| 20-04-2019 | 06:06:27

Ứng xử có văn hóa - lợi cả đôi đường

 Hiện nay, ở những khu nhà trọ, con đường gần khu cụm công nghiệp đông đúc vào giờ cao điểm đang đặt ra những vấn đề ứng xử trong đời sống hàng ngày của thanh niên công nhân. Có những câu chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng vô tình làm phiền cho người khác. Nếu như mọi người có cách xử sự tế nhị, văn hóa hơn thì sẽ tạo được sự hòa thuận, ai cũng có thể an vui lao động và sinh sống.

1. Chuyện nơi ở: Trong khuôn viên một nhà trọ ở TX.Tân Uyên, 2 dãy phòng trọ đối diện cách nhau 2m. Một buổi sáng chị H. về phòng nghỉ ngơi sau giờ làm ca đêm. Đang ngủ thì âm thanh từ tiếng pô xe lớn phát ra ở phòng đối diện làm chị giật mình thức giấc. Phòng trọ san sát nhau, ban ngày nắng nóng, làm ca đêm lại thêm tiếng ồn không ngủ được thì sẽ rất mệt. Không chỉ riêng chị mà nhiều người trong nhà trọ cũng không vừa ý tiếng pô xe lớn đó. Chị nói: “Mặc dù chủ nhà trọ thường nhắc nhở mọi người và ghi bảng “Tắt máy xe dẫn bộ”. Thế nhưng vẫn còn một vài người vô tư, chạy xe ra vào thường xuyên gây tiếng ồn, nguy hiểm cho trẻ em và ô nhiễm môi trường” .

Một nỗi phiền không biết kêu ai nữa thường gặp ở các nhà trọ đó là vào những ngày nghỉ, nhiều anh chị em thư giãn với âm nhạc. Tuy nhiên, mỗi người lại có sở thích nhạc khác nhau và âm thanh thì quá lớn nên ảnh hưởng đến những phòng trọ khác. Anh T. ở trọ tại TX.Dĩ An, kể: “Thời gian vợ tôi mới sinh con nhỏ, kế phòng trọ có anh kia lại thích nghe nhạc sôi động và thường mở lớn nên làm bé hay giật mình, khóc nhè. Có lần, tôi nói để âm thanh vừa đủ nghe mà xảy ra mâu thuẫn hai bên. Nhiều trường hợp như vậy mà dẫn đến xô xát không đáng có. Chung vách phòng trọ với nhau, mỗi người cần phải có ý thức một chút, xử sự có văn hóa, hành động tế nhị, vì mọi người xung quanh để có thể cùng chung sống tốt hơn”.

Thanh niên công nhân tham gia hướng dẫn lái xe an toàn trong ngày hội văn hóa giao thông năm 2019 do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và Lao động trẻ tỉnh tổ chức

2. Chuyện rút tiền: Vào những ngày công nhân lao động được nhận lương, các trụ ATM xung quanh công ty, xí nghiệp luôn có đông người thực hiện giao dịch rút tiền. Do số lượng nhiều nên chờ đợi đến lượt sẽ mất thời gian. Một buổi chiều tan ca, trụ ATM gần công ty đông người vây kín, người đến trước đến sau, đến cùng lúc chen chân nhau… Chị Trần Thị Hoa, công nhân Khu công nghiệp Chí Hùng (TX.Tân Uyên), nói: “Nhiều năm nay, công ty tôi thực hiện trả lương qua ngân hàng, hàng tháng không lên văn phòng trực tiếp lấy tiền nữa thì chúng tôi phải ra trụ ATM để rút. Mỗi lần đến ngày lấy lương là các cây ATM đều chật cứng, không xếp hàng, mọi người chen lấn để nhanh được rút tiền. Có người vì phải chờ đợi lâu nên nói những câu không được hay. Một cậu thanh niên vì muốn nhanh rút được tiền mà chen lấn đứng trước một người, lời qua tiếng lại, chẳng ai chịu nhường ai nên xảy ra những trận cãi vã”.

Không những thế, nhiều trường hợp còn kém nhả nhặn khi cặp mắt hướng về màn hình máy ATM, người đang rút tiền sẽ rất khó chịu vì mật khẩu cũng như thông tin tài khoản bị người khác nhìn thấy. Hãy xếp thành hàng, người đến trước đứng trước, việc tranh nhau không mang lại sự việc tốt đẹp mà còn làm mất thời gian, có thể dẫn đến việc gây gổ, ẩu đả...

3. Chuyện giao thông: Cùng với câu chuyện ở trụ ATM là chuyện văn hóa giao thông. Trên một tuyến đường gần khu công nghiệp, vào giờ công nhân tan ca thường xảy ra kẹt xe. Tại ngã ba, không ai nhường ai nên chốt giao thông tắc nghẽn. Chờ đợi để thông xe vừa mất thời gian, vừa phải ngửi bao nhiêu khói thải. Nhiều người lái xe chen lấn từng chút một, không trật tự, xe chạm nhau là chuyện không tránh khỏi… Va quẹt xảy ra không có thiệt hại hư hao gì nhưng lời qua tiếng lại, cự cãi lớn tiếng rồi đánh nhau khi một người sai không biết sai, một người không nhịn, đòi bồi thường vì trầy xe.

Nhiều trường hợp chỉ va chạm nhẹ về phương tiện nhưng vì cư xử kém văn hóa nên dẫn đến xô xát gây ra chuyện lớn. Nếu tai nạn không có gì nghiêm trọng thì hai bên có thể xin lỗi với thái độ nhường nhịn để êm ái mọi việc. Văn hóa giao thông thể hiện bằng hành vi xử sự có văn hóa, khi tham gia giao thông phải có trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác; ý thức an toàn là trên hết, có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông; chấp hành đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ. Ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông để mang lại hạnh phúc cho chính mình và cộng đồng.

 K.TUYẾN

Chia sẻ