Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 tiếp tục đặt ra bài toán khó cho việc ổn định thị trường tiêu thụ nông sản. Trong đó, những giải pháp linh hoạt để nông sản có thể lưu thông, tiêu thụ thuận lợi, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh được quan tâm.
Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tạo cơ hội mở rộng thị trường cho nông sản của tỉnh luôn được các cấp, ngành quan tâm
Cần giải pháp dài hạn
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong 4 tháng đầu năm 2021, ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt. Các mặt hàng nông sản chủ lực đều tăng cả về năng suất và sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy bị ảnh hưởng bởi khó khăn chung từ đại dịch nhưng thị trường tiêu thụ với nhiều mặt hàng nông sản vẫn ổn định, tổng giá trị xuất khẩu nông sản trong 4 tháng đầu năm đạt trên 17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, bước vào những tháng đầu quý II-2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, lan rộng, bùng phát tăng nhanh toàn cầu. Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là đối tượng doanh nghiệp dịch vụ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình quy mô kinh tế hộ. Do vậy, tại hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện Covid-19” do Bộ NN-PTNT vừa tổ chức, các địa phương tập trung đề nghị tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu, đầu tư vào chế biến… Trong đó, cần điều chỉnh sản xuất nông nghiệp, tăng cường chế biến, bảo quản lưu thông. Các nhà máy chế biến nông sản tăng cường công suất tập trung phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm cấp đông, nước quả cô đặc, gạo, gia cầm chế biến… để chuẩn bị tốt nhất phương án hậu dịch bệnh Covid-19 cho các thị trường Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục nghiêm túc thực hiện mục tiêu kép; thông tin kịp thời về tình hình sản xuất, lưu thông nông sản tại địa phương, chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường. Các cơ quan chức năng của bộ tăng cường giải quyết hồ sơ, kiến nghị của các doanh nghiệp, tham mưu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tham mưu đàm phán với các nước để thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Để mở rộng thị trường xuất khẩu, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sớm cho phép xuất khẩu các mặt hàng trái cây của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, các hiệp hội ngành hàng nông sản phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương tập trung thúc đẩy tiêu thụ nội địa;, đẩy mạnh phát triển các hình thức tiêu thụ nông sản thông qua các loại hình phân phối bán lẻ online; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu …
Hỗ trợ nông dân
Tại Bình Dương, trong những tháng đầu năm 2021, tình hình sản xuất ngành nông nghiệp đạt những kết quả khả quan. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa lưới trên địa bàn xã An Bình, huyện Phú Giáo. Nông dân trồng dưa lưới nơi đây chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc. Với tình hình giãn cách xã hội, các chợ dân sinh, cửa hàng bán lẻ tại một số tỉnh, thành miền Bắc và Hà Nội đóng cửa… dẫn đến việc tiêu thụ nông sản tại các siêu thị, đại lý lớn, nhỏ là đối tác của các hợp tác xã giảm mạnh. Mặt khác, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến việc ký kết các hợp đồng giữa các đối tác, giá cả các mặt hàng nông nghiệp đầu vào biến động tăng nên gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long, cho biết bình thường HTX bán được 3 tấn dưa lưới mỗi ngày đi các tỉnh, nhưng trước tình hình dịch bệnh nên lượng tiêu thụ giảm chỉ còn 1 tấn. Trước tình hình trên, Hội Nông dân huyện Phú Giáo vận động người dân trên địa bàn đăng ký mua ủng hộ, hỗ trợ tiêu thụ số lượng dưa lưới còn tồn đọng, với giá chỉ 20.000 đồng/kg.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết ngành nông nghiệp tỉnh dự báo tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn có thể tiếp tục bị ảnh hưởng. Để ứng phó, góp phần bảo đảm mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngành nông nghiệp Bình Dương sẽ rà soát tình hình sản xuất và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, phù hợp với dự báo thị trường. Ngành thường xuyên cập nhật các nội dung chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, phối hợp Sở Công thương triển khai các giải pháp đa dạng hóa kênh tiêu thụ sản phẩm, đa dạng các biện pháp phân phối hàng hóa, hỗ trợ cho các hợp tác xã, các trang trại phân phối sản phẩm trên thị trường online.
THOẠI PHƯƠNG