Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Bài 4: Chăm lo về mọi mặt
Bên cạnh việc xây nhà ở an sinh xã hội, tạo mái ấm cho người lao động (NLĐ), việc chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho NLĐ luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong 5 năm qua, Công đoàn (CĐ) tỉnh Bình Dương đã nỗ lực với nhiều cách làm sáng tạo, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; qua đó, giúp đời sống NLĐ ngày một tốt hơn.
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh thăm hỏi, tặng quà cho NLĐ trong chuyến xe xuân nghĩa tình đưa công nhân về quê đón tết
“Toát mồ hôi” khi người lao động gặp khó
Nói đến việc quan tâm, chăm lo đời sống NLĐ trên địa bàn, không thể không nhắc đến những ngày cả nước thực hiện cách ly xã hội vì dịch bệnh Covid-19 những tháng đầu năm nay. Khoảng thời gian này, NLĐ lao đao vì thất nghiệp, việc làm gián đoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập. Nhìn thấy NLĐ gặp khó, các cấp CĐ trong tỉnh phải “toát mồ hôi” tìm mọi cách có thể để chăm lo NLĐ. Cách làm sáng tạo lúc này đã phát huy khi Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh phối hợp với chính quyền các cấp vận động giảm và miễn giá thuê nhà trọ cho NLĐ trong 2 tháng liền. Việc làm này không chỉ được người kinh doanh nhà trọ trên khắp cả tỉnh đồng lòng ủng hộ mà còn kéo theo nhiều chương trình trợ giúp NLĐ rất thiết thực của các nhà hảo tâm, DN như: Siêu thị không đồng, ATM gạo miễn phí, cấp phát lương thực, khẩu trang miễn phí.. Có thể nói trong giai đoạn này, dù công nhân lao động (CNLĐ) không có thu nhập vẫn sống tốt. Và khi dịch bệnh tạm lắng xuống, công tác tuyển dụng, tìm việc cho NLĐ lại nóng lên, không để một công nhân nào mất việc.
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho hay, các cấp CĐ trong tỉnh luôn nỗ lực để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ trên địa bàn. LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị LĐLĐ Việt Nam cùng các cấp trong tỉnh xây dựng các Trung tâm Văn hóa ở khu vực có nhiều khu công nghiệp và đông CNLĐ nhằm phục vụ đời sống tinh thần NLĐ tốt hơn; mở rộng các mô hình Quỹ hỗ trợ vốn cho NLĐ cải thiện kinh tế, siêu thị công nhân; tiếp tục xây mới các khu nhà ở xã hội, nhà trẻ, trường học cho con em công nhân. |
Và khi đã nói đến việc chăm lo đời sống NLĐ thì ở Bình Dương không thể kể hết những hoạt động lớn rất thiết thực của các cấp CĐ được thực hiện xuyên suốt, qua đó giúp NLĐ yên tâm lập nghiệp, gắn bó lâu dài với công việc mình đã chọn. Hàng năm, các cấp CĐ đã tích cực tham gia cùng cấp ủy, chính quyền trong việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, nhất là việc sắp xếp lại lao động, giải quyết chế độ cho lao động dôi dư theo đúng quy định. Để giúp NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo CĐ cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở triển khai hướng dẫn, lập dự án, thẩm định cho vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Hàng năm, CĐ các cấp giải ngân hơn 900 triệu đồng cho khoảng 50 lượt hộ gia đình công nhân, viên chức lao động vay, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho đoàn viên và NLĐ. Quỹ trợ vốn cho NLĐ nghèo tự tạo việc làm được duy trì và hoạt động ngày càng hiệu quả. Trong 5 năm qua, quỹ đã hỗ trợ 1.993 lượt công nhân, viên chức lao động vay vốn với tổng số tiền gần 300 tỷ đồng. Các nguồn vốn vay ưu đãi cho CNLĐ như vi mô Cep đã và đang triển khai, giúp hàng chục ngàn NLĐ tiếp cận...
Các hoạt động vì lợi ích đoàn viên được các cấp CĐ tích cực triển khai, đã tạo bước chuyển biến quan trọng trong hoạt động CĐ, mang lại lợi ích thiết thực hơn cho đoàn viên CĐ. Cùng với các thỏa thuận hợp tác do Tổng LĐLĐ Việt Nam ký kết, LĐLĐ tỉnh đãchủđộng kýkết với các đối tác trên địa bàn tỉnh để cung cấp các sản phẩm cho đoàn viên và NLĐ với giá ưu đãi, các sản phẩm được giảm giátừ10 - 40% cho đoàn viên CĐ, từ5 - 25% cho NLĐ. Đây là hoạt động ý nghĩa, giúp NLĐ tiếp cận được với hàng hóa có chất lượng và giá ưu đãi, đồng thời giúp cho DN có thị trường tiêu thụ ổn định và thúc đẩy việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các DN; nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức CĐ đối với đoàn viên.
Nâng chất lượng bữa ăn, tạo môi trường học tập, vui chơi
Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về “Chất lượng bữa ăn ca của NLĐ”, các cấp CĐ đã hướng dẫn CĐ cơ sở đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca, đến nay, có trên 1.706 DN có CĐ tổ chức bữa ăn cho NLĐ, trong đó 90% DN bảo đảm mức ăn từ 15.000 đồng/suất trở lên. Nhiều CĐ cơ sở đã chủ động, tích cực tham gia quản lý, giám sát, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn ca tại DN. Bên cạnh đó, CĐ đã kiến nghị các cơ quan chức năng cung cấp và công bố danh sách cơ sở đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm để các DN lựa chọn cung cấp suất ăn ca nhằm bảo đảm sức khỏe cho NLĐ.
Với đặc điểm của một tỉnh có đông CNLĐ các địa phương đến làm việc, sinh sống, công tác chăm lo tết cho NLĐ được các cấp CĐ đặc biệt quan tâm. Hàng năm, CĐ tỉnh tổ chức “Chuyến xe xuân nghĩa tình” để đưa đoàn viên CĐ, CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn về quê đón tết. Trong 5 năm qua, ngân sách CĐ đã chi hỗ trợ trên 11.500 vé xe với tổng số tiền trên 4,5 tỷ đồng. Các cấp CĐ trong tỉnh đã vận động người sử dụng lao động hỗ trợ vé xe cho CNLĐ về quê ăn tết, đã có hơn 62.000 lượt CNLĐ được hỗ trợ với số tiền hơn 42 tỷ đồng; đề xuất với chính quyền chi ngân sách tặng 38.520 suất quà với tổng số tiền 19,8 tỷ đồng cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, xa quê ở lại Bình Dương đón tết.
Chương trình “Tết sum vầy” với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực giúp CNLĐ xa quê vui xuân, đón tết, như: Tặng quà, vé xe cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các phiên chợ tết công nhân, các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ công nhân... Các hoạt động “Tết sum vầy” đã tạo thành nét đặc trưng mang đậm dấu ấn của tổ chức CĐ, có sức lan tỏa lớn, được nhiều DN hưởng ứng, tham gia. Các hoạt động chăm lo tết của tổ chức CĐ đã cùng chính quyền thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của địa phương, góp phần nâng tỷ lệ CNLĐ trở lại làm việc sau tết ngày càng cao.
Hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở được tổ chức thường xuyên. Nhà ở cho NLĐ, các thiết chế văn hóa của tổ chức CĐ, của các DN được quan tâm đầu tư, như: Các dự án nhà ở xã hội của tỉnh, nhà trẻ, siêu thị tại các DN, trường Mầm non 28-7 của tổ chức CĐ đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 1-2015; Trung tâm Văn hóa lao động trên địa bàn khu dân cư Việt - Sing đi vào hoạt động từ tháng 10-2017... đã từng bước góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập, vui chơi, giải trí cho cán bộ, đoàn viên, CNLĐ.
Có thể nói, công tác chăm lo về nhà ở, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho NLĐ được chính quyền, tổ chức CĐ, các DN quan tâm thực hiện, trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị trong chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng.
QUANG TÁM