| 11-09-2021 | 21:40:16

Thiên thần bé nhỏ chào đời giữa đại dịch…

(BDO) Giữa bầu không khí tĩnh lặng của những ngày thực hiện giãn cách, một thiên thần bé nhỏ đã vượt đại dịch, cất tiếng khóc chào đời. Tiếng khóc trong sự hạnh phúc ấy như muốn xua tan những trầm tư, mệt mỏi và sự căng thẳng trên khuôn mặt của những y, bác sĩ, điều dưỡng đang tham gia điều trị F0 tại Trường Tiểu học Bình Thuận, phường Thuận Giao, TP. Thuận An (Bình Dương).

Mừng rơi nước mắt

Tiếp chúng tôi tại khuôn viên khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Trường Tiểu học Bình Thuận là bác sĩ Nguyễn Đình Thịnh, người vừa cùng đồng đội của mình đỡ đẻ thành công cho mẹ con sản phụ Trần Yến Lan (sinh năm 1987, quê TP.Hồ Chí Minh).

  Bé Huỳnh Văn Thịnh.

Dù đang khoác trên mình bộ đồ bảo hộ ngột ngạt nhưng giọng nói của bác sĩ Thịnh vẫn thể hiện sự vui mừng khôn xiết. Bác sĩ Thịnh chia sẻ, vào giây phút bé chào đời không chỉ riêng cha mẹ của bé mà cả ê kíp đều khóc… vì quá đỗi hạnh phúc và vui sướng.

Tuy lần đầu vào vai một bác sĩ sản nhưng ê kíp trực gồm bác sĩ Nguyễn Đình Thịnh (Phòng Khám Y học cổ truyền Tịnh Tâm Đường, giảng viên thỉnh giảng nhiều trường cao đẳng, đại học y), bác sĩ Nông Thế Tình (Trung tâm Y tế TP.Thuận An), điều dưỡng Đỗ Thị Bích Ngọc (sinh viên năm cuối Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, đang tham gia chống dịch tại Bình Dương), cô Trương Thị Bích Nhật, giáo viên Trường Tiểu học Bình Thuận đã thể hiện sự quyết đoán.   

Theo đó, vào lúc 23 giờ ngày 8-9, bệnh nhân sản phụ Trần Yến Lan bắt đầu xuất hiện những cơn gò đau đẻ. Khi nhận được thông tin, ê kíp trực cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid tại Trường Tiểu học Bình Thuận đã nhanh chóng liên hệ với Trung tâm Y tế Thuận An để điều phối xe cấp cứu và bác sĩ, điều dưỡng khoa sản xuống hỗ trợ.

Trong thời gian chờ đợi lực lượng chuyên môn khoa sản xuống, ê kíp trực gồm 2 bác sĩ, 1 điều dưỡng, 1 giáo viên và lực lượng công an, quân đội nhanh chóng chuẩn bị mọi thứ, sẵn sàng cho mọi trường hợp có thể xảy ra. Giữa màn đêm tĩnh mịch của thời gian giãn cách, mỗi người mỗi việc có mặt lo cho mẹ con sản phụ vượt cạn.

Trong lúc lực lượng hỗ trợ tuyến ngoài đang nấu nước và chuẩn bị một vài thứ thì ê kíp trực cấp cứu bên trong phòng cấp cứu đỡ đẻ dã chiến đang căng mình đếm thời gian. Những cơn gò, sản phụ Trần Yến Lan bắt đầu rên la dữ dội, nhưng được sự động viên, hướng dẫn và hỗ trợ của ê kíp bác sĩ, điều dưỡng nên mọi việc diễn tiến tương đối thuận lợi. Sau vài hiệp rặn, đến 23 giờ 45 phút, sản phụ Trần Yến Lan đã hạ sinh thành công bé trai 3,5kg. Hai mẹ con vượt cạn thành công trọn vẹn.

Khi thiên thần bé nhỏ cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc các bác sĩ, điều dưỡng chi viện từ Trung tâm Y tế Thuận An vừa đến nơi. Họ tiếp tục làm những phần việc chuyên môn của mình như cắt rốn, vệ sinh, tiêm các mũi vắc xin sơ sinh cho bé và khâu tầng sinh môn cho sản phụ.

Lúc này, ê kíp trực của Cơ sở điều trị bệnh nhân Covid Trường Tiểu học Bình Thuận trút được nổi lo của mình. Họ ở lại động viên mẹ con sản phụ thêm 15 phút rồi về phòng làm việc tiếp tục công việc chuyên môn.

Trò chuyện với chúng tôi, điều dưỡng Đỗ Thị Bích Ngọc chia sẻ, đây là lần đầu tiên trong đời em tham gia đỡ đẻ. Trong một điều kiện hết sức đặc biệt và thiếu thốn vật chất, nhưng bằng sự kiên trì, nỗ lực, đồng lòng của cả ê kíp và sự mạnh mẽ của mẹ con sản phụ đã giúp ca đẻ hoàn thành một cách mỹ mãn. Ngọc cho biết thêm, sau lần đỡ đẻ này, tự nhiên cô lại thích nghề làm bà đỡ đẻ. Sau khi hết dịch, trở về trường cô sẽ nghiêm túc suy nghĩ lại về việc tiếp tục xin học thêm chuyên ngành điều dưỡng khoa sản sau khi tốt nghiệp học phần hiện tại.

Đặt tên con ý nghĩa giữa mùa dịch

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương tại Phòng cấp cứu hồi sức đặc biệt Cơ sở điều trị bệnh nhân Covid Trường Tiểu học Bình Thuận, chị Lan chia sẻ khi biết mình bị nhiễm virus SARS-CoV-2 cả gia đình chị như đảo lộn. Theo đó, cả gia đình đang tạm trú tại phường Thuận Giao gồm chồng là Huỳnh Văn Thiện (quê Bạc Liêu), chị và con gái 2 tuổi đều dương tính với Covid, buộc phải đi cách ly điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Đình Thịnh (bên phải) thăm hỏi vợ chồng sản phụ Trần Yến Lan.

Khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư phùng phát, nguồn thu nhập chính của gia đình chị Lan là từ chồng - công nhân, nhưng sau đó cũng bị gián đoạn nên đời sống của gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Chị Lan cho biết dù rất ngại việc đi nhận các phần quà từ thiện, nhưng trong những ngày qua đó là nguồn sống chính của cả gia đình. Khi mới vào khu cách ly điều trị Trường Tiểu học Bình Thuận, các thành viên trong gia đình rất lo lắng. Tuy nhiên, sau khi được các bác sĩ, điều dưỡng ở đây hướng dẫn, động viên nên tâm lý các thành viên trong gia đình thoải mái, an tâm ổn định cuộc sống.

Tiếp chuyện chúng tôi bằng chất giọng miền Tây chân chất, anh Huỳnh Văn Thiện, chồng của sản phụ Trần Yến Lan, cho biết khi được nghe các bác sĩ báo tin vợ chuyển dạ sắp sinh anh rất hồi hộp và rất lo lắng. “Người bình thường sinh nở đã khó khăn, nói gì vợ mình đang bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong người nữa. Lúc đó em lo lắng lắm mà không biết làm gì, chỉ biết mong những điều tốt lành đến với vợ và con”, anh Thiện nói.

Khi được hỏi về ý định đặt tên con, anh Thiện cho biết, để tri ân ê kíp bác sĩ, điều dưỡng đã giúp vợ con anh vượt cạn thành công và ghi nhớ dấu ấn không thể quên trong đời, anh đã bàn với vợ là sẽ đặt tên con theo tên bác sĩ.

Cậu bé 3 ngày tuổi bụ bẩm, kháu khỉnh với nụ cười tỏa nắng như thiên thần đã mạnh mẽ vượt lên đại dịch để đến với thế giới tươi đẹp này. Và cái tên của con cũng đại diện cho những ấm no, hạnh phúc và thịnh vượng - Huỳnh Văn Thịnh.

Bác sĩ Nguyễn Đình Thịnh cho biết, chi phí sinh nở của sản phụ Trần Yến Lan được hỗ trợ 100%. Sau khi sinh, mẹ con sản phụ còn được tặng nhiều quần áo và các bộ dụng cụ hỗ trợ mẹ và bé sơ sinh. Trong suốt 3 ngày qua, tình trạng sức khỏe của hai mẹ con khá ổn định.

Đình Thắng

 

Chia sẻ