Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Những ruộng rau xanh mướt tại xóm rau
“Xanh đời” nhờ rau
Đổ dốc xuống khỏi con đường Độc Lập của thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, băng qua thêm cây cầu Lễ Trang là đến xóm rau. Xóm rau nằm ngay đầu ấp Lễ Trang, thuộc xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo. Sở dĩ gọi là xóm rau vì hàng chục năm nay, gần trăm hộ dân nơi đây chuyên chú vào một nghề duy nhất: trồng rau. Chỉ cần bước chân vào đầu xóm, bạn đã có thể dễ dàng nhận ra những luống rau xanh mướt mọc lên bên cạnh những ngôi nhà xây kiên cố. Người quen, không cần nhìn họ cũng có thể nhận ra khi bước vào xóm rau bởi cái mùi đặc trưng ngai ngái của phân heo, phân bò bốc lên. Người dân xóm rau không giàu, cũng không nghèo. Cái nghề trồng rau bảo đảm cho họ có “cơm no, áo ấm”. Vừa ngơi tay sau “ca” làm cỏ rau buổi sáng, anh Hoàng Thái Hà, chủ một hộ trồng rau được người trong xóm cho là có tay nghề “số 1” tại đây tiếp chuyện chúng tôi. Bên hiên căn nhà khang trang, sau khi nhấp ngụm trà, chúng tôi được anh chia sẻ về nghề trồng rau của xóm mình: “Nghề trồng rau đã tồn tại hơn nửa thế kỷ rồi. Người theo nghề này không quá cực nhọc nhưng bắt buộc phải làm lụng quanh năm và phải chịu khó mới thành công”. Nhờ cây rau mà vợ chồng anh Hà có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong ảnh: Vợ chồng anh Hà bên căn nhà khang trang
Anh Hà cho biết ngay từ bé, vào những năm 60 của thế kỷ trước, anh đã thấy bố mẹ mình trồng rau. Từ đó đến nay hầu như nhà nào trong xóm cũng trồng rau và sống nhờ cây rau. Cải ngọt, cải xanh, mồng tơi, đậu bắp, xà lách, rau dền… là những thứ đặc sản của xóm này từ xưa đến nay. “Đã có lúc tôi bỏ nghề này để đi làm việc khác và kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng cuối cùng vẫn phải trở về với cái nghề “cha truyền, con nối này”. Hình như nghề trồng rau đã ăn sâu vào máu của mình từ lúc nào không hay”, anh Hà nói. Cây rau không phụ người, nhờ gắn bó với rau anh đã xây dựng được nhà cửa khang trang và lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Chỉ mảnh đất khoảng 1.500m2 trước nhà, anh Hà cho biết hàng tháng vợ chồng anh thu trên dưới chục triệu đồng từ nghề trồng rau. Tận dụng rau hư, rau dập anh còn nuôi heo, nước phân heo thì dùng để bón rau, vừa tiết kiệm chi phí, vừa cho ra những bó rau an toàn cho sức khỏe của mọi người.
Nhiều người bỏ nghề!
Do phải thức khuya dậy sớm và làm việc không ngơi tay suốt ngày nên những người chuyên tâm vào cây rau như anh Hà chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Đa phần những người còn lại trong xóm chỉ chọn nghề trồng rau là nghề tay trái lúc rảnh rỗi. Cũng là người có “thâm niên” trồng rau ở đây, anh Hà Khắc Chuẩn cho biết: “Nhiều người trong xóm đã chọn nghề khác thay vì quanh quẩn với ruộng rau nhỏ bé. Hộ thì mua đất trồng cao su, hộ thì chọn nghề cạo mủ cao su thuê. Còn rất ít người sống chết với nghề trồng rau”. Anh Chuẩn chia sẻ: “Cách đây 40 năm tôi đã phụ cha mẹ xách nước tưới rau. Ngày ấy trồng rau sao thấy quá dễ dàng. Có loại rau trồng dư vứt bên lối đi trong vườn cũng mọc lên xanh tốt. Giờ đây thì khác rồi, thời tiết, đất đai, nguồn nước đều thay đổi nên làm rau cũng khó hơn”.
Theo anh Chuẩn, có lẽ việc làm ra cây rau quá khó khăn đã khiến nhiều người trồng rau tại đây không còn “mặn mà” với nghề này. Nghề trồng rau khó giàu, nhưng nếu đem so sánh với các loại cây trồng khác thì cây rau vẫn là cây trồng mang lại hiệu quả cao nếu tính trên cùng diện tích. Các hộ dân tại đây bỏ nghề là vì không thể mở rộng thêm được diện tích trồng rau. “Nếu tăng được sản lượng và thâm canh nhiều vụ trên một diện tích nhất định thì có lẽ người dân xóm rau sẽ không bỏ nghề!”, anh Chuẩn ao ước.
Ước vọng công nghệ cao
Người xóm rau rất có ý thức với việc bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Nhiều hộ trồng rau tại đây đã tự giác xây dựng mô hình trồng rau an toàn hoặc sản xuất rau theo hướng an toàn. Nở nụ cười hiền lành, anh Chuẩn cho biết, tất cả các hộ trồng rau tại đây đều không sử dụng thuốc tăng trưởng, dung dịch bảo quản rau. “Theo nghề mấy chục năm nay, nghề làm rau cũng có lúc thăng, lúc trầm nhưng chúng tôi luôn tự nhủ sức khỏe của con người mới đáng quý chứ lợi nhuận có rồi ăn cũng hết, nên không ai làm phương hại đến uy tín xóm rau”, anh Chuẩn nói và chia sẻ thêm, hầu hết các hộ trồng rau tại đây ngoài bán còn để cho gia đình ăn nên vấn đề an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Vì thế mà đến nay vẫn chưa có ai “kêu ca” về chất lượng rau của xóm rau này.
“Có thời, rau xanh tại chợ huyện và các địa phương lân cận đều do xóm rau này cung cấp, nhưng nay thì bị hạn chế nhiều do sản phẩm của xóm rau không cạnh tranh nổi với các loại rau “bắt mắt” được đưa từ nơi khác đến. Chỉ có những người quen mới sử dụng rau của xóm này. Tuy không đẹp như rau của các nơi khác, nhưng rau của xóm rau luôn tươi ngon và an toàn với sức khỏe”
(Anh Hoàng Thái Hà, người xóm rau)
Hầu hết người xóm rau giờ đây đều nhận thấy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau sẽ giúp nâng cao năng suất và chất lượng vườn rau. Tuy nhiên, việc đầu tư công nghệ vào sản xuất đối với họ là vấn đề vượt quá tầm tay. Mặc dù đã đầu tư hệ thống tưới tự động và sử dụng nhà lưới để trồng rau, nhưng anh Hà vẫn chưa hài lòng và cho biết: “Vườn rau của tôi nếu đầu tư thêm hệ thống tưới phun sương thì sẽ cho năng suất cao hơn. Nhưng nếu muốn có hệ thống tưới này thì tôi phải bỏ ra ít nhất là 100 triệu đồng. Số tiền này so với thu nhập từ nghề trồng rau là không hề nhỏ chút nào”. Anh Nguyễn Văn Tài, một hộ ở cuối xóm rau cho biết: “Rau an toàn thì chúng tôi đã làm thuần thục từ lâu, nhưng làm rau sạch thì vẫn còn có khoảng cách khá xa. Ai cũng biết sản xuất nông nghiệp muốn có thu nhập cao thì phải đầu tư. Tôi cũng rất muốn phát triển mô hình sản xuất rau của mình theo hướng sản xuất rau sạch để cây rau của mình đi xa hơn, thu nhập tăng lên nhưng chưa có điều kiện”.
Chính vì chưa có điều kiện mà những người trồng rau như anh Hà, anh Chuẩn, anh Tài đều ao ước có vốn để đầu tư theo hướng sản xuất rau sạch. Và, ước ao của các anh cũng mãi là ước ao nếu không có sự hỗ trợ thiết thực của các ngành chức năng và địa phương. Tay nghề có, con người có nhưng nhiều người phải bỏ nghề chỉ vì không thay đổi được công nghệ sản xuất để tăng thu nhập! Để người dân xóm rau tiếp tục gắn bó với nghề, thiết nghĩ chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ vốn và chuyển giao công nghệ sản xuất rau theo hướng rau sạch để phát huy tinh thần tự giác cũng như tay nghề của người dân xóm rau, phục vụ nhu cầu xã hội.
CAO SƠN