Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Nghề thủ công truyền thống này đang đi dần vào sự mai một, lãng quên. Có lẽ là do chiến tranh, nhất là sau 1945 phần lớn là do nhà cửa ở vùng nông thôn đều bị hủy hoại. Mặt khác, thị hiếu về tranh thờ, tranh trang trí của nhân dân có nhiều thay đổi, trong khi các loại tranh vẽ, ảnh chụp truyền thần, chân dung phong cảnh ngày càng tiến bộ hơn, mang lại cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn.
Tranh kiếng để bàn thờ tổ tiên
Địa chí Sông Bé năm 1991, trong phần truyền thống văn hóa, trang 345, nhà văn Sơn Nam viết: “Lái Thiêu, từ năm 1910 trở về sau, nghệ nhân người Việt đã phỏng theo kỹ thuật vẽ kiếng, lần hồi sáng tạo ra kiểu tranh thờ, định hình và phù hợp với cảnh quan của người Nam bộ, đặc biệt là người đi khẩn hoang ở đồng bằng. Hai câu liễn vẽ với màu tươi tắn, mỗi chữ Hán mang một trái đào, hoặc đóa hoa. Loại kèm theo hình con dơi ngậm trái tụi, chậu bông, con hạc... theo mô-típ của mỹ thuật Huế. Loại tranh đắt tiền thì dùng nước sơn đỏ làm nền, câu liễn gắn ốc xà cừ. Kiếng nhập cảng ở Sài Gòn giá không cao, màu vẹc-ni xanh (Vernicobalt) khiến cho tranh thờ Lái Thiêu trở nên trang nghiêm, rực rỡ (...). Ta gặp vài tấm tranh kiếng thờ xưa, nếu chùi kiếng, xem như mới...”.
Tài hoa người thợ
Bà Lê Thị Hòe, Phòng Di sản Văn hóa, Bảo tàng Bình Dương, kể: Trong quá trình điều tra điền dã, chúng tôi đã thu thập được một số thông tin đáng ghi nhận. Ở Lái Thiêu hiện nay chỉ còn duy nhất một nghệ nhân còn làm nghề này đó là ông Trương Cung Thơ. Ông Thơ ngoài 70 tuổi và có hơn 60 năm trong nghề này.
Theo ông Thơ, người sáng lập ra nghề vẽ tranh kiếng là cha của ông, tên Trương Tường. Ông Trương Tường là người Hoa, vào cuối thế kỷ XIX, ông Tường cùng gia đình rời quê hương Trung Quốc di cư sang Việt Nam lập nghiệp. Lúc mới đến đây, gia đình ông chưa biết sẽ làm nghề gì. Để kiếm kế sinh nhai, ông Tường đã phải suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng ông tìm ra cho mình một con đường chân chính và đầy sáng tạo, đó là nghề vẽ tranh trên kiếng. Ý tưởng về nghề này bắt nguồn từ truyền thống coi trọng thờ cúng ông bà, tổ tiên - là người phương Đông - gia đình ông nói riêng và cộng đồng các dân tộc Hoa - Việt nói chung, việc thờ cúng ông bà, tổ tiên luôn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy trong ngôi nhà của mỗi gia đình, bao giờ cũng phải có một bàn thờ chính để thờ những người quá cố.
Việc trang trí trên bàn thờ cũng được mọi người đặc biệt quan tâm nên trên bàn thờ người ta thường treo các tranh thờ, bài vị để thêm phần trang trọng. Lúc bấy giờ tranh thờ chủ yếu được làm bằng giấy, qua một thời gian các nét vẽ của tranh bị mờ và giấy bị rách nên không sử dụng lâu được, phải thay đổi thường xuyên. Vì vậy, vốn có khiếu thẩm mỹ về hội họa và óc sáng tạo nên ông Trương Tường nghĩ ra một kế sách là dùng kiếng để vẽ tranh, nhưng với phương thức là vẽ ngược, như thế có thể dùng được lâu dài, lại có tính thẩm mỹ cao. Khác với tranh vẽ thông thường, người thợ vẽ tranh kiếng phải vẽ từ phía sau mặt kiếng và khi lật lại thì đó là bề mặt của tranh. Với nguyên tắc vẽ ngược như thế, đòi hỏi kỹ thuật của người thợ vẽ rất cao, không chỉ vẽ đẹp mà còn đòi hỏi óc tưởng tượng cao, vì chi tiết nào đáng lẽ phải vẽ sau cùng như tranh thông thường thì đối với tranh kiếng phải vẽ trước tiên.
Từ đó, nghề vẽ tranh kiếng trở thành nghề chính của ông. Thời gian đầu chỉ một mình ông vẽ, sau đó thấy tranh kiếng được nhiều người dân ưa chuộng, sản phẩm bán ra ngày một tăng nên một mình ông vẽ không kịp, ông bắt đầu dạy nghề cho các thành viên trong gia đình cùng làm. Dần dần công việc làm ăn phát triển, ông mở rộng quy mô sản xuất bằng cách thành lập cơ sở vẽ tranh kiếng lấy tên là Mỹ Tân và mướn thêm nhân công làm để đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Sau một thời gian học nghề tại cơ sở Mỹ Tân, một số nhân công lành nghề đã tự mở các cơ sở riêng cho mình để phát triển kinh tế. Dần dần, số lượng cơ sở vẽ tranh kiếng tại Lái Thiêu tăng lên, hầu hết các cơ sở này đều làm ăn khấm khá, sản phẩm bán ra thị trường ổn định và phát triển. Ông Trương Cung Thơ là con trai duy nhất của ông Trương Tường, nên ngay từ nhỏ ông Thơ được cha mình hướng theo nghề này...
Cơ hội
Ở những ngày giáp Tết Tân Mão vừa qua, những nghệ nhân ở làng vẽ tranh trên kiếng Phước Thuận (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) làm việc không ngừng tay. Họ phải vẽ từ 5 giờ sáng cho đến 8 giờ tối mới kịp giao hàng cho khách, đây được xem là thời điểm bận rộn và ăn nên làm ra nhất cho những nghệ nhân làng kiếng Phước Thuận. Sinh sau đẻ muộn so với làng nghề Lái Thiêu, nghề vẽ tranh kiếng của người dân ấp Phước Thuận được hình thành và phát triển từ những năm 1960.
Năm 2007, nhờ làm ăn có hiệu quả mà nhiều hộ vẽ tranh ở ấp Phước Thuận đã được dự án Đan Mạch hỗ trợ không hoàn lại 20 triệu đồng/hộ để thành lập tổ vẽ tranh trên kiếng với 15 thành viên. Từ khi mới thành lập tổ vẽ tranh trên kiếng đến nay, đã có 4 hộ khá, 11 hộ trung bình và không còn hộ nghèo so với khi mới thành lập có tới 10 hộ nghèo.
Từ chuyện những tuần lễ giáp tết con mèo vừa qua đang phải “vẽ ngày, vẽ đêm” của tranh kiếng Phước Thuận, cho thấy nghệ thuật vẽ tranh trên kiếng chỉ còn lưu lại dấu vết trong các đình chùa, nhà cổ, hoặc ở một số xe bánh mì, xe hủ tiếu cổ của người Hoa ở tỉnh Bình Dương hiện tại quả là điều đáng tiếc. Mong ước sự phục hồi của nghề vẽ tranh kiếng cũng như vẻ đẹp của một bức tranh kiếng được trang trí làm tô điểm thêm cho ngôi nhà Việt không chỉ ở Bình Dương, mà của cả miền Đông Nam bộ, có lẽ là điều đang được mơ ước trong năm 2011 của không chỉ nhiều bậc cao tuổi, mà còn cả lứa trung niên sinh ra và lớn lên trên đất Sông Bé - Bình Dương.
NGUYỄN HỒNG PHÚC