| 22-05-2020 | 08:02:41

Trở lại nhịp... mưu sinh

 Nhịp sống… giãn cách đã trôi qua, phố xá đông người qua lại, nhịp mưu sinh thường nhật với niềm tin tươi mới.

 Góc phố quen nơi chị Thủy mưu sinh sau ngày nhịp sống bình thường trở lại

 Vui với nhịp sống bình thường

Phố đông, xe cộ tấp nập. Tiếng còi inh ỏi của ngày thường trở nên sống động. Sau hơn 3 tuần kể từ ngày dỡ bỏ lệnh giãn cách, nhịp mưu sinh đang dần trở lại với trạng thái bình thường mới. Người dân đã bình tĩnh hơn để quay lại guồng sinh hoạt thường ngày trên tinh thần tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.

Với chị Nguyễn Hoàng Vân (phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một), sau hơn ba tháng “nghỉ dài” cùng học sinh mùa dịch bệnh thì sự trở lại mưu sinh về đêm cho chị cảm giác hạnh phúc, để chị biết yêu hơn nhịp sống ngày thường. Đi qua những ngày nắng để trân quý hơn những ngày mưa, chị bắt đầu lại công việc mà bỡ ngỡ như thời mới tập tễnh vào nghề. Quán cơm sườn của chị trước cổng trường này mở ra cũng ngót nghét hơn 10 năm. Công việc thường nhật bỗng dưng đứt đoạn vì dịch bệnh. Cuộc sống dài ra theo những ngày mong mỏi. “1 tháng, rồi 2 tháng... tôi đếm từng ngày sau tết, riết rồi chẳng thèm mong. Nhưng sao đến ngày thấy mấy đứa nhỏ quần áo chỉnh tề đi học trở lại tự nhiên nước mắt tôi trào ra vì vui sướng. Không phải vì đói kém, không hẳn vì bát gạo đồng tiền mà là chữ… nhớ. Nhưng cũng vì thận trọng, thấy nhiều thông tin tích cực hơn về ý thức phòng chống dịch bệnh của mọi người tôi mới bán lại từ đầu tuần này… Ngày đầu tiên bán, tôi cắt miếng sườn to hơn dù thịt lên giá. Thấy mấy nhỏ nhớ… cơm sườn thương không chịu được. Hơn 3 tháng sống khép kín, cảm giác xung quanh mình thật buồn tẻ. Dù mở bán lại nhưng tôi vẫn rất ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng”.

Tiếng cười giòn tan của chị để lại bao nghĩ suy. Suốt đoạn đường về, ngẫm lại những lời chị nói, tôi cứ tưởng tượng ra cảnh khóc cười của chị ngày mở bán buôn trở lại, ngày gặp lại những gương mặt non nớt dễ thương chưa chạm đến lo toan, muộn phiền của cuộc sống hẳn đầy hạnh phúc. Chiều muộn, nán lại sau giờ đón con tôi lân la muốn gặp lại chị để tiếp câu chuyện thì gặp bước chân ông xã chị trước hiên. Anh bước nhẹ, cố để không có một tiếng động phá vỡ giấc ngủ của vợ. “Mấy ngày nay, sáng nào bả cũng dậy lúc 3 giờ để kịp chuẩn bị cơm nước. Rồi vui vẻ thức luôn cả trưa, chiều lại rau dưa hành hẹ. Mới đặt lưng xuống đó, để bả ngủ bù tí cho lại sức, cô thông cảm”, ông xã chị đưa tay ra hiệu cho tôi nói nhỏ. Nghĩ đó cũng là “lịch làm việc” trong suốt hơn 10 năm nay của chị sao hôm nay lại đem lại cho anh nhiều xúc động đến thế?

Có những người cuộc sống đang chật vật, thì nay vì dịch bệnh lại khó khăn thêm, gánh nặng mưu sinh càng chồng chất. Tuy vậy, họ vẫn kiên cường trong đại dịch bằng cách phát huy “nghề tay trái”, bằng chính sự cần cù, sáng tạo của mình để rồi mong cái thời khắc được trở lại với nghề. Đã mấy tháng chị Trương Thị Thủy, giáo viên mầm non tư thục ở phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát mong ngày được đến lớp. Quyết định về việc cho học sinh trở lại trường của chính quyền khiến chị Thủy quay cuồng sắp xếp công việc bán hàng online mà chị chọn để xoay xở suốt mùa dịch để trở lại nghiệp làm cô giáo như chị nói. “Ba tháng tạm thời không đến trường vào mùa dịch nhưng em vẫn soạn bài giảng chỉn chu cho các lớp học trực tuyến của mình bên cạnh bán thêm hải sản để kiếm thêm thu nhập. Học sinh đa phần là con công nhân nên tối đến em gửi bài học qua Zalo chung của nhóm cho mấy bé vừa chơi vừa đỡ quên… trường lớp. Mấy tuần nay trở lại lớp học em vui như… tái sinh. Bán hàng online thu nhập của em cũng gấp đôi đi dạy sắp nhỏ nhưng công việc của mình đã là cái nghiệp, niềm vui không thay đổi được đâu chị”, Thủy cười rạng ngời trong cái nhịp bình thường mới. Nhìn nét rạng rỡ trên gương mặt em tôi đoán biết tình yêu nghề, yêu trẻ chảy thấm trong em quá lớn… Và không nỡ hỏi thêm em về những khó khăn của cô giáo mầm non tư thục trong mùa dịch mà tôi đã soạn trong đầu. Như lúc này đây, tôi hiểu… có những lúc chỉ cần mỉm cười chia sẻ cùng nhau niềm vui thì sự hạnh phúc vẹn tròn. Ít nhất là với em, cô giáo quá đỗi yêu nghề, yêu trẻ.

Tin ở ngày mai

Sáng. Gánh đậu hũ chị Nguyễn Thị Thủy quê ở Quảng Ngãi xuất hiện làm nhộn nhịp thêm cái rộn ràng của những ngày đưa trẻ đến lớp trở lại nơi góc phố Đoàn Thị Liên (phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một). Chị kể sau hơn tháng mắc kẹt ở quê nhà, chị nhớ quay quắt từng gương mặt khách quen. “Thật ra ở quê gạo lúa vào mùa hổng có đói, nhưng tôi cứ thấp thỏm ra vào nhà xe để mong được trở lại với công việc đến mức “ổng”nghi ngờ. Tôi biết thể nào dịch cũng hết nhanh mà. Hai ngày vào đây, gặp khách thỏa lòng mong ước thì lại nhớ… sắp nhỏ.”. Cảnh ở hai đầu nỗi nhớ của chị chắc sẽ còn kéo dài thêm nhiều hơn con số 15 năm chị gắn bó với góc phố này từ ngày chị ẵm thằng con lớn vào Bình Dương bán đậu hũ. Thằng bé giờ đã vào đại học. Và góc quen trên phố này đã gắn bó như một phần của cuộc sống chị.

 Tiểu thương chợ hàng bông Phú Hòa trở lại với công việc thường nhật

Theo vòng tìm hiểu, chúng tôi về chợ hàng bông Phú Hòa, nơi tập trung hoa quả, nông sản lớn của TP.Thủ Dầu Một để được chứng kiến nhịp sống trở lại sau những ngày thưa vắng khách. Chợ đã đông với nhiều vòng xe tải nối nhau ra vào, bốc xếp hoa quả, rau củ. Còn nhớ cách đây vài tuần, có dịp ghé ngang, quy mô hoạt động của chợ bị thu hẹp, nhiều tiểu thương tạm nghỉ, nhiều lao động tự do không có việc làm, phải về quê, hoặc “cố thủ” trong các xóm trọ. Anh Đinh Văn Việt, chủ một tiệm cắt tóc góc đường sát chợ cho biết anh cũng về quê mới lên vì thực hiện nghiêm quy định về giãn cách xã hội. “Khách của tui đa phần là lao động trong chợ. Hai tuần từ hôm lên lại đến nay tui bộn khách. Ai muốn cắt cũng phải đặt cái hẹn, có ngày kín lịch. Vợ tui cũng buôn trái cây lẻ trong chợ này nè. Tháng trước hai vợ chồng thất nghiệp. Không có nguồn thu nhập, cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Giờ trở lại, khách hàng của vợ đã giảm, nhưng gia đình vui lắm cũng đã có nguồn thu nhập để tiếp tục duy trì. Vợ chồng tui bàn nhau bình tĩnh, chỉ cần hết dịch mọi việc sẽ trở lại như xưa”, anh vui vẻ nói.

Chiều. Xóm trọ của những người ngụ cư đa phần là công nhân sát cầu Khánh Vân (phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên) vẫn còn chênh chếch nắng. Bắc ghế ra khoảng sân ngồi hóng mát, anh Lê Ngọc Dũng chỉ tay về phía những căn phòng đóng cửa im lìm, nói: “Hôm rày công ty mở cửa lại mấy nhà kia đi suốt ngày chứ không là giờ này tụ tập đông lắm. Tui chạy Grab, nắng nóng quá không có khách nên về phòng nghỉ, tối mát trời lại chạy tiếp. Từ ngày dịch bệnh cũng ế khách lắm. Có khi cả ngày trời không có được cuốc nào. Nay lệnh giãn cách đã được dỡ bỏ, nhiều người lao động được hỗ trợ nhưng tài xế công nghệ lại không nằm trong diện. Nghĩ vậy thôi nhưng tui cũng không buồn. Hai tháng qua chị chủ nhà đã giảm 40% tiền trọ. Chỉ cần dịch bệnh đi qua, cuộc sống lại đâu và đó”. Anh cười, nụ cười hồn hậu của những người nhẹ nhàng với cuộc đời, không muốn, không đủ hoặc giả như không cần đến những suy nghĩ quá cao xa.

Chiều ở xóm ngụ cư, nấn ná đến khi ánh mặt trời buông xuống, công nhân xa quê đã tụ về sau một ngày làm việc. Tiếng cười nói giòn tan lại vang lên…

 “1 tháng, rồi 2 tháng... tôi đếm từng ngày sau tết, riết rồi chẳng thèm mong. Nhưng sao đến ngày thấy mấy đứa nhỏ quần áo chỉnh tề đi học trở lại tự nhiên nước mắt tôi trào ra vì vui sướng. Không phải vì đói kém, không hẳn vì bát gạo đồng tiền mà là chữ… nhớ. Nhưng cũng vì thận trọng, thấy nhiều thông tin tích cực hơn về ý thức phòng chống dịch bệnh của mọi người tôi mới bán lại từ đầu tuần này… Ngày đầu tiên bán, tôi cắt miếng sườn to hơn dù thịt lên giá. Thấy mấy nhỏ nhớ… cơm sườn thương không chịu được. Hơn 3 tháng sống khép kín, cảm giác xung quanh mình thật buồn tẻ. Dù mở bán lại nhưng tôi vẫn rất ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng”.

TIỂU MY

Chia sẻ