| 11-12-2024 | 10:31:30

Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Công nghiệp 4.0 Trường Đại học Quốc tế Miền Đông: Đào tạo nguồn nhân lực số chất lượng cao

(BDO) Chuyển đổi số (CĐS) đang là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất và cạnh tranh trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0. Tại Bình Dương, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Công nghiệp 4.0 (IIC) Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) đang tiên phong trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ứng dụng công nghệ hiện đại, góp phần thúc đẩy quá trình CĐS cho các DN tại địa phương.


Với IIC, sinh viên không chỉ được đào tạo trong môi trường hiện đại mà còn được tham gia vào các dự án hợp tác quốc tế

Hướng đi đúng đắn 

IIC là kết quả của sự hợp tác chiến lược giữa Becamex IDC, Khu công nghiệp VSIP và Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU); được thành lập với mục tiêu thúc đẩy CĐS và phát triển sản xuất thông minh. IIC mang đến một hệ sinh thái hoàn chỉnh, từ sử dụng bộ tiêu chuẩn SIRI để đánh giá mức độ thông minh của DN, đến việc đào tạo nâng cao trình độ và chuyển giao công nghệ 4.0 cho các DN sản xuất.

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Lê Ngọc Huẩn, Giám đốc IIC cho biết, trung tâm không chỉ cung cấp công nghệ mà còn chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng các công nghệ này vào thực tế, giúp DN nâng cao hiệu quả sản xuất, tối ưu quy trình và cải thiện năng suất.


Sinh viên nước ngoài thực tập tốt nghiệp tại IIC 

Một trong những điểm nổi bật của IIC là các khu vực đào tạo được thiết kế theo từng giai đoạn CĐS của DN. Các DN có thể tham gia vào quá trình số hóa máy móc, từ việc lắp đặt thiết bị IoT, màn hình HMI đến hệ thống phần mềm giúp thu thập và phân tích dữ liệu sản xuất. Phần mềm này không chỉ giúp phát hiện các lỗi tiềm ẩn trong quá trình sản xuất mà còn gửi cảnh báo sớm đến người dùng, giúp DN có thể xử lý kịp thời. Các hệ thống này có thể được theo dõi từ xa qua các ứng dụng di động hoặc web, một bước khởi đầu lý tưởng cho những DN muốn tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đặc biệt, IIC đã phát triển khu vực nhà kho thông minh, sử dụng các công nghệ tiên tiến như AI, RFID, IoT và bảo dưỡng dự đoán để tối ưu hóa quy trình nhập, xuất hàng hóa và giảm thiểu sai sót. Bên cạnh đó, khu vực nhà máy thông minh được trang bị các giải pháp tự động hóa hoàn chỉnh, kết hợp robot di động, cánh tay robot, RFID và thực tế tăng cường (AR), tạo ra một môi trường sản xuất tự động hóa hiệu quả.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao 

Ngoài việc cung cấp công nghệ, IIC còn đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo nhân lực. Trung tâm thường xuyên tổ chức các khóa học chuyên sâu về tự động hóa, cảm biến, khí nén, thủy lực, điều khiển robot và bảo dưỡng toàn diện cho các DN đối tác. Các DN có thể chọn đào tạo trực tiếp tại trung tâm hoặc tổ chức các khóa học ngay tại công ty của mình, giúp tối ưu hóa chi phí và thời gian đào tạo.


Khu vực số hóa của IIC

Chia sẻ với chúng tôi, Thạc sĩ Nguyễn Việt Thắng, giảng viên bộ môn Cơ điện tử tại EIU cho biết, trung tâm luôn chú trọng đến tính ứng dụng của công nghệ trong thực tế. Các khóa đào tạo tại IIC không chỉ giúp học viên nâng cao kiến thức mà còn giúp DN nhanh chóng áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, qua đó tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Anh Akshaj, sinh viên Singapore thực tập tại EIU, chia sẻ: “Tôi rất vui khi được tham gia vào các dự án đổi mới sáng tạo tại IIC. Các công nghệ học được ở đây sẽ giúp tôi chuẩn bị tốt hơn cho nghề nghiệp trong tương lai.”


Tiến sĩ Lê Ngọc Huẩn giới thiệu về các tính năng của cánh tay robot tại IIC

Tiến sĩ Lê Ngọc Huẩn cho biết thêm, trung tâm sẽ tiếp tục sử dụng bộ SIRI để đánh giá mức độ thông minh của DN và hỗ trợ họ CĐS trên nền tảng công nghiệp 4.0. Trong tương lai, IIC sẽ thực hiện nhiều dự án chuyển giao công nghệ giúp DN đối tác CĐS bền vững hơn.

Với chiến lược đào tạo nhân lực số và ứng dụng công nghệ 4.0, IIC đang đóng vai trò tiên phong trong việc xây dựng một lực lượng lao động chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN và thúc đẩy quá trình CĐS tại Bình Dương. Bằng cách tạo ra một hệ sinh thái công nghiệp thông minh, IIC không chỉ giúp DN phát triển mà còn mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương trong tương lai.

Trong thời gian qua, IIC đã thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D), điển hình là việc số hóa các máy CNC tại DN sản xuất để nâng cao hiệu suất và chất lượng. Trung tâm cũng là điểm đến của sinh viên quốc tế, như chương trình thực tập của sinh viên từ Nanyang Polytechnic (Singapore) với các dự án về IoT, AI và Digital Twin.

MINH HIẾU-MINH KHIÊM

 

Chia sẻ