Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Ông Trần Trọng Tân từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng: Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM... Nhắc đến ông, nhiều đồng chí của ông vẫn nhớ mãi một con người nhiệt huyết tràn đầy với một trái tim rực lửa cách mạng.
Khi chúng tôi gặp ông tại căn nhà ở đường Phổ Quang, quận Tân Bình, TP.HCM, không thể ngờ con người hiền hòa, bình dị trước mắt mình đã từng là một cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, từng vào sinh ra tử bao phen.
Dấn thân...
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, 10 tuổi, năm 1936, cậu bé Tân (tên thật là Trần Trọng Hoãn) đã biết đến lá cờ của Đảng. Lúc đó, cụ thân sinh cậu tên là Trần Trọng Hách, làm Bí thư Huyện ủy Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
Ông Tân và tác giả bài viết
Đến cuối năm 1944, cậu được người bà con họ hàng xa là ông Hồ Xuân Lưu (sau đổi tên là Trần Quốc Thảo, hiện được đặt tên đường tại Q.3, TP.HCM) tuyên truyền về Đảng. Cậu được ông Lưu đưa cho đọc Điều lệ Đảng. Khoảng tuần sau, ông Lưu gọi cậu tới nói chuyện, giác ngộ về Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông Lưu nói: “Cháu vô Đảng phải xác định cho đúng động cơ là vì nước, vì dân”. Rồi ông hỏi: “Cháu sống trong chế độ này, thấy khổ, thấy nhục nhất là cái gì?”. “Lúc đó, ông hỏi bất ngờ, tôi cũng chưa trả lời ngay được. Tôi nhớ lại cảnh mẹ tôi đi buôn thuốc lá, không có tiền đóng thuế, bị Tây đoan trói lại, lục soát lấy tiền. Lúc đó, bà cô tôi thấy cảnh đó, thương mẹ tôi nên chạy tới giằng co với mấy tên lính Tây, bị chúng đánh lại. Tôi nhớ tới cảnh đó, mới nói cho ông Lưu. Rồi tôi nhớ tới một chuyện khác là chuyện cha tôi do hoạt động cách mạng mà bị chính quyền quản chế. Mỗi lần có lễ kỷ niệm của Đảng, chúng bắt ông, cùm lại rồi cho ra nằm ở xích hậu (điếm canh). Dân làng thương cha tôi cho tôi nằm thay ông. Là trẻ con nên tôi không bị cùm, chỉ nằm chơi với mấy ông lính gác thôi. Nhớ lại, tôi cũng kể cho ông Lưu nghe”...
Ông Lưu nói: “Khi cháu vào Đảng để xây dựng một xã hội mà ở đó con người không còn phải sợ quyền lực nữa. Con người sống để thương yêu nhau. Và chỉ phục tùng một quyền lực duy nhất, đó là lẽ phải! Cháu có thích dấn thân theo hướng đó không? Phải xác định là phải trải qua thời gian lâu dài 50 năm, 100 năm mới đạt được mục tiêu đó!”. Tôi nghe mà thấy lòng rạo rực, phấn chấn. Sau này, lúc nằm ở nhà tù Côn Đảo, nhớ lại ngày vô Đảng, tôi làm mấy câu thơ cảm tác:
“Từ xuân ấy, tim trai rực lửa
Thoáng cờ hồng trộm nhớ thầm yêu
Yêu như thân phận nàng Kiều
Bén duyên Kim Trọng giữa chiều thanh minh”
Ngày 15-10-1946, khi vừa 20 tuổi, chàng thanh niên Trần Trọng Tân được kết nạp vào Đảng ở huyện Cam Lộ, Quảng Trị.
Khi cách mạng giành chính quyền, ông Tân được phân công làm Phó ban Ngoại giao huyện Cam Lộ, vì ông có lợi thế là biết tiếng Nhật. Trong vai trò này, ông đã can thiệp giải quyết xung đột giữa ta với quân Nhật và giữa quân Nhật với những giáo dân.
Sau đó, ông Tân được cử làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Việt Minh huyện kiêm phụ trách Đoàn Thanh niên cứu quốc huyện. Tại Đại hội Đoàn Thanh niên cứu quốc, ông được cử làm Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc huyện Cam Lộ. Sau đó, ông được cử làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh niên cứu quốc tỉnh Quảng Trị, là đại biểu tham dự Đại hội Thanh niên cứu quốc toàn xứ Trung kỳ.
Khi Pháp đánh trở lại, ông ở lại tập hợp thành lập Đội Biệt động đường số 9, do anh Trần Hồng Chương làm Chính trị viên, ông Tân là Chỉ huy trưởng. Sau đó, dù vắng mặt, nhưng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị bầu ông Tân là Tỉnh ủy viên kiêm Bí thư Huyện ủy huyện Cam Lộ. Đến tháng 5-1952, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị bầu ông Tân làm Bí thư Tỉnh ủy. Lúc đó ông 26 tuổi. Khi Trung ương mở lớp Nguyễn Ái Quốc đầu tiên ở Việt Bắc, ông được cử đi học 24 tháng. Lớp học bế mạc khi ta tiếp quản Hà Nội. Sau khóa học, Trung ương giao ông làm chuyên viên Ban Tuyên huấn Trung ương, cán bộ lý luận, mở lớp giảng dạy....
Vào Nam hoạt động
Sau khi có Nghị quyết 15 về cách mạng miền Nam, trên điều 5 người vào Nam, trong đó có ông Tân nhưng ông không đi được vì nhiều lý do khách quan. Đến tháng 9-1960, ông Tân tham dự Đại hội Đảng lần thứ III. Khi thành lập Trung ương Cục miền Nam ở chiến khu Mã Đà, ông Tân làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng đoàn cán bộ miền Bắc vào để họp Trung ương Cục. Tháng 10-1961, ông Tân được cử làm Ủy viên Trung ương Cục miền Nam kiêm Tổng Biên tập tờ tạp chí Lý luận. Năm 1967, Trung ương Cục đưa ông Tân vào hoạt động bí mật ở nội thành Sài Gòn. Tháng 12- 1969, ông bị bắt đày ra Côn Đảo. Lúc ở Côn Đảo, ông khai tên là Phan Huy Vân và lấy đó làm tên hoạt động trong tù. Ở tù, ông được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy Côn Đảo. Tháng 5-1975, tự giải phóng ở chuồng cọp trở về. Ngày 17-5-1975, ông Tân về đến Sài Gòn.
Ngày chiến thắng, trở về sum vầy cùng vợ con sau nhiều năm xa cách, lòng ông bồi hồi xúc động. Và một kỷ niệm khi chia tay với vợ khiến ông nhớ mãi. “Lúc đó, trước khi tôi nhận quyết định vào Nam hoạt động, tôi dẫn vợ đi dạo Hồ Tây. Tôi hỏi: Anh vào Nam chiến đấu, em có lo gì không? Bà đáp: Lo nhiều, nhưng có mấy điều đáng lo nhất là lo anh hy sinh, lo anh bị giặc bắt rồi không giữ được khí tiết của mình...”. Thấy bà im lặng, không nói tiếp, tôi hỏi: “Còn chi nữa không?” Bà nói ngập ngừng: “Lo anh vô đó khi về lại dẫn thêm một bà nào về nữa”. Tôi hỏi: “Trong 3 nỗi lo đó, nỗi lo nào lớn nhất?”. Bà ấy nói: “Anh hy sinh thì đau buồn, thương nhớ, nhưng rồi cũng nguôi. Anh bị bắt mà khi về vẫn thương vợ con, thì dù bị điều tiếng vẫn còn nguôi ngoai được mà sống. Nhưng nếu anh có thêm vợ nữa thì nỗi đau đó chắc em không vượt qua được”. Khi về Sài Gòn, tôi nhìn lại mình, thấy tự hào rằng cả 3 nỗi lo đó của vợ, mình đều không gặp phải” - ông Tân cười, tâm sự.
Một tuần sau, ông nhận quyết định làm Thường vụ Thành ủy TP.HCM, rồi Phó ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng đoàn chuyên gia qua Campuchia giúp bạn. Sau 6 năm giúp bạn, ông về làm nhiệm vụ ở Trung ương. Đến 71 tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn làm nhiệm vụ của 3 hội đồng: Hội đồng lý luận TƯ, Hội đồng xuất bản Hồ Chí Minh toàn tập, Hội đồng xuất bản Văn kiện Đảng. Hiện nay, dù đã nghỉ hưu mà không hưu, ông Tân vẫn làm rất nhiều việc: Tư vấn xây dựng công trình đền Bến Dược, Củ Chi; tư vấn nội dung công trình Công viên Lịch sử - Văn hóa - Dân tộc Việt Nam ở TP.HCM...
NGUYỄN VĂN THỊNH