| 01-12-2023 | 08:16:25

Thực hiện Đề án 06: Nhiều tiện ích được ứng dụng vào đời sống

Hiện nay, nhiều lĩnh vực được ứng dụng công nghệ số để giải quyết, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Thượng tá Huỳnh Văn Thành, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, cho biết việc hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án 06 sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số đến người dân.


Hưởng ứng tiện ích Đề án 06 mang lại, nhiều chợ truyền thống ở TP.Tân Uyên đã chuyển đổi phương thức thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt

Điển hình như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Cảnh sát quản lý hành chính (C06) Bộ Công an và hệ thống ngân hàng để tổng hợp số liệu xác thực, cấp thẻ ATM, thực hiện chi trả không dùng tiền mặt và giải pháp hiển thị trạng thái quản lý chi trả an sinh xã hội trên app “Bình Dương số” và ứng dụng “VNeID”. Nhờ đó, việc xác thực thông tin khách hàng, đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội chính xác, chống giả mạo; hạn chế được việc mang nhiều loại giấy tờ khi thực hiện giao dịch.

Trong lĩnh vực giáo dục, hiện toàn tỉnh có 100% cơ sở giáo dục phối hợp với ngân hàng, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán triển khai việc thu học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Sở Giáo dục - Đào tạo đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cấp hơn 2.000 chữ ký số “Token” cho các cơ sở giáo dục công lập, cán bộ quản lý và giáo viên THPT và cấp 10.400 tài khoản chữ ký số “HSM” của Ban cơ yếu Chính phủ; đồng thời đã tổ chức tiến hành cài đặt, kích hoạt và tập huấn sử dụng cho tất cả giáo viên được cấp.

Trong lĩnh vực y tế, Công an tỉnh phối hợp triển khai phần mềm quản lý lưu trú “ASM” do ngành công an chuyển giao cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Đến nay, đã có 26 cơ sở y tế đã được cung cấp tài khoản và triển khai nhập thông tin lưu trú của người bệnh, thân nhân người bệnh lưu trú tại các cơ sở y tế.

Tính đến tháng 11-2023, Bình Dương đã triển khai được 1.345 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trong đó có gần 680 DVC toàn trình, hơn 665 DVC một phần; đã triển khai trên Cổng DVCTT tỉnh 1.345/1.345 dịch vụ, đạt tỷ lệ 100%. Riêng Công an tỉnh đã triển khai được 113/124 DVCTT, đạt tỷ lệ 91,13%, trong đó có 65/68 DVCTT toàn trình; 48/56 DVCTT một phần.

Theo Tổ công tác Đề án 06 tỉnh, trong 1 tháng qua (từ ngày 16-10 đến 15-11) đối với 25 DVC trên môi trường điện tử đã tiếp nhận 101.778/140.652 hồ sơ trực tuyến (tỷ lệ trực tuyến đạt 72,36%); trong đó một số dịch vụ tỷ lệ trực tuyến cao, như: Thông báo lưu trú; cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; liên thông khai sinh - đăng ký thường trú- cấp thẻ bảo hiểm...

Nhiều mô hình điểm chuẩn bị triển khai

Theo Tổ công tác Đề án 06 tỉnh, đối với các mô hình điểm đã ký kế hoạch với Bộ Công an thì có 3 mô hình đang chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện, gồm: Mô hình “Triển khai thiết bị giám sát thi cử, sát hạch lái xe”; “Thí điểm triển khai giải pháp xử phạt giao thông và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một”; “Phân tích tình hình lao động”…

HƯNG PHƯỚC

Chia sẻ