Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Để giảm thiểu tối đa lượng rác thải ra môi trường, thời gian qua, xã Tân Lập đã thực hiện thí điểm mô hình ủ rác thải thành phân hữu cơ. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân có thói quen phân loại rác thải ngay tại gia đình, góp phần làm sạch môi trường.
Mô hình ủ rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình giúp giảm thiểu lượng rác thải ra ngoài môi trường, nâng cao ý thức người dân trong việc phân loại rác tại nguồn. Trong ảnh: Sản phẩm phân ủ hữu cơ của hộ ông Đạm Tài, ấp 4
Mô hình ủ rác hữu cơ làm phân bón được Hội Nông dân xã Tân Lập triển khai thí điểm cho 20 hộ dân tại 5 ấp trên địa bàn, sau đó sẽ nhân rộng. Bà Hoảng Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết với đặc tính dễ phân hủy và có thể xử lý đơn giản thành phân bón cho cây trồng của rác thải hữu cơ, bước đầu Hội Nông dân đã hỗ trợ các hộ thùng xốp ủ rác, men vi sinh và phân bò. Theo đó, rác hữu cơ như vỏ rau củ quả, cỏ được bỏ vào thùng xốp phủ một lớp phân bò, một lớp men vi sinh rồi đem trộn đều, sau 21 ngày phân hủy thành phân bón có ích cho cây trồng. Để hỗ trợ người dân nắm rõ quy trình, chi hội nông dân các ấp sẽ trực tiếp hướng dẫn, giám sát và tuyên truyền cho người dân.
Được đánh giá là một trong những hộ thành công, phân ủ đẹp và tơi xốp, ông Đạm Tài, hội viên nông dân ở ấp 4, chia sẻ: “Tôi vừa gom thêm cỏ và mua men vi sinh, phân bò về để ủ thêm mẻ mới. Mô hình này rất thiết thực, có thể tận dụng rau củ quả bỏ đi hoặc rau già trong vườn để làm phân bón cho cây. Lượng rác ủ trong một thùng không nên quá đầy, thùng khơi lỗ thông khí và kê cao, men vi sinh phải đủ lượng, nếu ít quá sẽ không đủ phân hủy trong vòng 21 ngày”.
Bà Bạch Thị Hoan, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 4, cũng cho biết trước đây rác thải hữu cơ để lâu sẽ bốc mùi, ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường. Nay xử lý bằng chế phẩm sinh học đem bón cho vườn cây rất hiệu quả. Ấp sẽ tuyên truyền thêm cho người dân biết đến về tác dụng của mô hình để họ có thể tự làm, chủ động được nguồn phân hữu cơ.
Tương tự, chị Trần Thị Thanh Thảo, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 3, cũng cho hay mô hình này nhận được sự hưởng ứng của người dân bởi dễ làm, chi phí thấp, tiết kiệm được tiền mua phân bón và góp phần giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, từ đó nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác thải tại nguồn.
HẠNH NHI