| 03-12-2016 | 08:59:22

Từ thư bạn đọc

Hỏi: Tôi đang làm việc cho một công ty ở KCN Việt Hương. Tuần rồi, đang trong giờ làm việc tôi có xin tổ trưởng đi vệ sinh cá nhân nhưng do bất cẩn nên tôi bị trượt chân té ngã trong nhà vệ sinh của công ty và bị gãy tay trái. Trong trường hợp này tôi có được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn (BHTN) không?

ĐINH VĂN TH. (TP.Thủ Dầu Một)

Trả lời: Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định điều kiện được hưởng chế độ TNLĐ như sau:

“Người lao động tham gia bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ TNLĐ khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;

3. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này”.

Khoản 1 Điều 40 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định các trường hợp không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động khi bị TNLĐ:

- Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;

- Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

- Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

Theo như ông trình bày thì ông bị té ngã khi đi vệ sinh cá nhân trong giờ làm việc, nếu việc té ngã làm gãy tay trái này dẫn đến mức suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên và ông có tham gia bảo hiểm TNLĐ thì căn cứ quy định trên ông sẽ được hưởng chế độ TNLĐ.

Hỏi: Tôi đang làm việc tại bộ phận dệt - nhuộm của một công ty về may mặc ở Khu công nghiệp VSIP 2. Công việc của tôi có tiếp xúc với hóa chất độc hại. Tôi đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được 10 năm. Tháng 3-2016, do thường xuyên có triệu chứng nôn, lơ mơ nên tôi đã đi khám sức khỏe thì được biết mình bị nhiễm độc chì cấp tính với mức suy giảm khả năng lao động là 15% và tôi phải tiến hành điều trị. Cho tôi hỏi thủ tục để hưởng chế độ bảo hiểm nghề nghiệp như thế nào? Mức trợ cấp được hưởng như thế nào?

TRỊNH TUẤN A. (TX.Tân Uyên)

Trả lời: Theo như ông trình bày, ông làm việc tại bộ phận dệt - nhuộm, có tiếp xúc với hóa chất và đã có kết quả giám định sức khỏe của ông nên có đủ cơ sở xác định ông đã bị bệnh nghề nghiệp. Căn cứ Điều 58 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp gồm:

- Sổ BHXH.

- Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp; trường hợp không điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp.

- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thay bằng giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

- Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp theo mẫu do BHXH Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tại Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định mức hưởng trợ cấp như sau:

- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.

- Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:

Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 5 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.

SỞ TƯ PHÁP

Chia sẻ