| 02-07-2014 | 00:00:00

Tổ quốc bên bờ sóng: Đất thiêng Trà Cổ

Bài 3: Đất thiêng Trà Cổ

Bài 2: “Tắt muôn đời chiến tranh”

Bài 1: Nam quốc sơn hà

Chúng tôi vốc từng nắm cát biển nơi địa đầu Sa Vĩ. Muối mặn, gió và sóng biển như quyện với muôn lời thì thầm từ ngàn xưa vọng về. Sa Vĩ, cái doi cát dài thoai thoải tựa một bức tranh thủy mặc trên đất thiêng Trà Cổ - nơi đặt nét bút đầu tiên vẽ nên non sông gấm vóc. Biển ta dài và đẹp quá, như muốn ôm chúng tôi vào lòng…

Bình minh Sa Vĩ

Đối với những phóng viên từ miền Nam ra đất Bắc như chúng tôi, chuyện được đặt chân đến mũi Sa Vĩ là một trải nghiệm thật đặc biệt. Bởi thế, xe vừa cập bến Ka Long (TP.Móng Cái, Quảng Ninh), những cực nhọc suốt chặng đường dài hơn 2.000km từ Bình Dương liền được dẹp sang một bên. Nhà báo Mai Thanh Phong (Kiến Giang) quả quyết: “Không cần nghỉ ngơi, phải ra ngay Sa Vĩ để đón ánh bình minh nơi địa đầu Tổ quốc!”.  

Đông đảo khách du lịch tìm về mũi Sa Vĩ để thêm tự hào về chủ quyền đất nước thiêng liêng

Từ TP.Móng Cái đi khoảng 7km nữa thì đến trung tâm phường Trà Cổ, đi thêm hơn 1 km nữa giữa những làn gió biển xanh mát, qua những mái đình Trà Cổ, nhà thờ… chúng tôi đặt chân đến Sa Vĩ. Ôi Sa Vĩ xa xôi mà hóa ra gần gũi đến lạ! Cát trắng trải dài ngút tầm mắt rồi biến mất dưới làn nước xanh trong của biển trời bao la. Những hàng dương rì rào biển mặn đứng hiên ngang trong gió ban mai vùng biên viễn. Bức phù điêu cách điệu hình chiếc lá dương ba mũi tượng trưng cho điểm đầu Đông Bắc Tổ quốc với hai câu thơ của Tố Hữu: “Từ Trà Cổ rừng dương. Đến Cà Mau rừng đước…” trở thành hình tượng khơi gợi lên những cảm xúc thiêng liêng cho bất cứ người con dân đất Việt nào đặt chân đến nơi đây.  

Phóng viên Báo Bình Dương tại bức phù điêu tượng trưng cho điểm đầu Đông Bắc của Tổ quốc

Thì ra, không chỉ chúng tôi háo hức đón bình minh trên mũi Sa Vĩ, hàng trăm du khách gần xa từ các tỉnh Lạng Sơn, Thanh Hóa, Quảng Bình, Long An… cũng tìm về nơi đây để thêm yêu quê hương, xứ sở mặc cho ngoài khơi xa biển Đông đang cuộn lên muôn cơn sóng dữ. Tấm biển “Vành đai biên giới” được viết bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, tiếng Trung như lời nhắc nhở đanh thép về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Xa xa, giữa cửa biển là những cột mốc biên giới Việt - Trung nằm trầm ngâm trong sóng nước. Anh Vi Măng, một khách du lịch đến từ Lạng Sơn tranh thủ nhờ chúng tôi chụp vài tấm hình làm kỷ niệm cho biết: “Đến với Trà Cổ không chỉ là để đi chơi, tắm biển hay thưởng thức thiên nhiên, sản vật ở đây mà còn là đến với niềm tự hào trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam. Tôi đã đến đây nhiều lần rồi nhưng nay tôi phải dẫn vợ và các con đến thăm lần nữa để hiểu hết giá trị từng tấc đất của bao thế hệ cha ông giữ gìn, truyền lại cho các đời sau…”.

Quả vậy, Sa Vĩ không đơn thuần là một địa danh mà đã là định danh cho văn hóa Việt, cho đất Việt từ ngàn năm nay. Đến với Sa Vĩ, chúng tôi cảm nhận từng con người lẫn tạo vật nơi đây đều có một cái gì đó rất đậm chất “lính” nơi địa đầu đất nước. Cái dải cát trải dài xa thẳm ấy trải qua bao nắng gió, bão bùng và những biến động suốt chiều dài lịch sử ngàn năm đất nước vẫn hiên ngang, vững vàng không lay chuyển.

“...vui thú non tiêu”

Phường Trà Cổ nằm trên địa bàn TP.Móng Cái, có bờ biển uốn lượn dài 17km. Biển ở đây gần như chưa có bàn tay nhân tạo của con người nên nước rất trong xanh, bờ cát trắng trải dài theo bờ biển. Những câu chuyện lưu truyền về sự phát tích, lịch sử hình thành của vùng đất này như góp thêm vào tinh thần khai khẩn đất hoang, bám đất, bám biển không ngừng nghỉ của ngư dân Việt từ xa xưa đến nay.

Người dân Trà Cổ đời này qua đời khác lưu truyền nhau câu ca để nhớ về gốc gác xa xưa của mình: “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn”. Gốc gác ấy bắt đầu cách đây khoảng hơn 500 năm. Trong một lần đi biển đánh bắt cá, 12 gia đình ngư dân ở Đồ Sơn (Hải Phòng) bị giông tố cuốn ra biển rồi trôi dạt đến mảnh đất Trà Cổ. Thời ấy, nơi đây là mảnh đất chưa ai biết đến, lau sậy rậm rạp và hoang sơ nên con người khó có thể sống nổi. Cơn bạo nạn đi qua, 6 gia đình không chịu được sóng gió đã quay về quê cũ. Họ lắc đầu bảo nhau: “Ở đây ăn bổng lộc gì. Lộc sung thì chát, lộc si thì già”. Đó là họ căn cứ vào thực tế ở miền đất này khi ấy còn nhiều gian khó. Tuy nhiên, còn 6 gia đình vẫn quyết bám trụ ở lại khẩn hoang, tạo dựng cuộc sống trên vùng đất mới. Họ động viên nhau: “Ở đây vui thú non tiên. Tháng ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau”. Ngày qua ngày, từ đời này qua đời khác, cư dân sống ở vùng đất Trà Cổ ngày càng đông đúc hơn, họ lập đền thờ Thành hoàng, lấy tên gốc của hai làng quê mình đã ra đi trước kia ở Đồ Sơn là Trà Phương và Cổ Trai để ghép lại đặt tên đất mới là Trà Cổ. Cái tên Trà Cổ có từ khi ấy và trở thành nơi địa đầu Tổ quốc cho đến ngày nay.

Trà Cổ bây giờ là một địa điểm du lịch nổi tiếng cả nước, hàng năm thu hút vài chục ngàn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế. Sức hút của Trà Cổ không chỉ đến từ mũi Sa Vĩ, là một trong những nơi đánh dấu điểm đầu của bản đồ đất nước mà còn vì thiên nhiên, tạo vật nơi đây mang nhiều nét đẹp thơ mộng. Ông Lê Chiến Trung, Chủ tịch UBND phường Trà Cổ tự hào: “Từ khi có con đường vượt sông Trà Cổ nối liền với TP.Móng Cái, phường chúng tôi giờ đã là “đất vàng” du lịch rồi! Khách đến du lịch tại đây không chỉ thưởng thức các món sản vật từ biển cả như ghẹ, cua, tôm, cá… mà còn đắm mình trong một không gian văn hóa đậm nét truyền thống. Theo quy hoạch định hướng phát triển du lịch Quảng Ninh cũng như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP.Móng Cái, phường Trà Cổ được xác định là một trung tâm du lịch với nhiều tiềm năng biển, du lịch. Bãi biển Trà Cổ cùng bia tưởng niệm Bác Hồ, mũi Sa Vĩ, đình Trà Cổ, nhà thờ… hợp thành một quần thể du lịch khép kín, gắn kết giữa thiên nhiên với con người và văn hóa, hấp dẫn du khách gần xa.

Nói về Trà Cổ không thể không nhắc đến lễ hội Trà Cổ với tục thi “Ông Voi”. Nét kiến trúc độc đáo của đình Trà Cổ và lễ hội này chính là biểu tượng cho sức sống bất diệt của văn hóa Việt trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc, ngay cạnh nền văn hóa Trung Quốc nhưng không hề bị xâm thực. Chúng tôi sẽ giới thiệu nét đẹp văn hóa này ngay trong bài sau, khi phóng viên Báo Bình Dương có chuyến viếng thăm đình Trà Cổ.

Bài 4: Nước non vững bền

KHÁNH VINH - KIẾN GIANG
Chia sẻ