Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Hỏi: Sản phẩm bán ra thị trường và được phát hiện có khuyết tật thì nhà sản xuất xử lý sản phẩm này như thế nào?
LÊ THỊ BẠCH MAI (Phú Giáo)
Trả lời: Quy định tại Điều 22 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD), khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm:
- Kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường.
- Thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 5 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 5 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông với các nội dung sau đây: Mô tả hàng hóa phải thu hồi; lý do thu hồi hàng hóa và cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra; thời gian, địa điểm, phương thức thu hồi hàng hóa; thời gian, phương thức khắc phục khuyết tật của hàng hóa; các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi NTD trong quá trình thu hồi hàng hóa.
- Thực hiện việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật đúng nội dung đã thông báo công khai và chịu các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi.
- Báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD cấp tỉnh nơi thực hiện thu hồi; trường hợp việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật được tiến hành trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên thì báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ quyền lợi NTD ở Trung ương.
Hành vi bị cấm trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Hỏi: Có người đến từng nhà, gửi tin nhắn hoặc gửi mail để quảng cáo hàng hóa, dịch vụ của họ mà người tiêu dùng (NTD) không thích. Vậy họ có bị phạt hay không?
NGUYỄN MINH TÂM (huyện Dầu Tiếng)
Trả lời: Khoản 2 Điều 10 và khoản 1, 2 Điều 11 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quấy rối NTD thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của NTD từ 2 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của NTD.
Cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Luật gia XUÂN LẠC