100%; hỗ trợ từ 30% lên 100% mua bảo hiểm y tế cho người có mức sống trung bình làm nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; thực hiện chính sách bảo lưu 2 năm cho các hộ mới thoát nghèo, giúp hộ mới thoát nghèo có thời gian, điều kiện tốt hơn để ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Thực hiện chính sách nhà ở, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh hỗ trợ xây cho hộ nghèo được 653 căn nhà, với tổng kinh phí hơn 53,5 tỷ đồng...
Tiếp tục quan tâm
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đặc thù của tỉnh Bình Dương là dân số cơ học tăng rất nhanh, người ngoài tỉnh đến Bình Dương lao động, sinh sống, làm việc, học tập, công tác rất nhiều, chiếm khoảng 57% dân số trên địa bàn tỉnh. Vì thế, việc quan tâm thực hiện chính sách ASXH của tỉnh gần như hàng đầu trong nhiều chính sách của địa phương. Ngoài việc dành một phần đáng kể trong ngân sách, tỉnh còn vận động xã hội hóa để thực hiện công tác này. Mặt trận và các đoàn thể cùng cấp ủy các cấp đều triển khai vận động xã hội hóa nhằm có thêm nguồn lực chăm lo cho tất cả các đối tượng, từ đối tượng chính sách đến các đối tượng yếu thế, đặc biệt là trong công nhân lao động.
Có thể thấy, từ sự quan tâm của tỉnh với những chính sách đặc biệt trong ASXH được triển khai thực hiện đã góp phần nâng cao mức sống của người dân trên địa bàn. Từ năm 2017, Bình Dương đã được Bộ LĐ-TB&XH công nhận là tỉnh đầu tiên của cả nước không có hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia. Và mới đây nhất, Bình Dương đã được Tổng cục Thống kê công nhận là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước. Để tiếp tục chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống của người dân, mục tiêu trong 5 năm tới, Bình Dương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm ASXH, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; duy trì đạt 100% hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng đầy đủ các chính sách giảm nghèo, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Với sự quan tâm chăm lo, hỗ trợ tích cực bằng nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa, tin rằng Bình Dương sẽ tiếp tục thực hiện thành công những mục tiêu đã đề ra. (Còn tiếp)
l Ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Để giữ được kết quả này, Bình Dương tiếp tục tạo môi trường tốt để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, chủ trương nhất quán của tỉnh là dù dân địa phương hay dân từ các nơi khác đến lao động, sinh sống, tạm trú trên địa bàn tỉnh đều được quan tâm như nhau, mọi người đều có đóng góp vào sự phát triển của tỉnh. Các cấp ủy, chính quyền và mặt trận, đoàn thể các cấp phải tập trung chăm lo cho tất cả người dân. Đặc biệt, đối với khối mặt trận và các đoàn thể phải vận động thật nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm và toàn xã hội để chăm lo cho các đối tượng.
l Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ- TB&XH: Kinh tế phát triển đã tạo ra nhiều nguồn lực, tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi để địa phương thực hiện tốt chính sách ASXH. Bên cạnh đó, phải nói đến là sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh qua các thời kỳ với quan điểm gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, giải quyết các vấn đề xã hội. Có thể nói, những thành quả đạt được nêu trên là do sự thẩm thấu lâu dài trong thực hiện chính sách ASXH trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện tốt phong trào do Chính phủ phát động “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
l Chị Vũ Thị Yến (quê Đắk Lắk, hiện sống ở phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một): Tôi rất hài lòng với những chính sách phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đã thực hiện trong thời gian qua, đặc biệt là sự quan tâm của chính quyền trong việc nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân. Tôi mong muốn cơ quan, chính quyền các cấp tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực hơn nữa, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh, người lao động gặp nhiều khó khăn.
HỒNG THUẬN