Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Tôi theo dõi chương trình “Tôi yêu Bình Dương” do Báo Bình Dương thực hiện đến nay đã được 12 số. Mỗi số như đem đến cho khán giả một chuyến du lịch online thú vị và bổ ích. Bởi trong từng tập, ê kip làm chương trình đã có sự đầu tư công phu về nội dung, tư liệu và hình ảnh, đem đến cho người xem những thông tin cần thiết, những câu chuyện hấp dẫn về văn hóa, di tích lịch sử, kiến trúc... của vùng đất và con người Bình Dương.
Ngày nay, tuy không còn “rực rỡ” như trước nhưng sơn mài Tương Bình Hiệp với sự tinh xảo, thanh thoát, công phu vốn có vẫn còn chỗ đứng trong lòng những người yêu thích nghệ thuật tranh sơn mài trong và ngoài nước
Trong những số đã xem, tôi đặc biệt thích tập số 4 “Sơn mài đất Thủ - Trăm năm tạc gỗ nên vàng”. Thích bởi những con người khéo léo, tài hoa đã tạo ra sản phẩm. Thích bởi niềm say mê và lòng yêu nghề, giữ nghề. Và không chỉ có vậy, đằng sau những sản phẩm sơn khắc, sơn cẩn ốc, sơn mài vẽ lặn, vẽ phẳng, vẽ nổi... là cả một câu chuyện về văn hóa, lịch sử của vùng đất thuở tiền nhân đi mở cõi.
[Xem thể lệ Cuộc thi thực hiện sản phẩm và viết cảm nhận “Tôi yêu Bình Dương”]
Ngược dòng thời gian cách nay hàng trăm năm, lớp lưu dân đầu tiên trong hành trình xuôi phương Nam thuở ấy nhận ra vùng đất nằm giữa hai con sông lớn Sài Gòn và Đồng Nai có địa hình khá bằng phẳng, lại được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng nên đã quyết định dừng chân khai ấp, lập làng. Họ chính là những công dân đầu tiên của vùng đất Bình Dương ngày nay. Với phẩm chất cần cù vốn có, những cư dân đến từ miền ngoài đã nhanh chóng khai khẩn đất đai, tạo lập nhà cửa, hình thành những làng nghề...
Trong những làng nghề có lịch sử lâu đời ở Bình Dương, tôi ấn tượng với làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp - cái nôi của nghề sơn mài ở Đông Nam bộ. Theo tài liệu thư tịch cũ, làng nghề này trước đây là một ngôi làng nhỏ chuyên về làm tranh cổ do những di dân Việt có nguồn gốc từ đàng ngoài ngược sông Sài Gòn đến đây lập nghiệp. Ban đầu, lúc nông nhàn, một số người dân bắt đầu thực hiện những bức sơn mài, chủ yếu để tưởng nhớ đến quê cha đất tổ. Dần dà, nhiều người dân trong vùng biết được và mua về trưng bày trong nhà. Tiếng lành đồn xa, nghề làm sơn mài nổi lên từ đó và thu hút nhiều người cùng làm.
Thời vàng son của sơn mài Tương Bình Hiệp kéo dài cả trăm năm. Sản phẩm của làng nghề hút khách bởi nét cổ kính, mộc mạc mang đậm phong cách truyền thống Á Đông. Sau này, khi người Pháp đến Thủ Dầu Một, họ đã kết hợp sáng tạo giữa nghệ thuật của phương Tây với nghệ thuật truyền thống của cư dân bản địa để cho ra đời những sản phẩm tranh sơn mài cao cấp.
Ngày nay, tuy không còn “rực rỡ” như trước nhưng sơn mài Tương Bình Hiệp với sự tinh xảo, thanh thoát, công phu vốn có vẫn còn chỗ đứng trong lòng những người yêu thích nghệ thuật tranh sơn mài trong và ngoài nước. Và làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Để bảo tồn giá trị truyền thống của làng nghề sơn mài, năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch”. Mục tiêu đề án là xây dựng tổng thể làng nghề, quy hoạch và xây dựng khu sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp sơn mài để bảo đảm về vấn đề môi trường, xây dựng nơi trưng bày sản phẩm chung cho làng nghề; đồng thời kết hợp xây dựng các tour du lịch tham quan, giới thiệu sản phẩm của làng nghề đến du khách trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ giỏi truyền nghề, dạy nghề cho thế hệ trẻ.
Sự hình thành, phát triển và tồn tại của những làng nghề truyền thống không những mang giá trị về mặt di sản, cội nguồn; khẳng định vùng đất hội tụ với những con người tài hoa. Tiếp xúc với những nghệ nhân ở các làng nghề nhiều người nói họ quyết tâm giữ nghề không hẳn để mưu sinh mà qua từng sản phẩm làm ra, người làm nghề mong muốn quảng bá cội nguồn văn hóa, con người và hình ảnh Bình Dương đến với bạn bè gần xa.
TRÍ NGUYÊN