| 09-03-2023 | 08:27:49

Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học - công nghệ - Kỳ 2

Kỳ 2: Chuyện không của riêng ai

 Phát triển DN KHCN là câu chuyện khó nhưng rõ ràng với tiềm lực hiện có của Bình Dương không phải là chuyện không thể. Ngay cả khi chưa trở thành DN KHCN, chính từ định hướng của tỉnh trong việc ứng dụng công nghệ cao, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu, sáng chế... cũng là điều kiện tiên quyết để xây dựng DN mạnh và phát triển bền vững.

 Hoạt động tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo công nghiệp 4.0

 Con đường tất yếu

Từ năm 2016, khi thực hiện đề án thành phố thông minh, Bình Dương đã thực hiện một cách tổng thể dựa trên mô hình “3 nhà” gồm Nhà nước, nhà DN và nhà trường/ Viện nghiên cứu, xác định 46 hành động cụ thể trong 4 lĩnh vực: “Con người”, “Công nghệ”, “Doanh nghiệp” và “Các yếu tố nền tảng”. Bình Dương cũng đã hình thành các phòng thí nghiệm chế tạo (Fablab) dựa trên những lĩnh vực thuộc thế mạnh của địa phương, hỗ trợ cho DN nghiên cứu phát triển, nâng cao giá trị hàng hóa, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Con đường đi là đúng đắn. Tuy nhiên, thực tế câu chuyện nghiên cứu phát triển vẫn còn nhiều khó khăn chưa có tiền lệ. Để đẩy mạnh nghiên cứu phát triển trong DN, bên cạnh sự nỗ lực của địa phương cần có sự thống nhất, đồng bộ trong việc quy định những ưu đãi, hỗ trợ triển khai trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Cần có những hướng dẫn cụ thể hơn về việc triển khai các chính sách ưu đãi sử dụng những trang bị trong các phòng thí nghiệm, khai thác tối đa để phục vụ hoạt động nghiện cứu khoa học, phát triển công nghệ.

Hiện các trường đại học, viện nghiên cứu là nơi tập trung các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, nhưng không có nhiều kết quả nghiên cứu đến được với DN và trở thành hàng hóa. Để tương xứng với tiềm năng, ngoài việc tăng cường hợp tác giữa trường đại học, viện nghiên cứu với DN, rất cần chính sách khuyến khích triển khai kết quả nghiên cứu khoa học vào đời sống sản xuất, kinh doanh.

TS.Nguyễn Thị Liên Thương, Giám đốc Viện Phát triển ứng dụng thuộc trường Đại học Thủ Dầu Một, khẳng định: “Hợp tác giữa DN và các đơn vị nghiên cứu là yêu cầu cấp thiết để đẩy mạnh các ứng dụng KHCN trong sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tại trường Đại học Thủ Dầu Một, có thuận lợi lớn khi nhân lực KHCN chuyên môn cao, máy móc thiết bị tiên tiến, kinh nghiệm và năng lực nghiên cứu bài bản. Bên cạnh đó các ngành chức năng cũng hỗ trợ hoạt động kết nối chuyển giao. Dù vậy, khó khăn vẫn đang hiện hữu”.

Theo TS.Nguyễn Thị Liên Thương, hiện nghiên cứu chưa gắn với nhu cầu DN, chưa có tính ứng dụng, thiếu máy móc thiết bị công nghiệp để kết quả phù hợp chuyển giao, thiếu kết nối DN - nhà trường hiệu quả. Trong thời gian tới, cần có mô hình và cơ chế đầu tư, khai thác hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học.

Dưới góc nhìn của DN và bằng kinh nghiệm đã qua thì với ông Mai Quốc Ấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Ngôi sao Bình Dương, cho rằng: “Nếu chỉ làm ra công nghệ tốt hay nhận chuyển giao công nghệ tốt thì chưa đủ. Luật thường đi sau cuộc sống, thay vì trông chờ vào sự thay đổi chính sách, các DN KHCN nói riêng và DN nói chung nên tư duy tạo ra các sản phẩm có công nghệ thân thiện môi trường, giá hợp lý hơn mới có đất sống. Thuận lợi là Chính phủ coi khoa học công nghệ là chiến lược quốc gia với những hướng dẫn ngày càng chi tiết hơn”.

Kỳ vọng từ những bệ phóng

Ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh (BIIC) đã tổ chức hơn 50 sự kiện kết nối, giới thiệu về khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ phát triển ý tưởng khởi nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, mô hình, các khóa đào tạo theo chuyên đề cho các nhóm khởi nghiệp và phát triển dự án”.

Về mặt truyền thông, BIIC cũng xây dựng, quản lý và vận hành trang tin điện tử www. biic.vn và trang fanpage Binh Duong Innovation Center nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời các thông tin về hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, kết nối đến các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Góp phần thực hiện mục tiêu phát triển Bình Dương thành đô thị thông minh, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục vận dụng các cơ chế chính sách để hỗ trợ tối đa, gắn kết thúc đẩy các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025”. Phấn đấu đến năm 2025 Bình Dương sẽ có 4-5 vườn ươm, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp.

TS.Ngô Minh Đức, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU), cho biết: “EIU được đầu tư, thành lập để hoàn thiện hệ sinh thái Becamex IDC. Trong chiến lược phát triển dài hạn, EIU đã có những giải pháp cụ thể đó là hình thành hệ sinh thái thứ cấp ngay trong nhà trường bao gồm các đơn vị có mối tương quan chặt chẽ với nhau như Trung tâm Thí nghiệm chế tạo Fablab, Vườn ươm DN Becamex IDC, Công ty Aspire... nhằm góp phần thúc đẩy, thu hút và hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp tại Bình Dương. Đặc biệt, Trung tâm Đổi mới sáng tạo công nghiệp 4.0 nhằm hỗ trợ chuyển đổi các mô hình sản xuất thâm dụng lao động sang các hình thức sản xuất thâm dụng tri thức và tự động hóa”.

 Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC: “Sau nhiều năm với kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển khu công nghiệp cũng như đúc kết từ việc hợp tác với nhiều đối tác Hàn Quốc, Hà Lan… Becamex IDC nhận thấy phải có trách nhiệm đầu tư phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà. Đây cũng là một trong những lợi thế chính, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Bình Dương. Giai đoạn tiếp theo, Becamex IDC sẽ phối hợp xây dựng các hệ sinh thái phát triển bắt kịp xu thế cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, EIU là trọng tâm để xây dựng nhiều hệ sinh thái giữa các trường đại học, qua đó làm rõ vai trò của mỗi bên trên nền tảng mô hình “3 nhà”: Nhà trường - Nhà nước - nhà doanh nghiệp”.

 TIỂU MY

Chia sẻ