| 19-03-2021 | 07:42:02

Tích cực chuyển đổi số, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, giao thương với nhiều nước gặp khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) ở Bình Dương vẫn tìm được cơ hội ngay trong rủi ro nhờ trao đổi trực tuyến với khách hàng, đối tác.

 Ngành da giày đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, phát triển và thiết kế mẫu. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Giày Đông Hưng (TP.Dĩ An)

 Nỗ lực trong mùa dịch bệnh

Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, tuy nhiên, dịch bệnh cũng có tác động tích cực đối với tăng trưởng cả về lượng và chất của một số ngành hàng thông qua thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0.

Ngành gỗ nội thất của Bình Dương bị ảnh hưởng khá nhiều bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng tinh thần vững vàng, các DN trong ngành xem đây như cơ hội để chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đem về kết quả mỹ mãn năm 2020. Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) hoãn các hội chợ, triển lãm thường niên và thực hiện chuyển đổi số để hỗ trợ DN đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Cuối quý 1-2020, BIFA đã cùng các hiệp hội gỗ trong vùng ký kết hợp tác với FPT để xây dựng chuyển đổi số cho ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch BIFA, trên nền tảng này, các nhà sản xuất, chế biến gỗ, nội thất tại Bình Dương có thể trưng bày sản phẩm, mở showroom thực tế ảo. Theo đó, khách hàng có thể tham quan showroom, tìm kiếm sản phẩm chi tiết với hình ảnh phối cảnh, 2D, 3D và trực tiếp liên hệ với người bán thông qua công cụ kết nối có sẵn trên nền tảng. “Nền tảng này không chỉ là giải pháp tạm thời do tác động của Covid-19 mà hướng đến đáp ứng được nhu cầu thay đổi trong tiếp thị, kinh doanh theo xu hướng chuyển đổi số, tận dụng công nghệ trong kinh doanh. Đến nay, các DN ngành gỗ tích cực tham gia các mô hình hội chợ “ảo” và thực sự đem lại kênh kết nối, giao thương giữa các nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng”, ông Hiệp cho biết.

Từ những tín hiệu tích cực này, trong năm 2021, ngành gỗ tiếp tục nỗ lực lớn trong việc tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, nâng cao tay nghề cho người lao động để đáp ứng yêu cầu của khách hàng giao thương online. Ngoài ra, các DN đang tiến hành cải tiến máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào các hoạt động sản xuất nhiều hơn. Từ đó nâng cao năng lực sản xuất sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới.

Ngành sản xuất da giày cũng rơi vào tình trạng khó khăn, tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020 giảm 11%. Thế nhưng, cũng chính trong giai đoạn đầy thách thức này, nhiều đối tác quốc tế lại đánh giá cao năng lực của DN Việt Nam, đặc biệt trong hoạt động thiết kế, nghiên cứu và phát triển, vốn là những khâu mang lại giá trị cao cho ngành. Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình, năm 2020 ngành giày da đã chứng minh được năng lực ứng phó tốt với, đặc biệt các tập đoàn và những nhà mua hàng lớn trên thế giới đã nhìn thấy về khả năng nghiên cứu, phát triển (R&D), thiết kế mẫu của DN Việt Nam. Đây là những khâu làm gia tăng giá trị rất lớn trong sản phẩm thay vì lâu nay DN trong nước chỉ được biết đến làm gia công theo mẫu của các nhà nhập khẩu.

“Trong bối cảnh rối rắm với nhiều khó khăn do dịch bệnh xảy ra, các tập đoàn, nhà mua hàng đã để DN Việt Nam “tự múa” về sản phẩm và cả thiết kế. Nhà nhập khẩu duyệt qua online những mẫu thiết kế của DN Việt Nam. Đây là bước tiến cực kỳ quan trọng với DN da giày trong nước bởi đa số các tập đoàn phân phối, chuỗi cung ứng thế giới trong thời gian dịch bệnh vừa qua đã tin tưởng vào khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm của DN Việt Nam. Điều này cho thấy niềm tin của các đối tác quốc tế vào DN Việt Nam đang được duy trì và củng cố”, ông Thuấn chia sẻ thêm.

Thay đổi để phát triển

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, trong quá trình đưa các giải pháp giúp DN thủ công mỹ nghệ, gốm sứ chuyển đổi số, maketing thông minh, các DN cần tập trung nghiên cứu, triển khai và điều chỉnh nhiều hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, hoạt động xúc tiến thương mại thông qua môi trường thương mại điện tử đã và đang đóng vai trò ngày càng quan trọng, hỗ trợ DN đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu. Trong quá trình chuyển đổi số, DN cần quan tâm cân nhắc lựa chọn sản phẩm, công nghệ phù hợp. Sau khi lựa chọn, DN cần số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu cho hoạt động và chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số…

Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp (Sở Công thương) cho rằng, nếu đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử thì chưa chắc chắn DN sẽ thành công. Nhưng nếu không đầu tư cho hoạt động này DN sẽ thất bại trong bối cảnh hiện nay. Ông Dũng cho rằng trong thời gian tới ngành công thương tích cực thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động ứng dụng công nghệ trong xúc tiến thương mại, tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các DN có nhu cầu đầu tư để nâng cao trình độ và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

 Tất cả các ngành sản xuất trong nền kinh tế hiện nay đều cạnh tranh với nhau bằng năng suất thông qua khoa học và công nghệ (KH&CN), không cạnh tranh bằng kỹ năng của người lao động thông thường như trước. Thời điểm này, vai trò của KH&CN không phải là cho dài hạn, nghiên cứu định hướng mà chính là đi trực tiếp vào xây dựng năng lực cạnh tranh cho DN. Rõ ràng, trước tốc độ phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu DN không có sự đầu tư, chính sách đổi mới công nghệ, có thể sẽ bị đào thải.

 TIỂU MY

Chia sẻ