| 12-05-2023 | 09:09:27

Thúc đẩy kết nối giao thương, nắm bắt thị trường

Để vượt qua khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp (DN) mong muốn được hỗ trợ tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh.

 Lãnh đạo Sở Công thương trao đổi thông tin với Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ

 Doanh nghiệp nỗ lực

Ông Nguyễn Thái Phú, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thực phẩm T.P (TP.Thuận An), cho biết trong thời điểm khó khăn, việc được Bộ Công thương hỗ trợ, đồng hành để đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối lớn trên thế giới là một điều DN rất phấn khởi. Các DN mong muốn được hỗ trợ sát sườn, nhất là các tiêu chuẩn cụ thể của sản phẩm để DN có bước chuẩn bị thật kỹ, đáp ứng yêu cầu thị trường. “Với T.P Food, sản phẩm tỏi đen đã vào được thị trường Mỹ nhưng đến nay sản lượng xuất khẩu không nhiều. Chúng tôi mong muốn có sự kết nối từ hệ thống thương vụ Mỹ để xuất khẩu được vào các đối tác tiềm năng. DN cũng hết sức ý thức trong việc nâng cao năng lực sản xuất, cung ứng và tài chính”, ông Nguyễn Thái Phú chia sẻ.

Với ngành chế biến gỗ của tỉnh, thị trường xuất khẩu lâu nay vốn dĩ là thị trường chính. Tuy vậy, trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, các DN ngành gỗ mong muốn tiếp cận với các đối tác trực tiếp, các đơn vị có nhu cầu về sản phẩm trung cao cấp. Đặc biệt, rất cần các thương vụ kết nối, thẩm định năng lực của các đối tác để DN thực sự yên tâm trong giao dịch.

Trao đổi với P.V Báo Bình Dương, bà Nguyễn Thảo Hiền, Vụ phó Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ, cho biết thời gian qua với sự đồng hành của các tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu thế giới, các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam, từ nông sản, thực phẩm tới đồ gia dụng, dệt may, da giày, nội thất... đã tới tay hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối khắp toàn thế giới. Đáng lưu ý, xuất khẩu vào hệ thống phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã thực sự trở thành một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững.

Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển mạng lưới các đối tác chiến lược, nhất là các hãng phân phối bán lẻ đang hiện diện tại Việt Nam hoặc quan tâm chuyển dịch chuỗi cung ứng sang thị trường Việt Nam. Cùng đó, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng nhằm lựa chọn DN nòng cốt, đưa vào hỗ trợ trong hoạt động xuất khẩu. Mặt khác, nghiên cứu, xây dựng, đề xuất những chính sách phù hợp thúc đẩy DN Việt Nam tham gia xuất khẩu trực tiếp. Cùng đó, hỗ trợ DN Việt xuất khẩu, bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, tiếp tục huy động hệ thống ngân hàng hỗ trợ cho DN xuất khẩu bằng giải pháp tài chính đa dạng.

“Các DN cần phải nâng cao năng lực về tài chính, tầm nhìn và sản xuất, đặc biệt là phải thể hiện “sức bền” khi vào các hệ thống phân phối lớn trên thế giới. Có như vậy mới có thể thoát khỏi sự rủi ro lớn từ thị trường thế giới đầy biến động và dự trù những bước đi đường dài. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay DN cần chú trọng sản xuất xanh, bền vững để đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh đang diễn ra mạnh mẽ”, bà Nguyễn Thảo Hiền cho biết.

Hỗ trợ khai thác thị trường

Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang dần phục hồi, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo DN cần tận dụng mọi cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này. Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, nhiều báo cáo, phân tích cho biết nền kinh tế Mỹ suy thoái trong năm 2023, tuy nhiên sự suy giảm này sẽ tương đối nhẹ và ngắn, tăng trưởng sẽ phục hồi vào năm 2024 khi lạm phát tiếp tục giảm và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong năm 2023, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ dự báo hoàn toàn có thể kỳ vọng kim ngạch thương mại hai chiều giữa 2 nước tiếp tục vượt mốc 100 tỷ đô la Mỹ, bởi vậy các DN cần tích cực tìm kiếm bạn hàng, duy trì các mối khách cũ, tận dụng mọi cơ hội để khôi phục xuất khẩu sang thị trường quan trọng bậc nhất này.

Để hỗ trợ DN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Bộ Công thương đã và đang chủ trì các hội nghị quan trọng hướng tới mục đích tìm được các giải pháp khai mở thị trường, vừa giữ vững các mục tiêu xuất khẩu năm 2023, vừa thúc đẩy sản xuất trong nước.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho rằng tình hình chính trị và kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, khó đoán định, tổng cầu thế giới sẽ còn giảm và cạnh tranh xuất khẩu giữa các nước căng thẳng hơn. Vì vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu, DN, hiệp hội ngành hàng cần tiếp tục nghiên cứu, thực hiện cơ chế chính sách để khai thác thị trường mà Việt Nam đang là thành viên của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Cùng đó, tăng cường nắm bắt cơ chế chính sách của các nước nhập khẩu, chú trọng nghiên cứu luật pháp quốc tế để làm tốt chức năng phòng vệ thương mại. Mặt khác, DN sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu cần mạnh mẽ tái cơ cấu trong các khâu quản trị, tổ chức sản xuất, tiết giảm chi phí. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm để xuất khẩu bền vững.

Bà Nguyễn Thảo Hiền cho biết Bộ Công thương chỉ đạo cần làm tốt thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng qua việc tổ chức giao ban định kỳ giữa thương vụ với hiệp hội ngành hàng, DN sản xuất và xuất khẩu lớn trong nước, đại diện địa phương. Ngoài ra, cần đổi mới nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử…

 Cộng đồng DN kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có những giải pháp chính sách hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, nhất là gói tín dụng theo chuỗi giá trị sản phẩm. Ưu tiên cho lĩnh vực xuất khẩu, nghiên cứu có chính sách khoanh, giãn nợ cho DN, nhất là DN sản xuất, xuất khẩu. Đặc biệt, Bộ Tài chính cần xem xét vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ việc giảm, giãn, hoãn một số loại thuế, tạo thêm nguồn lực cho DN phát triển.

 TIỂU MY - CẨM TÚ  

Chia sẻ